top-banner-2

Thứ sáu, 04/07/2014, 08:10 GMT+7

Phạt mũ bảo hiểm rởm: Sao không phạt người bán?

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ sáu, 04/07/2014, 08:10 GMT+7

Trong những ngày đầu áp dụng quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đúng tiêu chuẩn, những trường hợp cảnh sát giao thông Hà Nội dừng xe kiểm tra đều sử dụng loại mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.

Những mũ này đều chỉ có 1 lớp nhựa mỏng, không có lớp đệm bảo vệ và không hề có dấu hợp quy CR và đường nhiên không dán nhãn “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội mới chỉ tuyên truyền và yêu cầu người vi phạm viết cam kết chứ chưa tiến hành xử phạt.

mubaohiem

Trong hai ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở người dân sử dụng mũ đạt chuẩn và thu hồi mũ kém chất lượng

CSGT chưa phân biệt được mũ thật, giả

Trao đổi với báo chí, thượng úy Mai Văn Tài - Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Công an Hà Nội) cho biết: Từ hôm qua tới giờ, tổ công tác đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đội mũ bảo hiểm không đúng cách và mũ nhái kiểu dáng mũ bảo hiểm. Trong đó, nhiều người đội mũ bảo hiểm lưỡi trai không đủ ba bộ phận theo quy định. Với những trường hợp đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, chúng tôi chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt.

Tại ngã tư Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch, tổ công tác đội Cảnh sát giao thông cũng đã xử lý một số phương tiện vi phạm, trong đó khá nhiều người không đội mũ đủ ba lớp mà sử dụng mũ kiểu lưỡi trai. Với trường hợp này, người vi phạm được cảnh sát giao thông hướng dẫn về cách sử dụng mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn, đúng cách. Sau đó, người vi phạm sẽ viết cam kết xác nhận lỗi và biên bản này sẽ được cảnh sát giao thông lưu lại.

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (PC67 - CATP Hà Nội) - quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng là đúng đắn, nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông. Tuy nhiên, Đại tá Thắng cũng thẳng thắn cho rằng, nếu áp dụng quy định xử phạt này, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ gặp khó khăn vì cảnh sát không có máy móc, phương tiện, tập huấn để phân biệt mũ bảo hiểm không đủ tiêu chuẩn mà chỉ thông qua văn bản hướng dẫn của Bộ Khoa học - Công nghệ.

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định, lực lượng chức năng chỉ xử phạt lỗi đội mũ không đạt chuẩn, chứ không có hướng dẫn về việc giữ lại chiếc mũ không đúng chất lượng. Nếu thu mũ, người điều khiển phương tiện có tiếp tục được phép lưu hành hay không? Nếu không thu mũ rất có thể người dân lại đội mũ cũ.

Còn theo Thượng úy Lê Văn Tiến - Đội phó Cảnh sát giao thông số 4 (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) cho biết, ngày đầu áp dụng quy định xử phạt người không đội mũ bảo hiểm đủ ba bộ phận, các tổ công tác chỉ tuyên truyền nhắc nhở, đồng thời yêu cầu người vi phạm viết cam kết. Cảnh sát sẽ lưu lại bản cam kết để nếu tái diễn thì người tham gia giao thông phải chịu phạt 100.000-200.000 đồng.

Không “đổ” trách nhiệm cho dân

Bị cảnh sát dừng xe để xử lý việc đội mũ giả, nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng, thậm chí anh cho biết, chính bản thân anh đi mua mũ không không phân biệt được đâu là mũ giả, đâu là mũ thật. “Trách nhiệm chính trong việc triệt tiêu mũ bảo hiểm giả, không đạt chuẩn phải do các cơ quan quản lý nhà nước, đó là công an, quản lý thị trường chứ không phải của người dân. Nếu mà cơ quan quản lý nhà nước làm tốt, tôi tin rằng là tình trạng đội mũ không đạt chuẩn sẽ không xảy ra. Người dân chúng tôi không ai mong muốn vì một chút tiết kiệm mà đem tính mạng của mình ra đùa giỡn” – một người dân nói.

Tương tự, chị Nguyễn Hoài Vân (35 tuổi) khi bị cảnh sát dừng xe nhắc nhở cũng bức xúc: Tôi cũng có nghe sơ sơ về quy định tiêu chuẩn mũ bảo hiểm, tuy nhiên, người dân chúng tôi không thể nhận biết được loại mũ nào là đạt chuẩn bởi trên thị trường có quá nhiều loại mũ bán trôi nổi. Thậm chí nhiều cửa hàng mũ có hàng không đạt chuẩn bày bán rất gần với các nút cảnh sát thường đứng làm nhiệm vụ nhưng vẫn bày bán rất công khai. “Trên nhiều tuyến phố như đường Láng, Giải Phóng, loại mũ bảo hiểm lưỡi chai không đủ tiêu chuẩn vẫn được bày bán tràn lan vỉa hè, nhưng không có lực lượng chức năng nào xử lý” – chị Vân cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Vụ trưởng Vận tải, Bộ Giao thông khẳng định: Đợt này, chúng tôi không chỉ xử lý chủ phương tiện mà còn xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh buôn bán mũ bảo hiểm trái phép, không đủ tiêu chuẩn. Cũng theo ông Hùng, việc xử lý vi phạm liên quan mũ bảo hiểm là đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, chứ mục tiêu không phải là phạt ai, thu được bao nhiêu tiền.

Về việc khó xử phạt mũ bảo hiểm "rởm", ông Hùng cho biết, cảnh sát giao thông và người dân không phải những người có trách nhiệm chứng minh mũ giả hay thật. Giai đoạn đầu, Ủy ban An toàn giao thông đề nghị lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở người dân sử dụng mũ đạt chuẩn và thu hồi mũ kém chất lượng.

Thiết nghĩ, trong đợt ra quân lần này, mặc dù chưa xử phạt người dân đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, song với việc triển khai quy định này, với sự vào cuộc quyết liệt của các chiến sĩ cảnh sát giao thông, hi vọng, tới đây, người dân sẽ nhận thức một cách đầy đủ hơn về sử dụng mũ bảo hiểm, góp phần hạn chế chấn thương khi không may xảy ra tai nạn giao thông.

Theo DDDN


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Phạt mũ bảo hiểm rởm: Sao không phạt người bán?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc