Cây gối hạc, vị thuốc nam quý chữa nhiều bệnh |
Viết bởi ducanh |
Thứ ba, 24/12/2024, 09:36 GMT+7 |
Cây gối hạc là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền và dân gian Việt Nam, được sử dụng rộng rãi nhờ vào đặc tính dược lý đa dạng để chữa đau nhức xương khớp, suy thận, bảo vệ gan, hỗ trợ tiểu đường... Cây gối hạc có nhiều hoạt chất quý để chữa bệnh - Ảnh: BSCC Nhiều hoạt chất quý có tác dụng chữa bệnh Bác sĩ Quách Tuấn Vinh - ủy viên ban chấp hành Hội Đông y Hà Nội - cho biết gối hạc hay còn được gọi là dây gối hạc, dây gối, dây thầu dầu núi, xương khỉ, cây máu khỉ, tên khoa học: Leea rubra hoặc Leea indica, thuộc họ Leeaceae, là cây thuốc nam quý mọc hoang ở vùng núi. Lá kép lông chim, màu xanh bóng, mép lá hơi răng cưa, hoa nhỏ, mọc thành chùm, có màu đỏ hoặc tím, quả hình cầu nhỏ, khi chín có màu đen. Phần rễ của cây có dạng chủ yếu là củ với màu trắng, vàng hoặc hồng, thường được thu hoạch vào các tháng mùa đông hằng năm. Người ta sẽ đào phần rễ này đem về rửa sạch, thái thành lát mỏng, rồi phơi hoặc sấy khô và dùng làm dược liệu. Để phần dược liệu này được đảm bảo chất lượng, cần bảo quản nó ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc. Theo y học hiện đại, cây gối hạc giúp ngăn ngừa, điều trị đau nhức xương khớp, rong kinh, đau bụng, tê thấp, thấp khớp cấp tính, thấp khớp mạn tính. Nhiều nghiên cứu đã xác định thành phần hóa học cây gối hạc chứa các hoạt chất quý: Flavonoid: Chống oxy hóa, hỗ trợ bảo vệ mạch máu. Tannin: Có khả năng cầm máu, kháng khuẩn. Saponin: Tăng cường miễn dịch, kháng viêm. Alkaloid: Giảm đau, hỗ trợ thần kinh. Ngoài ra còn có các chất vi lượng như: sắt, canxi, magiê... giúp bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Gối hạc có tác dụng dược lý gồm: - Giải độc: Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, đặc biệt hiệu quả trong điều trị mụn nhọt, viêm loét da. - Hoạt huyết, giảm đau: Dùng chữa đau nhức xương khớp, viêm khớp, thấp khớp. - Cầm máu: Điều trị chảy máu cam, rong kinh, xuất huyết tiêu hóa. - Bổ thận: Hỗ trợ cải thiện chức năng thận, điều trị suy thận, đau lưng mỏi gối. - Kháng viêm: Dùng ngoài da để trị sưng tấy, chấn thương. Có một số nghiên cứu khoa học chứng minh tác dụng chữa bệnh của gối hạc: Kháng viêm: Nghiên cứu từ Journal of Ethnopharmacology (2019) chỉ ra chiết xuất từ lá gối hạc có tác dụng giảm viêm tương tự các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs). Chống oxy hóa: Nghiên cứu từ Đại học Dược Hà Nội (2022) chứng minh khả năng chống oxy hóa mạnh của flavonoid trong cây, đặc biệt trong việc bảo vệ gan. Hỗ trợ điều trị tiểu đường: Một nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất từ gối hạc làm giảm đáng kể đường huyết sau 4 tuần. Tăng cường miễn dịch: Các saponin trong cây giúp kích thích hệ miễn dịch, phù hợp với người suy nhược cơ thể. Một số bài thuốc ứng dụng gối hạc chữa bệnh Bác sĩ Quách Tuấn Vinh cho biết theo Đông y, gối hạc có tính mát, vị hơi đắng, chát, quy vào kinh can, thận và đại trường. Loại dược liệu này được dùng với mục đích kháng viêm, sát khuẩn, lưu thông khí huyết, giúp tiêu trừ sưng tấy. Trong Đông y, gối hạc được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh: Chữa đau nhức xương khớp, giảm đau hỗ trợ khớp linh hoạt: Rễ gối hạc khô 20g, cỏ xước 15g, dây đau xương 10g, cam thảo nam 4g. Sắc với 1 lít nước, uống 2 lần/ngày. Bài thuốc có tác dụng: Giảm đau, hoạt huyết, hỗ trợ khớp linh hoạt. Phục hồi chức năng thần kinh: Rễ gối hạc khô 15-20g, ngưu tất 12g, cỏ xước: 12g, thổ phục linh: 10g, cam thảo 5g. Đem các nguyên liệu rửa sạch, sắc với 1 lít nước. Đun nhỏ lửa đến khi còn khoảng 300ml nước. Uống 2 lần/ngày sau bữa ăn. Bài thuốc có tác dụng: Hỗ trợ giảm đau, làm dịu các triệu chứng viêm và phục hồi chức năng thần kinh. Chống co cứng cơ: Rễ gối hạc tươi 100g, rượu trắng: 200ml. Giã nhuyễn rễ gối hạc tươi, sau đó trộn với rượu trắng. Hơ nóng hỗn hợp và đắp trực tiếp lên vùng cột sống hoặc các khớp bị đau. Dùng vải sạch cố định, để khoảng 1-2 giờ. Hoặc rễ gối hạc khô, đun nước ngâm vùng sưng 15 phút, ngày 1-2 lần. Bài thuốc có tác dụng: Giảm đau tại chỗ, hỗ trợ giảm viêm và co cứng cơ. Bài thuốc có tác dụng: Giảm đau tại chỗ, hỗ trợ giảm viêm và co cứng cơ. Tăng cường sức khỏe cột sống: Rễ gối hạc khô: 1kg, rượu trắng: 5 lít (rượu nếp từ 40-50 độ). Cách thực hiện: Rửa sạch rễ gối hạc, thái lát hoặc để nguyên. Ngâm rễ trong rượu trắng, để nơi thoáng mát, ngâm trong 30-40 ngày. Mỗi lần uống 20ml, ngày 1-2 lần, không uống quá 50ml/ngày. Bài thuốc có tác dụng: Tăng cường sức khỏe cột sống, giảm đau nhức xương khớp và hỗ trợ lưu thông máu. Hỗ trợ điều trị suy thận: Rễ gối hạc 15g, cẩu tích 10g, tang ký sinh 10g, cam thảo 5g. Sắc uống 1 lần/ngày. Hoặc rễ gối hạc khô 15g, đỗ trọng 10g, tang ký sinh 12g, ý dĩ 10g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 lần. Bài thuốc có tác dụng: Tăng cường chức năng thận, giảm đau do thoát vị đĩa đệm. Hỗ trợ điều trị huyết áp + tiểu đường: Rễ gối hạc 15g, dây thìa canh 15g, củ tóc tiên 10g, thạch hộc 12g, giảo cổ lam 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Có tác dụng hạ đường huyết, hạ huyết áp. Chữa mụn nhọt, viêm loét: Lá gối hạc tươi 15g, lá trầu không 10g. Cách dùng: Giã nhuyễn, đắp lên vùng tổn thương, 2 lần/ngày. Một số bài thuốc dân gian có sử dụng loại cây này như cầm máu: Dùng lá gối hạc tươi giã nhuyễn, đắp trực tiếp lên vết thương chảy máu; Chữa tiêu chảy: Lá gối hạc tươi 10g, sắc với 300ml nước, uống chia 2 lần/ngày. Lưu ý khi sử dụng Liều dùng và cách sử dụng: Dạng sắc uống: 12-20g khô hoặc 30-50g tươi/ngày. Dạng đắp ngoài: Lượng tùy chỉnh, thường là 20-30g tươi giã nhuyễn. Chống chỉ định: Không dùng cho phụ nữ mang thai. Người có cơ địa dị ứng với rễ gối hạc. Tác dụng phụ: Nếu dùng quá liều, có thể gây tiêu chảy hoặc khó chịu đường tiêu hóa. Tương tác thuốc: Không dùng cùng lúc với các thuốc chống đông máu do có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. (nguồn: tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|