Ngân hàng Thế giới: Tương lai việc làm của Việt Nam phụ thuộc vào 3 yếu tố này |
Viết bởi Mai Ngọc |
Thứ năm, 05/07/2018, 16:44 GMT+7 |
Ngành hiện đại, ngành truyền thống, lượng lao động và các thể chế thị trường lao động là 3 bánh răng trong cỗ máy tạo việc làm, theo nhận định của ông Ousmane Dione, Giám đốc World Bank tại Việt Nam.
"Tương lai việc làm Việt Nam" là ấn bản mới nhất của World Bank, thực hiện theo đặt hàng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam năm 2016 khi muốn tiến hành các hành một cuộc chẩn đoán sâu về tình hình việc làm trong nước để có những bước đi phù hợp. Từ những nghiên cứu, phía World Bank phát hiện có 3 yếu tố cần phải ăn khớp với nhau để đảm bảo việc làm ngày càng tốt hơn ở Việt Nam. Đó là ngành hiện đại, ngành truyền thống, lực lượng lao động và các thể chế thị trường lao động. "Chúng cần hoạt động giống như bánh răng trong một cỗ máy, duy trì sự hài hòa và phối hợp để giữ cho "máy tạo việc làm" hoạt động trơn tru", ông Ousmane Dione nói. Những "chiếc bánh xe" này, đại diện World Bank cho biết sẽ bị tác động bởi những 4 xu hướng lớn của thế giới, bao gồm: thay đổi hình thức thương mại, kinh tế tri thức, già hoá dân số và biến đổi khí hậu toàn cầu. Cụ thể, nếu Việt Nam không biết tận dụng, khai thác các lợi thế đang có thì có thể bị trục trặc tương tự hình ảnh "gậy chọc bánh xe", khiến việc làm bị ngừng lại. Ngược lại, nếu làm tốt, các xu hướng này hoàn toàn có thể trở thành chất "bôi trơn" cho các bánh răng trong cỗ máy việc làm bởi tiềm năng trong tương lai. Phân tích kỹ hơn từng bánh răng trong cỗ máy việc làm, ông Ousmane Dione nói rằng trong ngành hiện đại, điều quan trọng nhất là hỗ trợ các ngành công nghiệp. Điều này vừa tốt cho các nhà đầu tư, tăng trưởng và cả cho công việc. Sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và việc làm là một điều quan trọng, ông cho biết. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải quan tâm đến môi trường kinh doanh, bởi chỉ khi môi trường thuận lợi mới thúc đẩy đổi mới, thu hút đượ FDI có giá trị cao hơn, đồng thời đảm bảo được khu vực doanh nghiệp nội địa được tháo xích tiến đến chuỗi giá trị khu vực toàn cầu. "FDI không phải lúc nào cũng dẫn đến tăng trưởng nội địa", ông Dione nhấn mạnh và cho biết cần phải suy nghĩ nhiều hơn về mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và DNNVV tại địa phương. "Ngành hiện đại là nơi có các công việc tốt nhất của Việt Nam - cung cấp năng suất lao động và tiền lương cao hơn và các lợi ích xã hội tốt hơn", đại diện World Bank nói. Điểm mấu chốt của ngành này được World Bank chỉ ra là Việt Nam phải tránh xa khỏi vị trí "công xưởng" của thế giới và tận dụng được những cơ hội chưa được làm tốt trước đây. Đơn cử như đối với ngành dịch vụ CNTT mà Việt Nam có tiềm năng lại tồn tại nhiều hạn chế bao gồm liên quan đến khung pháp lý, thể chế, hạ tầng, các ngành nghề hỗ trợ... Bánh răng thứ hai là việc làm trong ngành truyền thống với vai trò quan trọng trong nền kinh tế bởi đây là nguồn việc cho những người yếu thế (dân tộc, người già, người ít học vấn). Việc tích hợp các công việc của ngành truyền thống vào nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảm nghèo. Ông Ousmane Dione cho biết tạo công ăn việc làm trong khu vực truyền thống sẽ đòi hỏi việc đa dạng hoá thành cây trồng có giá trị cao. Ví dụ như chuyển dịch từ trồng lúa sang trồng cà phê, hạt tiêu với mức tiền thu được gấp 3 – 5 lần. Cuối cùng, phía World Bank đề cập đến lực lượng lao động và thể chế thị trường lao động. Con người là nhân tốt cần thiết cho sự tăng trưởng của Việt Nam khi bước thêm các nấc thang kinh tế toàn cầu. Do vậy, yêu cầu đặt ra là Chính Phủ và khu vực tư nhân phải xây dựng kỹ năng cho việc làm cho hiện tại và tương lai. Những kỹ năng được World Bank nói rõ là khả năng linh hoạt, nhận thức bậc cao và cảm xúc xã hội cũng như các kỹ thuật có thể chuyển giao được giữa các ngành. "Kết quả tốt nhất sẽ được gặt hái khi chính phủ các cấp bao gồm cả trung ương và các cấp khu vực, khu vực tư nhân và công dân Việt Nam cùng nhau làm việc với mục tiêu chung", Giám đốc World Bank Việt Nam kết luận. Theo Nam Dương/ttvn.vn - 5/7/2018 Link nguồn: http://ttvn.vn/kinh-doanh/ngan-hang-the-gioi-tuong-lai-viec-lam-cua-viet-nam-phu-thuoc-vao-3-yeu-to-nay-420185716250413.htm Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|