Những nhà lãnh đạo chỉ mê đồng hồ… nhựa |
Viết bởi Văn Tuyết |
Thứ bảy, 13/09/2014, 12:21 GMT+7 |
Chiếc đồng hồ nhựa cho thấy người đeo coi trọng tính năng và xem thường hình thức. Một trong những cụm từ được gõ trên Google nhiều nhất liên quan đến vị Tổng Giám đốc Lloyd Blankfein của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs là “Lloyd Blankfein đeo loại đồng hồ gì?”. Kết quả tìm kiếm có được đó là một chiếc đồng hồ bằng nhựa hiệu Swatch, có giá bán lẻ chỉ khoảng 100 USD. Và điều đáng nói là Blankfein có nhiều chiếc đồng hồ kiểu như thế. Lloyd Blankfein, Tổng Giám đốc ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, cũng đeo một chiếc đồng hồ bằng nhựa hiệu Swatch. Không chỉ Blankfein, Steve Schwarzman, Tổng Giám đốc Blackstone, một trong những tập đoàn đầu tư vốn cổ phần tư nhân lớn nhất thế giới cũng sở hữu nhiều chiếc Swatch. Đối với những nhân vật hay xuất hiện trước công chúng như Schwarzman và Blankfein, không nhất thiết phải ăn mặc một cách cầu kỳ, hay bắt buộc trang phục phải do các nhà thiết kế nổi tiếng thiết kế. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không khỏi lấy làm lạ khi thấy một chiếc đồng hồ bằng nhựa trên cổ tay của họ. Danh sách những nhân vật nổi tiếng đeo đồng hồ Swatch nhựa rất dài, từ cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho đến Tổng thống Pháp đương nhiệm Francois Hollande. Nhà quản lý quỹ đầu cơ Anh Chris Hohn nhiều năm vẫn trung thành với chiếc đồng hồ Swatch nhựa màu đen. Peter Kraus, Tổng Giám đốc tập đoàn quản lý tài sản Mỹ AllianceBernstein, cũng là fan hâm mộ đồng hồ này. Thậm chí ông chủ của nhà sản xuất đồng hồ đắt tiền Patek Phillipe cũng có thấy đeo một chiếc Swatch bằng nhựa khi chơi trượt tuyết. Khi đồng hồ Swatch được tung ra nhằm đối phó với làn sóng đồng hồ được sản xuất hàng loạt đến từ châu Á vào thập niên 1980, chiếc đồng hồ này được cho là đã cứu ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ khỏi nguy cơ đổ vỡ. Tuy nhiên, việc đồng hồ giá rẻ Swatch được những nhân vật quyền lực trong giới chính trị và doanh nhân ưa chuộng lại có phần khó lý giải. Chiếc đồng hồ nhựa cho thấy người đeo coi trọng tính năng và xem thường hình thức. Khi Tạp chí Fortune đặt câu hỏi vì sao các chính trị gia, các doanh nhân lại chuộng loại đồng hồ “giá rẻ” này, tập đoàn Thụy sĩ Swatch Group cũng tỏ ra lấy làm khó hiểu. “Chúng tôi nghĩ việc họ mang đồng hồ của chúng tôi là có lý do riêng nhưng thực sự, chúng tôi không rõ những lý do ấy là gì”, một nữ phát ngôn viên của Swatch Group nói. Theo vị phát ngôn viên này, cái gốc xuất xứ Thụy Sĩ cùng với kiểu dáng thiết kế mang tính thẩm mỹ của Swatch có thể là một trong số những lý do. Thực ra, việc đeo đồng hồ nhựa không phải là mới mẻ gì trong giới chính trị và doanh nhân. Khi cuộc Đại suy thoái (1929-1933) diễn ra, nhiều nhân vật quyền lực phải tỏ ra khiêm tốn, thì những chiếc đồng hồ Timex Ironman đã trở thành một xu hướng thịnh hành. Bill Clinton, chẳng hạn, có mang một chiếc Ironman. Ba vị tổng giám đốc trước đó của Goldman Sachs cũng có mang nó. Theo tiết lộ của William Cohan, người chép biên niên sử của Goldman, chiếc Ironman của Hank Paulson (từng là Bộ Trưởng Bộ Tài chính Mỹ) là một món quà tặng từ Stephen Friedman, cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn tình báo nước ngoài của Tổng thống Mỹ (PFIAB). Nhưng tại sao lại là đồng hồ nhựa? Nếu muốn nổi trội giữa một rừng người mang đôi giày đen cũng không dễ. Thế nhưng, có một vị trí trên thân thể có thể giúp một ông chủ doanh nghiệp thu hút sự chú ý của người đối diện, đó là cổ tay. Đây có lẽ là vị trí trên thân thể mà xã hội cho phép một người đàn ông được phép “quá đà” một tí (ngoài cà vạt). Vì thế, người đeo có xu hướng thể hiện mình dựa trên món đồ được đặt ở vị trí dễ thấy này. Để thể hiện mình, không ít người chọn đeo những chiếc đồng hồ mắc tiền của thương hiệu Patek Phillipe có giá từ vài trăm ngàn cho tới cả triệu đô. Tại triển lãm đồng hồ và trang sức cao cấp lớn nhất thế giới Baselworld 2014, những chiếc đồng hồ được trưng bày tại đây không chỉ cho thấy chức năng đơn giản là hiển thị thời gian. Chúng là những tác phẩm nghệ thuật được chế tác tinh vi và phức tạp với nhiều chức năng. Có chiếc hiển thị được 24 múi giờ khác nhau như chiếc Escale Worldtime mới của Louis Vuittion. Có chiếc có thể theo dõi những ngày đặc biệt như ngày sinh nhật của người thân, bạn bè như chiếc Lang & Heyne Augustus I. Tuy nhiên, song song với tính phức tạp của nghệ thuật làm đồng hồ, phong cách nghệ thuật tối giản lại đang dần thịnh hành. Một xu hướng đáng chú ý là các nhà sưu tập đang trở nên ít quan tâm hơn đến tính phô trương của món đồ mà thay vào đó chú trọng nhiều hơn đến tính chân thực. Sự thoải mái cũng dần trở thành một ưu tiên của họ. Xu hướng hay thị hiếu thay đổi theo phong cách tối giản không hẳn là lý do khiến không ít nhà điều hành chuộng loại đồng hồ nhựa. Tại một ngân hàng lớn, một người đeo chiếc đồng hồ nhựa vẫn khiến cho người đối diện cảm thấy bị “khớp” như đeo chiếc đồng hồ đính kim cương hiệu Patek Phillipe. Chiếc đồng hồ nhựa cũng cho thấy người đeo coi trọng tính năng và xem thường tính hình thức. Goldman là một ví dụ. Nhà lãnh đạo của ngân hàng này từ lâu nổi tiếng với cách ăn mặc nhẹ nhàng, đơn giản. Một chiếc đồng hồ nhựa thể hiện sự trái ngược hoàn toàn với tính hào nhoáng và đặc biệt thể hiện cái mà ngành tài chính muốn khẳng định với khách hàng, nhà đầu tư về đạo đức nghề nghiệp của mình, đó là đức tính khiêm tốn và tính xác thực. Đó có lẽ là những lý do vì sao những chiếc đồng hồ nhựa Swatch hay Ironman vẫn có chỗ đứng trong giới doanh nhân hay giới chính trị. Theo Fortune/NCĐT Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|