top-banner-2

Thứ tư, 13/09/2017, 14:42 GMT+7

Hết cửa kinh doanh thịt bẩn

Viết bởi Nam Anh   
Thứ tư, 13/09/2017, 14:42 GMT+7

Bơm nước, tiêm thuốc vào động vật trước khi giết mổ, ngâm tẩm thịt bằng hóa chất sẽ bị phạt rất nặng, có thể dẫn tới phá sản.

Từ ngày 15-9, Nghị định số 90/2017/ND-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực, hầu hết các hành vi vi phạm đều bị tăng mức phạt, nhất là các lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm so với quy định hiện hành tại Nghị định số 119/2013/NĐ-CP.

Bơm nước vào heo, bò trước khi giết mổ là một chiêu gian lận phổ biến của thương lái, nhằm tăng trọng lượng thịt, nhất là ở các giai đoạn thịt giá cao. Hành vi này khiến cho thịt dễ bị nhiễm khuẩn, mau hư, móc túi người tiêu dùng cả chất lượng lẫn khối lượng. Đáng nói là để tránh bị phát hiện, chủ hàng thường tiêm thuốc an thần cho heo, bò để miếng thịt dẻo, hồng hào, không nhợt nhạt do bơm nước và động vật ngủ li bì, tiện cho vận chuyển, lưu giữ nhưng gây hại cho người ăn phải.

kiem-soat-thuc-pham-ban-vanhoadoanhnhan

Hành vi ngâm tẩm sản phẩm động vật bằng hóa chất sẽ bị phạt từ 20-25 triệu đồng Ảnh: AN NA

Trước đây, hành vi này chỉ bị phạt 5,5 triệu đồng (các mức phạt trong bài viết là mức bình quân - PV), lô hàng sẽ được lưu giữ, đến khi xét nghiệm âm tính sẽ được cho giết mổ tiêu thụ. Còn nay, chủ hàng sẽ bị phạt 17,5 triệu đồng đối với hành vi đưa nước vào động vật và phạt 32,5 triệu đồng nếu sử dụng thuốc an thần, tổng cộng 50 triệu đồng, gấp gần 10 lần trước đây. Về tang vật, lô hàng bị buộc xử lý nhiệt, chuyển mục đích sử dụng, không được dùng làm thực phẩm cho người.

Đối với hành vi sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật có chứa chất cấm (như cho vàng ô để tạo màu vàng cho gà, chất tạo nạc cho heo,...) trước đây bị phạt 12,5 triệu đồng nay tăng lên 40-50 triệu đồng. Trước đây, chỉ một số trường hợp hàng hóa bị tịch thu, tiêu hủy còn lại cho lưu giữ chờ xét nghiệm âm tính được giết mổ thì nay toàn bộ đều phải tịch thu tiêu hủy. Tương tự, hành vi ngâm, tẩm hóa chất vào sản phẩm động vật (các đối tượng thường sử dụng để làm giả thịt trâu, heo nái thành thịt bò, thịt heo thành thịt nai, đà điểu,...) trước đây chưa có quy định, nay mức phạt đưa ra là 22,5 triệu đồng.

Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng Phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP HCM, với sự vào cuộc quyết liệt của ban ngành chức năng, việc thực thi những điểm mới của nghị định hoàn toàn khả thi. Việc tăng mức phạt và các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả sẽ hạn chế việc phát sinh vi phạm. Điển hình là sau khi các ban ngành quyết liệt tiêu hủy lô 80 con heo có chất tạo nạc bị cấm vào tháng 4-2016 tại TP HCM, đến nay, qua kiểm tra không còn phát hiện hành vi vi phạm này.

Ông Nguyên lưu ý các hộ kinh doanh sản phẩm động vật cần thực hiện lập sổ sách, ghi chép, lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật (trước giờ chủ yếu các cơ sở, doanh nghiệp lớn mới thực hiện - PV). Đây là điểm mới của nghị định, mức phạt cho hành vi này là 2,5 triệu đồng.

Thiếu chế tài với truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ

Thời gian qua, TP HCM thực hiện đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gà, trứng gà và dự kiến mở rộng ra một số loại thực phẩm khác nhưng việc triển khai còn chậm do chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của chủ hàng, thiếu chế tài xử lý. Theo quy định tại Nghị định số 90/2017/ND-CP, khi vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ ra khỏi địa bàn cấp tỉnh sẽ bị phạt 5,5 triệu đồng. Trước giờ chủ hàng chứng minh nguồn gốc xuất xứ lô hàng bằng giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc hóa đơn chứng từ. Từ khi triển khai đề án "đeo vòng cho heo", nếu heo có đeo vòng có truy xuất mà không có 2 loại giấy tờ trên vẫn không bị phạt về nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, nghị định mới vẫn chưa có chế tài đối với hành vi sản phẩm động vật không truy xuất được nguồn gốc bằng công nghệ thông tin. "Thời gian trôi qua, công nghệ thay đổi, khái niệm về nguồn gốc cũng cần được chi tiết, cụ thể hơn so tờ hóa đơn, là giấy tờ chứng minh nguồn gốc lô hàng. Trước đây, nếu nói chữ ký số mọi người sẽ không nghĩ có ngày nó sẽ được công nhận như chữ ký "sống" hiện nay. Do đó, về lâu dài, nhà nước sẽ có những quy định chi tiết, cụ thể hóa yêu cầu truy xuất nguồn gốc tương tự như đề án đang thực hiện, để quản lý thực phẩm tốt hơn" - ông Hòa nói.

 Theo Ngọc Ánh - nld.com.vn - 13/09/2017


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hết cửa kinh doanh thịt bẩn

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc