Gia đình Việt Nam - Từ truyền thống đến hiện đại |
Viết bởi An An |
Thứ hai, 27/06/2016, 11:08 GMT+7 |
Tình yêu, trách nhiệm và sự hi sinh vì nhau là nét đẹp của mỗi người trong cuộc sống gia đình đã hình thành nên bản sắc văn hóa gia đình Việt Nam. Từ “ngôi trường” đầu tiên của trẻ đến vai trò “tế bào hạt nhân” đối với xã hội, gia đình Việt dù ở bất cứ giai đoạn nào cũng đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình phát triền và hưng thịnh của đất nước. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, bên cạnh việc tiếp nhận những giá trị mới thì mỗi gia đình Việt vẫn lưu giữ những bản sắc tốt đẹp đã được hình thành và phát triển xuyên suốt dòng chảy của lịch sử dân tộc.
Gia đình - Tổ ấm hạnh phúc, nơi nuôi dưỡng yêu thương của mỗi người Gia đình: Từ “ngôi trường” đầu tiên của trẻ đến ‘tế bào hạt nhân” của xã hội Nếu nhìn trên phương diện cộng đồng xã hội, mỗi công dân có nguồn cội là quê hương, là đất nước, thì ở một phạm vi hẹp hơn, gia đình là cội rễ của mỗi con người, là môi trường giáo dục chính yếu và là nơi thân thương nhất của mỗi đứa trẻ, là nơi che chở và nâng đỡ chúng ta trên mỗi bước hành trình. Mỗi người từ khi được sinh ra đến khi trải qua “sinh lão bệnh tử” của cuộc đời để về với đất mẹ, luôn luôn và bao giờ cũng gắn liền với gia đình. Môi trường giáo dục đầu đời của trẻ là gia đình, người thầy đầu tiên trong cuộc đời của trẻ là cha mẹ. Một đứa trẻ trưởng thành và thành công trong cuộc đời không thể nào không có dấu ấn và vai trò rất lớn của cha mẹ, những người đã hi sinh cả cuộc đời để chăm lo, nuôi dưỡng và giáo dục con bằng tất cả yêu thương chỉ mong con trưởng thành, hạnh phúc và thành đạt. Đồng thời, gia đình, một mô hình thu nhỏ của xã hội, là tế bào hạt nhân cấu thành nên đất nước, và chính nơi ấy đã góp phần rất lớn đối với việc giáo dục mỗi con người, hình thành nên nhân cách, đạo đức, thậm chí quyết định cả tương lai và cuộc đời của trẻ. Theo truyền thuyết Trung Quốc, người mẹ hiền của Mạnh Tử (sống vào thế kỉ 4 TCN) đã dạy con một cách nghiêm khắc bằng những bài học sâu sắc. Tương truyền, bà đã nhiều lần chuyển nhà chỉ vì muốn con có một môi trường giáo dục tốt nhất. Cuối cùng, người mẹ vĩ đại ấy đã có một người con vĩ đại. Mạnh Tử được xem là ông tổ thứ 2 của Nho giáo vì chính ông đã phát triển học thuyết Nho giáo của Khổng Tử với bốn đức tính cơ bản: Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Ông được hậu thế tôn xưng là Á thánh Mạnh Tử. Với người Do Thái, tuy có một lịch sử hết sức đặc biệt nhưng cũng chính họ là một trong những dân tộc thông minh nhất trên hành tinh này với tên tuổi những nhà khoa học vĩ đại của nhân loại. Có được điều đó, phần lớn là vì họ xem trọng việc dạy con từ thưở bé thơ và luôn tạo ra một môi trường gia đình lạnh mạnh nhất đối với sự phát triển tài năng và nhân cách của trẻ từ việc dạy con tự tin, độc lập, có bản lĩnh trong cuộc sống cho đến việc bảo vệ môi trường,… Cũng có thể kể đến người Nhật, một dân tộc kiên cường, với đặc trưng điều kiện sống khó khăn và nhiều nguy hiểm bởi thiên tai động đất, sóng thần, tuy nhiên, họ vẫn mạnh mẽ vượt qua với thái độ sống văn minh và một nghị lực phi thường nhất. Điều đó có vai trò rất lớn lao của giáo dục gia đình mà cha mẹ là những người đi tiên phong. Vì vậy, gia đình chính là “ngôi trường” đầu tiên của mỗi trẻ em. Chính tại “ngôi trường” ấy, đứa trẻ đã được cha mẹ, ông bà, anh chị em… dạy dỗ những điều tốt đẹp nhất về đạo đức, nhân cách, bài học làm người, cách sống giữa người với người, với quê hương đất nước… Chính chúng là bước đệm quan trọng đầu tiên quyết định sự hình thành nhân cách, đạo đức của mỗi đứa trẻ trong tương lai. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc giáo dục cho trẻ được đặt lên vị trí hàng đầu. Vì mỗi gia đình có được một nền giáo dục tốt, con trẻ có cuộc sống tốt đẹp, có cơ hội thành công thì gia đình mới hạnh phúc, đất nước mới có thể phát triển, phồn vinh. Gia đình người Việt quây quần bên mâm cơm truyền thống ngày Tết Văn hóa gia đình - Nét đẹp bản sắc Việt - Lưu giữ và phát huy Từ ngàn xưa, dân gian Việt Nam đã truyền nhau rằng: “Chim có tổ, người có tông Như cây có cội, như sông có nguồn”. Vì thế, dù ở phương Đông hay phương Tây, mỗi con người đều có gia đình, đó là nơi mà mỗi đứa trẻ được nuôi dưỡng, giáo dục và trưởng thành, được quan tâm, chăm sóc và yêu thương, nơi có thể quay về sau những thăng trầm ba đào sóng gió của cuộc đời. Đó cũng chính là bệ đỡ vững chắc và ấm áp nhất đối với mỗi người. Lần giở lại từng trang sử Việt, trở về với cội nguồn dân tộc, chúng ta thấy rằng, qua truyền thuyết “Con rồng cháu tiên”, dân gian xưa không chỉ nhằm truyền tải thông điệp lớn lao về ước mong của họ về sự cố kết của dân tộc trong hành trình dựng nước và giữ nước, mà đó còn là câu chuyện các thành viên trong gia đình luôn biết giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ khó khăn hoạn nạn và đoàn kết một lòng vì sự phát triển chung xuất phát từ việc 50 con theo mẹ Âu Cơ lên rừng và 50 con theo cha Lạc Long Quân xuống biển với hẹn ước dù ở bất cứ nơi nào cũng không quên giúp đỡ lẫn nhau. Phải chăng, xuất phát từ truyền thuyết này mà gia đình người Việt đã có những nét hết sức độc đáo riêng, tạo nên một bản sắc rất Việt Nam? Theo như một số nhà nghiên cứu thống kê và phân tích cho thấy, mô hình gia đình ở Việt Nam có thể chia làm 3 kiểu theo đẳng cấp và địa vị xã hội, đó là kiểu gia đình bình dân, gia đình kẻ sĩ và gia đình quyền quý. Ở mỗi kiểu gia đình đều được tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc từ ngàn xưa và ở mức độ nào đó chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội đương đại ngày nay, gia đình Việt Nam cũng tiếp nhận lối sống hiện đại được du nhập từ các nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn chung, dù ở kiểu gia đình nào và trong bất cứ bối cảnh xã hội nào thì mỗi gia đình Việt Nam vẫn có bản sắc Việt đã được hình thành và phát triển cũng như được lưu giữ và phát huy suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Trước hết, chúng ta thấy rằng, từ xưa đến nay, ở Việt Nam, nhiều thế hệ trong một gia đình vẫn cùng nhau chung sống dưới một mái nhà và được gọi là “tứ đại đồng đường”. Ông bà, cha mẹ và con cháu cùng nhau sống và sinh hoạt, quan tâm và chia sẻ với nhau về công việc lẫn học tập cũng như giáo dục mỗi đứa trẻ. Đồng thời, mỗi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận đối với sự phát triển và phồn vinh của dòng họ. Điều đó hàn toàn khác với lối sống độc lập của gia đình ở phương Tây. Khi đủ 18 tuổi, các thành viên trong gia đình phương Tây có quyền dọn ra ở riêng và có một đời sống tự do, độc lập cũng như quyền tự quyết và chịu trách nhiệm về mọi vấn đề trong đời sống của chính mình. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, sự độc lập này lại làm cho họ đôi khi cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong cuộc sống. Tại Việt Nam, ngày nay, cho dù có nhiều thanh niên thích xu hướng sống riêng như phương Tây nhưng phần lớn vẫn sống quây quần cùng nhau trong một mái nhà, đặc biệt là các gia đình ở các vùng nông thôn. Cũng chính vì cùng sống với nhau dưới một mái nhà nên đối với người Việt, bữa cơm rất là quan trọng. Đó là thời gian mọi thành viên trong gia đình quay trở về sau một ngày làm việc mệt mỏi để cùng trò chuyện, chia sẻ những vui buồn, lo lắng thường nhật. Vì thế, mâm cơm của gia đình Việt Nam cũng có những điểm khác biệt với gia đình các nước. Khi nhìn vào bữa cơm Việt Nam trong một gia đình nhiều thế hệ, chúng ta sẽ thấy được vai trò của người phụ nữ, sự kính trọng của các con đối với ông bà cha mẹ, sự quan tâm của ông bà cha mẹ đối với con cái, sự hòa thuận giữa vợ chồng, giữa các anh chị em… Hơn nữa, gia đình Việt luôn coi trọng quan hệ dòng tộc, quan hệ huyết thống. Dân gian ta quan niệm: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Bởi vậy, bên cạnh việc coi trọng quan hệ hàng xóm láng giềng, người Việt luôn luôn trân trọng dòng tộc. Từ đó, văn hóa làng xã cũng được hình thành và là hình thức biểu hiện của văn hóa gia đình khi mà những gia đình người Việt sống gần gũi nhau lập nên làng nên ấp và đoàn kết với nhau để chống lại mọi thế lực xâm chiếm từ bên ngoài. Không những thế, chính vì coi trọng gia đình, coi trọng quan hệ họ hàng nên trong ngôn ngữ người Việt cũng hình thành nên một khối lượng đại từ xưng hô rất phong phú để giao tiếp thể hiện ngôi bậc thứ vị và sư tôn trọng lẫn nhau, trong đó, khi giao tiếp, qua các đại từ xưng hô, chúng ta sẽ nhận biết những người đang nói chuyện với nhau có quan hệ họ hàng như thế nào. Một điều khác biệt của gia đình Việt Nam nữa là truyền thống thờ cúng tổ tiên. Điều này không những chỉ thể hiện tình yêu, sự nhớ thương trân trọng của người sống với người đã mất. Nó còn là biểu hiện của lòng biết ơn về những công lao vô bờ bến của con cháu đối với đấng sinh thành. Và trên hết tất cả, việc mỗi thành viên trong gia đình sống vì nhau, có trách nhiệm đối với nhau bởi vì điều đó xuất phát từ tình yêu và sự quan tâm lẫn nhau được gắn kết từ đời này sang đời khác trong dòng chảy của lịch sử tạo nên bản sắc văn hóa của gia đình Việt Nam. Chính nền tảng ấy đã giúp mỗi con người có thêm niềm tin và động lực để vững bước trên mỗi bước đường đời, nhất là trong bối cảnh cuộc sống đương đại với những thay đổi nhanh chóng về giá trị và quan niệm sống cũng như những khó khăn mà mỗi cá nhân phải vượt qua. Thực hiện: Nguyệt Lam Chuyên đề Tạp chí Vanhoadoanhnhan tháng 6 Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|