top-banner-2

Thứ năm, 20/02/2014, 07:25 GMT+7

Một bộ máy "ngốn" 77 sân vận động Mỹ Đình?

Thứ năm, 20/02/2014, 07:25 GMT+7

Theo số liệu của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cung cấp cho báo chí, Quỹ xóa đói giảm nghèo của VN trong giai đoạn 2011-2013 đạt mức 120 nghìn tỉ đồng/năm (khoảng 5,5 tỉ USD).

Làm phép tính sẽ thấy, một năm ta chi vào bộ máy xóa đói giảm nghèo 3,5 tỉ USD, tương đương giá trị... 77 sân vận động Mỹ Đình.

Con số giật mình

Việt Nam hiện nay có từ khoảng 500 nghìn đến 3 triệu hộ nghèo theo nhiều nguồn khác nhau. Đa số các hộ nghèo tập trung ở khu vực nông thôn, nơi thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 4,2 triệu đồng/người/năm.

Thử làm một phép tính nhỏ, nếu lấy 120 nghìn tỉ đồng/năm chia cho tổng số 500 nghìn hộ nghèo ở Việt Nam, sẽ ra kinh phí hàng năm để giúp một hộ thoát nghèo là 240 triệu đồng, tức 20 triệu đồng/hộ/tháng.

Nếu chia bình quân cho một hộ cơ bản bốn thành viên, thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo nhận hỗ trợ sẽ là 5 triệu đồng/người/tháng. Tức là gấp 10 lần chuẩn nghèo ở thành thị (500 nghìn đồng/người/tháng) và lớn hơn của thu nhập bình quân đầu người của nông dân.

Kết quả sẽ thay đổi nếu chúng ta chia cho 3 triệu hộ nghèo theo thông tin từ một nguồn khác. Nhưng con số 240 triệu đồng như trên có vẻ phù hợp với thông tin do Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng cung cấp cho báo Đại đoàn kết ngày 29.9.2013 là 180 triệu đồng/hộ/năm, chia từ nguồn quỹ 90 nghìn tỉ đồng/năm trước 2011.

Tiền thực sự đã đi đâu?

Nếu thực sự hàng tháng, các hộ nghèo nhận được 20 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Quỹ xóa đói giảm nghèo, thì chúng ta xem như đã cơ bản xóa nghèo vĩnh viễn cho toàn bộ các hộ ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, theo thừa nhận của thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, mỗi năm số tiền người nghèo tiếp cận được chỉ khoảng 10-15 triệu đồng/hộ, tức là bằng 4% - 6% tổng số tiền Quỹ trích ra để chăm lo cho mỗi hộ. Câu hỏi đặt ra là 94% nguồn tiền còn lại hàng năm của Quỹ được sử dụng cho mục đích gì?

"Bộ máy quản lý các chương trình, dự án giảm nghèo quá đồ sộ", Thứ trưởng Đặng Huy Đông tiếp tục thông tin. "Tỷ lệ chi cho hành chính, sự nghiệp chiếm hơn 63% tổng số tiền giảm nghèo huy động được. Còn mức chi cho đầu tư phát triển chỉ chiếm hơn 36%." (Báo Đại đoàn kết) Tức là chi phí để vận hành cả một bộ máy xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam hiện đang ở mức 75,6 nghìn tỉ đồng/năm, tương đương khoảng 3.5 tỉ USD.

alt

Như vậy, để mỗi hộ nghèo tiếp cận được 15 triệu đồng/năm, Quỹ phải chi cho bộ máy vận hành là 150 triệu đồng. Có nghĩa, cứ mỗi 1 đồng người nghèo được nhận thì 10 đồng được trả cho bộ máy này!

Nguyên tắc của xóa đói giảm nghèo là trao cho người nghèo cần câu chứ không phải cho họ con cá. Chính vì thế, việc duy trì một bộ máy hành chính để giúp người dân phát triển vốn làm ăn, tay nghề để tự bản thân họ thoát nghèo và chấm dứt việc hỗ trợ tài chính từ bên ngoài là rất cần thiết. Nhưng liệu tỷ lệ 1 trên 10 như hiện nay có thực sự là lý tưởng và hiệu quả?

Nên nhớ, 15 triệu đồng/năm chỉ là số tiền người nghèo tiếp cận được, chứ không phải là số tiền thực tế được chi trực tiếp đến người nghèo. Nói như vậy nghĩa là số tiền trên bao gồm cả những chi phí cho việc đào tạo, cấp vốn, hỗ trợ việc làm, giáo dục, đời sống... cho người nghèo.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc người nghèo tiếp cận nguồn vốn quá thấp như hiện nay là do các địa phương cũng sử dụng nguồn tiền xóa đói giảm nghèo để đầu tư cho những dự án phát triển vùng, dự án nông nghiệp, dự án cơ sở hạ tầng. Điều này thoạt nghe có vẻ hợp lý, vì sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu người nghèo bắt đầu làm ăn ở những vùng mà điện, nước, trường học, bệnh viện đều thiếu hụt.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, số tiền dành cho xây dựng, phát triển nông thôn, nông nghiệp là một mục rất quan trọng được Quốc hội thông qua hàng năm khi phê duyệt ngân sách quốc gia. Câu hỏi đặt ra là, nếu như các địa phương sử dụng nguồn tiền xóa đói giảm nghèo để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dự án nông nghiệp tại địa phương thì nguồn ngân sách hàng năm cho việc này được dùng vào việc gì?

Vấn đề này được chính các Đại biểu Quốc hội đại diện cho những tỉnh nghèo nêu ra. Chẳng hạn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành thuộc đoàn Lạng Sơn, từng ví von việc nhiều địa phương đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhưng đều tính vào đầu tư xóa đói giảm nghèo là hình thức "4-5 người ăn một con gà, nên chỉ có một con gà nhưng được tính thành 4-5 con gà."(Báo Đầu tư)

Nói dễ hiểu hơn, 4-5 hóa đơn đã được đưa ra để thu lại từ ngân sách nhà nước cho cùng một bữa ăn. Đáng tiếc rằng câu hỏi trên đã không được giải trình thỏa đáng, hoặc nếu có thì đã không được thông tin đến các cử tri.

Không thể phủ nhận những thành tựu mà chương trình xóa đói giảm nghèo đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu không có một quan điểm kinh tế nào có thể giải thích cho hiện tượng đã nêu và những con số kể trên là thật, thì có thể khẳng định Việt Nam đang chứng kiến một sự lãng phí hàng năm lên đến con số hàng trăm nghìn tỷ đồng.

77 sân vận động Mỹ Đình

Có lẽ đã đến lúc Quốc hội cần mở một cuộc điều tra cụ thể và toàn diện về hiệu quả và tính hợp lý của chương trình xóa đói giảm nghèo của Việt Nam hiện nay. Ngay cả việc Việt Nam được Liên hiệp quốc đánh giá là một trong những quốc gia có tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện mục tiêu thiên nhiên kỷ thì cũng không thể biện minh cho sự lãng phí và thiếu hiệu quả quá lớn nguồn vốn như hiện nay. Bởi vì để đạt được thành tựu đó, có vẻ như Việt Nam đang đánh đổi cả sự phát triển về kinh tế lẫn ổn định chính trị, khi chỉ số nợ công của Việt Nam theo nhiều dự báo đã lên đến 95% GDP.

Để kết thúc bài viết, tác giả muốn đưa ra một vài con số để tham khảo. Tổng chi phí xây dựng SVĐQG Mỹ Đình vào thời điểm 2003 là 52 triệu USD, tức khoảng 65 triệu USD vào năm 2013. Tổng chi phí dự kiến để xây dựng hệ thống đường sắt metro ở TPHCM là khoảng 5 tỉ USD.

Làm phép tính, ta sẽ thấy một năm chúng ta đã chi vào bộ máy xóa đói giảm nghèo (3,5 tỉ USD) tương đương giá trị 77 sân vận động Mỹ Đình và gần 75% hệ thống đường metro ở TPHCM. Có lẽ chỉ có những nhà kinh tế học mới có thể biện minh thỏa đáng cho hiện tượng này, vì đối với những người dân, không một suy nghĩ thông thường nào có thể giải thích được cho sự lãng phí khủng khiếp kể trên.

Theo Tuần Việt Nam


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Một bộ máy "ngốn" 77 sân vận động Mỹ Đình?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc