top-banner-2

Thứ ba, 26/03/2024, 12:00 GMT+7

Cần đưa ẩm thực rừng ngập mặn Cần Giờ vào du lịch

Viết bởi ducanh   
Thứ ba, 26/03/2024, 12:00 GMT+7

Đây là trăn trở của chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long trong tọa đàm "Món ngon Cần Giờ" được tổ chức tại không gian Mặn Mòi (Tp.Thủ Đức, TP.HCM) cuối tuần vừa qua, với sự tham dự của những người yêu ẩm thực Sài Gòn.

can-dua-am-thuc-rung-ngap-man-can-gio-vao-du-lich

Tôn vinh ẩm thực rừng ngập mặn Cần Giờ

Tọa đàm nhằm tôn vinh nguồn nguyên liệu ẩm thực bản địa của rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu dự trữ sinh quyển Thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận, được mệnh danh là "lá phổi xanh" của TP.HCM.

Đồng thời giới thiệu đặc sản ẩm thực và mở ra cảm hứng khám phá câu chuyện văn hóa bản địa gắn với ý nghĩa sinh thái, lịch sử của một vùng đất độc đáo thuộc Sài Gòn, qua góc nhìn từ các nghệ nhân ẩm thực và người làm công tác du lịch tại Cần Giờ.

Cần đưa ẩm thực rừng ngập mặn Cần Giờ vào du lịch! - Ảnh 1.

Tọa đàm "Món Ngon Cần Giờ" với sự tham gia các chuyên gia ẩm thực.

Ngoài ra, người tham dự được khám phá các loại nguyên liệu thực vật đặc trưng từ rừng ngập mặn (lá kìm, lá buôi...) cho đến loài vịt nước mặn Vàm Sát, cá Lẹp Sơ Cần Giờ và thưởng thức những món ngon của người dân Rừng Sác như Gỏi Lá Kìm Khô Cá Lẹp Sơ, Vịt Nướng Cần Giờ, Lẩu Ba Khía Lá Buôi...

Tại Tọa đàm, các thực khách và người yêu ẩm thực có dịp khám phá câu chuyện văn hóa ít người biết về đặc sản ẩm thực của xứ rừng ngập mặn Cần Giờ cùng các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực.

Không phải ai cũng biết, sau chiến tranh, Cần Giờ bị tàn phá nghiêm trọng, để có Cần Giờ hôm nay, rừng ngập mặn Cần Giờ được trồng tái sinh bắt đầu từ 1978, sau khi được giao về cho TP.HCM từ Đồng Nai. Đến nay, vừa là rừng, vừa giáp biển, trung gian giữa hệ sinh thái thủy sinh với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và nước mặn, rừng ngập mặn Cần Giờ có ý nghĩa sinh thái quan trọng. Cánh rừng bạt ngàn của Cần giờ là lá chắn xanh bảo vệ bờ biển khỏi xói lở và phòng chống thiên tai, điều hòa thời tiết cho toàn thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Nơi đây cũng là không gian đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, chở che và mang lại sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương.

Rừng ngập mặn Cần Giờ hiện tại là một địa chỉ du lịch đầy tiềm năng để khám phá thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, tuy nhiên cũng đang đứng trước không ít thách thức về các vấn đề đe dọa sinh thái địa phương. Và những sự kiện như tọa đàm "Món ngon Cần Giờ" như một cách tôn vinh giá trị thiên nhiên và văn hóa bản địa, gợi thêm cảm hứng bảo tồn và khám phá các vùng đất địa phương giàu bản sắc.

Cần đưa ẩm thực rừng ngập mặn Cần Giờ vào du lịch! - Ảnh 2.

Chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long.

Cần đưa vào phục vụ du lịch

Chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long cho biết, rừng ngập mặn Cần Giờ sở hữu hệ sinh vật độc đáo, sinh trưởng tự nhiên, ít sự can thiệp của con người. Dòng chảy của mạng lưới sông rạch ở đây có tính chu kỳ và được xem là "nhịp đập" bơm mạch sống cho mảnh đất này. Đặc biệt, có những loại nguyên liệu còn thay đổi hương vị theo chu kỳ con nước, theo mùa hay thậm chí là theo khung giờ trong ngày. Bản sắc này được phản ánh trong cách sử dụng nguyên liệu và hương vị của nền ẩm thực Cần Giờ. Vì thế, Cần Giờ là vùng đất mà ẩm thực có những nét độc đáo, ngon và hấp dẫn khác với các nơi khác Nam bộ.

Chuyên gia Chiêm Thành Long dẫn chứng như món ăn gỏi làm với Lá Kìm, một đặc sản Cần Giờ, có kết cấu giòn, hơi mọng, mặn nhẹ, riêng vị chua và chát sẽ thay đổi theo mùa, thời điểm hái trong ngày. Con cá Lẹp Sơ được làm sạch, phơi khô rồi chiên giòn, đem trộn với lá kìm, nước mắm chua ngọt. Món ăn được chế biến đơn giản này thể hiện đậm nét phong vị dân dã của bữa ăn người dân Rừng Sác.

Cần đưa ẩm thực rừng ngập mặn Cần Giờ vào du lịch! - Ảnh 1.

Gỏi cá Lẹp Sơ với Là Kìm

Hay như lẩu ba khía lá buôi. Ba khía là sản vật đặc trưng của vùng rừng ngập mặn. Ngoài làm mắm, thịt ba khía còn được làm món lẩu với riêu ba khía béo thơm và ngọt thanh. Đặc biệt, ở Cần Giờ, món lẩu ba khía được phục vụ kèm với lá buôi có vị bùi, giàu dược tính, nhúng càng chín kỹ ăn càng ngon. Lá buôi còn được gọi vui là "rau bộ đội" bởi trong chiến tranh, lá buôi gắn với bữa ăn của lực lượng bộ đội đặc công Rừng Sác, sau được người dân địa phương chế biến thành đa dạng các món ăn ngon khác nhau trong bữa cơm hàng ngày... Món Lẩu Ba Khía lá Buôi ngon miệng đậm vị là đặc sản của người dân Cần Giờ sau ngày dài chèo lội trên sông rạch.

Cần đưa ẩm thực rừng ngập mặn Cần Giờ vào du lịch! - Ảnh 2.

Món lẩu ba khía lá buôi

Thêm nữa là món vịt nướng Cần Giờ được chế biến từ giống vịt biển lông đen nổi tiếng của riêng Cần Giờ, còn gọi là vịt nước mặn Vàm Sát. Vịt biển Cần Giờ được nuôi thả tự nhiên dọc bãi biển, kiếm ăn theo con nước và chỉ ăn hải sản nên có chất thịt chắc ngọt, ít mỡ. Khi nướng lên, lớp da chuyển sang màu nâu bánh mật, giòn rụm dùng kèm với sốt chấm riêng của nhà Mặn Mòi dậy mùi tiêu sả.

Cần đưa ẩm thực rừng ngập mặn Cần Giờ vào du lịch! - Ảnh 3.

Vịt nướng Cần Giờ

"Văn hóa ẩm thực Cần Giờ hấp dẫn, ngon, độc đáo là vậy mà ít được biết đến. Vì thế, để món ngon Cần Giờ đến gần hơn với thực khách thì cần đưa ẩm thực rừng ngập mặn Cần Giờ vào du lịch. Vì chỉ như thế món ngon Cần Giờ mới được biết đến, người dân mới có nguồn thu nhập và thực khách được thưởng thức món ăn ngon...", chuyên gia Chiêm Thành Long chia sẻ.

(nguồn: toquoc.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cần đưa ẩm thực rừng ngập mặn Cần Giờ vào du lịch

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc