Trẻ em, người già đổ bệnh vì khói bụi ở đô thị |
Viết bởi Mai Ngọc |
Thứ ba, 11/06/2019, 16:55 GMT+7 |
Trong nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM và Hà Nội luôn ở mức báo động, trong đó lượng bụi mịn luôn vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Trẻ em và người già “đua” nhau nhập viện Nắng nóng, môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh lý về hô hấp tăng cao, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi… Số lượng bệnh nhi khám và điều trị tại BV Nhi đồng 1 luôn trong tình trạng đông đúc. Ảnh: H.T Ngay từ sáng sớm, tại Khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM đã đông đúc phụ huynh bồng bế con nhỏ chờ đến lượt khám bệnh. Cùng cháu trai 9 tuổi vừa từ phòng khám trở ra, bà Nguyễn Thị Em (54 tuổi, tạm trú Q. Tân Phú) cho biết, thường ngày bà hay dắt cháu đi bộ đến trường. Tuy nhiên khoảng hơn 1 tháng trở lại đây tuyến đường này khói bụi mù mịt do có rất nhiều xe cộ qua lại, đặc biệt là xe bán tải chở vật liệu xây dựng. “Tuần trước thấy cháu bị ho khan, hắt xì, than mệt nhưng tôi nghĩ có thể cháu bị cảm sốt thông thường nên chủ quan không đưa cháu đi khám. Mấy hôm gần đây, cháu ho nhiều hơn, ho có đàm sẫm màu, tôi lo lắng quá nên đưa cháu đi khám. BS nói cháu bị viêm đường hô hấp khá nghiêm trọng do khói bụi”, bà Em cho biết. Ngồi chờ đến lượt khám cho con, chị Hoàng Thị Quỳnh (32 tuổi, ngụ Q. 10) cho hay, con gái chị năm nay 11 tuổi, cách đây 3 năm bé bị phát hiện mắc hen suyễn, thường xuyên khó thở. BS khuyến cáo phải hạn chế tiếp xúc với môi trường khói bụi, tránh tình trạng bệnh trở nặng hơn. Do đó, chị Quỳnh rất hạn chế cho con ra đường, và thường xuyên bịt khẩu trang cho con, tuy thế, nhiều ngày trở lại đây bé có biểu hiện khó khở. Lo lắng bệnh tình con bị tái phát chị đưa con đến BV để được tái khám. Theo số liệu thống kê, hiện nay mỗi ngày tại Khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM tiếp nhận 5.000 - 6.000 bệnh nhi. Trong đó, khoảng 20-30% bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, 10-20% mắc các bệnh về tiêu hóa, khoảng 5% mắc bệnh tay, chân, miệng và rải rác một số ca bệnh thủy đậu, viêm não. Ngoài trẻ em, người già có sức đề kháng kém cũng dễ mắc các bệnh hô hấp và các bệnh lý viêm mũi dị ứng, phối tắc nghẽn mãn tính (COPD) trong điều kiện thời tiết oi bức và nắng nóng như hiện nay. Nhiều bệnh nhân cao tuổi đến khám tại BV Thống Nhất, TP.HCM. Ông Lê Văn Châu (56 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cho hay, ông bị COPD đã 6 năm nay. Gần đây, thời tiết nắng nóng cộng với khói bụi, xe cộ xả thải, ông luôn cảm thấy khó chịu, khó thở khi ra đường. Cũng giống như ông Châu, chị Lê Thị Thu Hương (45 tuổi, ngụ Q. Phú Nhuận) cho biết thường xuyên hắt xì, ngứa và nghẹt mũi, đi khám chị mới phát hiện bị viêm mũi dị ứng. Chủ động phòng khói bụi Theo BS Phạm Văn Hoàng - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, môi trường ô nhiễm với khói bụi gia tăng sẽ khiến sức đề kháng của trẻ em giảm, dễ bị thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn. Trẻ thường bị mắc các nhóm bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, mắc bệnh lý về tiêu hóa gia tăng như tiêu đàm máu, tiêu chảy cấp, viêm ruột… Trong thời điểm nắng nóng, ô nhiễm khói bụi ở mức cảnh báo, người dân cần chủ động phòng tránh bệnh hô hấp Bên cạnh đó các bệnh lý về da như nhiễm trùng da, viêm da, rôm sảy cũng tăng nhẹ. Đặc biệt đối với những bệnh lý về đường hô hấp, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh trở nặng và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ về lâu về dài. Không chỉ đối với trẻ nhỏ, theo BS Hoàng Mạnh – Phó Trưởng khoa Khám bệnh, BV Thống Nhất, trong thời tiết nắng nóng người già ít có cảm giác khát nên không nhớ bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể, bên cạnh đó việc lưu thông không chủ động bảo vệ sức khỏe dẫn đến dễ mắc hoặc tái phát các bệnh lý về hô hấp. Nhiều trường hợp đến BV khi bệnh tình đã ở giai đoạn nặng, khó khăn trong công tác điều trị. Với sự gia tăng lượt khám và điều trị do các bệnh hô hấp tại các BV trong thời gian gần đây, BS Quách Minh Phong - Phó khoa Nội tổng hợp, Trưởng đơn vị hô hấp BV Quận 2, cho hay, nắng nóng, tình trạng khói bụi ô nhiễm càng trầm trọng là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh lý hô hấp tăng. Cụ thể, tất cả loại xe cơ giới từ Ô tô đến xe gắn máy đều xả thải khói bụi, sinh ra những khí độc như oxit cacbon (1 trong những khí độc nhất), đặc biệt là khi người lưu thông di chuyển ngay phía sau những chiếc xe gắn máy hoặc ô tô đời cũ, lượng khí thải độc tố rất nhiều. Ngoài ra, trong môi trường sống có rất nhiều bụi mịn (bụi sắt, bụi silicat siêu nhỏ...) sinh ra từ công trình xây dựng, nhà máy sản xuất... BS khuyến cáo người dân khi ra đường cần mang khẩu trang có than hoạt tính để che chắn bụi. Nếu hít vào cơ thể trong thời gian dài, bụi sẽ tích tụ sâu tận tiểu phế quản theo thời gian, gây bệnh về hô hấp, tổn thương phổi, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh nền về hô hấp như hen suyễn khi hít vào có thể khiến cơn hen nặng hơn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nặng hơn. Để chủ động phòng các bệnh về đường hô hấp trong mùa nắng nóng, BS Phong khuyến cáo người dân khi ra đường cần mang khẩu trang có than hoạt tính để che chắn bụi. Hiện nay, người dân vẫn chủ yếu sử dụng những loại khẩu trang bình thường chỉ có tác dụng che nắng. Khi có những dấu hiệu như những cơn hắt xì, ngứa đường hô hấp, khó thở, mệt mỏi, ho, ho hạt đàm, đàm đổi màu… người bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp để được BS khám, tư vấn hướng điều trị. Theo Lam Ngọc/Khampha.vn - 11/6/2019 Link nguồn: http://khampha.vn/suc-khoe/tre-em-nguoi-gia-do-benh-vi-khoi-bui-o-do-thi-c11a721132.html Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|