top-banner-2

Thứ hai, 24/06/2024, 10:49 GMT+7

Cuộc thi Tái tạo xanh: Hợp tác xã biến rác thành sản phẩm du lịch

Viết bởi ducanh   
Thứ hai, 24/06/2024, 10:49 GMT+7

Ra đời với mong muốn tái chế rác thải thành sản phẩm hữu ích, cải thiện môi trường sống, Hợp tác xã Green Life còn làm được nhiều điều hơn thế khi gây dựng được mô hình du lịch trải nghiệm không gian tái chế ở Hạ Long.

cuoc-thi-tai-tao-xanh-hop-tac-xa-bien-rac-thanh-san-pham-du-lich

Khu nghỉ chân của du khách đến tham quan hợp tác xã (chị Hương áo đỏ) cũng được làm từ các đồ tái chế

Khu nghỉ chân của du khách đến tham quan hợp tác xã (chị Hương áo đỏ) cũng được làm từ các đồ tái chế

Những chị em phụ nữ không ngại khó, ngại khổ

Ở thành phố du lịch Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung có rất nhiều chị em phụ nữ đã không còn lạ lẫm với chiếc túi xách đi chợ được làm bằng tấm banner tái chế hay những bộ bàn ghế uống ước được làm bằng lốp xe, xung quanh được trang trí chai lọ đã qua sử dụng. Đó là kết quả khó tin mà Hợp tác xã Green Life đã làm được trong 5 năm qua cho dù chỉ có 9 chị em phụ nữ xã viên.

Chị Trần Thị Thu Hương cho biết hợp tác xã thành lập vào tháng 12-2019 ở phường Hà Khẩu với số vốn ban đầu là 500 triệu đồng do chị làm giám đốc, khi đó chị đã 46 tuổi. 

"Tôi vốn là một thợ may nhưng nhờ tham gia công tác phụ nữ tại địa phương nên tôi được tiếp cận nhiều mô hình tái chế rác thải độc đáo giúp hạn chế lượng rác xả ra môi trường. Ở Hạ Long, thành phố du lịch nên nhu cầu sử dụng các tấm banner rất cao, sau sự kiện chúng thường bị vứt bỏ tạo ra một lượng rác khổng lồ. 

Chúng tôi nhận thấy nếu có thể tái chế banner thì rất tốt, đồng thời tạo thêm sinh kế cho chị em, đó là lý do để hợp tác xã ra đời với sự giúp đỡ của Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh Green Hub", chị Hương cho biết.

Ngoài những kỹ năng về may vá sẵn có và kiến thức được tích lũy trong quá trình tham gia công tác hội phụ nữ, chị Hương cũng phải lên mạng để học hỏi thêm và sáng tạo ra những đồ tái chế có một không hai. 

Từ đó chị cùng chị em chỉ bảo cho nhau để những mẫu túi xách đi chợ, túi đi học cho học sinh, túi mang cơm trưa, ví đựng tiền, thảm... ra đời. Ngay cả đến tường bao của khu sản xuất và khu trưng bày của hợp tác xã cũng được tái chế từ những viên gạch vỡ, kính cửa sổ được tận dụng từ kính của các tàu du lịch bỏ đi.

Những sản phẩm làm ra không chỉ được trang trí, bày bán ngay tại công xưởng của hợp tác xã mà còn được đưa vào chuỗi hàng hóa tuần hoàn. Theo đó, hợp tác xã sẽ phát cho các chị em phụ nữ và đổi lại lấy rác có thể tái chế. Những chiếc túi xách đi chợ đủ sắc màu, bền chắc của chị em nội trợ đã thay thế hàng chục chiếc túi ni lông, hộp nhựa mỗi ngày, giúp cho TP Hạ Long giảm tải được đáng kể áp lực rác thải sinh hoạt.

Chị Hương cho biết Hợp tác xã Green Life tính đến nay đã sản xuất ra khoảng 100.000 sản phẩm tái chế từ rác, khối lượng khoảng 30 tấn banner, 10 tấn vải thừa, hàng nghìn chiếc chai lọ và hàng trăm lốp xe các loại. Hợp tác xã cũng đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 9 chị em và hàng chục chị em làm việc gián tiếp với mức thu nhập từ 4-6,5 triệu đồng/tháng, doanh thu ước chừng 1,5 tỉ đồng/năm.

"Việc vận chuyển và rửa nguyên liệu khá vất vả với chị em phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng chúng tôi quyết tâm làm bằng hết sức mình. Chúng tôi cũng đã liên kết với một số công ty quảng cáo để có nguồn nguyên liệu sản xuất ổn định", chị Hương cho biết.

Những người thợ may yêu thích sáng tạo và bảo vệ môi trường

Những người thợ may yêu thích sáng tạo và bảo vệ môi trường

Mô hình du lịch trải nghiệm "rác"

Tuy gọi là công xưởng nhưng hợp tác xã rất ngăn nắp gọn gàng. Chị Hương chia ra làm 3 khu gồm khu sản xuất, khu trưng bày sản phẩm và khu nghỉ chân cho khách du lịch đến tham quan. Ngay tại khu nghỉ chân uống nước, bàn ghế đều được làm từ lốp xe tái chế khiến khách du lịch cảm thấy rất thích thú khám phá.

Từ tháng 5-2022 hợp tác xã bắt đầu đón khách du lịch cũng như đón các đoàn học sinh trên địa bàn tỉnh đến tham quan trải nghiệm, lan tỏa lối sống xanh. 

Chị Hương cho biết: "Ban đầu chúng tôi cũng không nghĩ đến việc khách du lịch lại thích thú đến xem đến thế, đặc biệt là các đoàn du lịch nước ngoài. Mỗi khách du lịch mua vé vào tham quan 10.000 đồng, đây cũng là nguồn thu để chi trả lương cho chị em phụ nữ. Tính đến nay, hợp tác xã đã đón khoảng 15.000 lượt khách tham quan".

Balo tái chế cho các em học sinh

Balo tái chế cho các em học sinh

Chị Susan, du khách Thụy Sĩ, chia sẻ: "Tôi rất bất ngờ khi ghé thăm hợp tác xã, các món đồ rất bắt mắt, dễ sử dụng và đặc biệt được tái chế từ rác thải. Tôi sẽ mua một vài thứ về làm quà, đây sẽ là một ấn tượng khó phai đối với tôi khi ghé thăm đất nước Việt Nam xinh đẹp".

Một đối tượng khác mà hợp tác xã hướng đến chính là các em học sinh tiểu học. Hợp tác xã thường xuyên đón và tổ chức các hội thảo, tọa đàm, trò chuyện với học sinh để chia sẻ và hướng dẫn tái chế rác, trồng cây xanh hoặc các hoạt động vẽ tranh. Phần quà tặng các em nhỏ chính là những chiếc cặp xách xinh xắn, vừa vặn được tái chế để các em đến trường.

"Chúng tôi chủ động liên kết với các công ty du lịch và các nhà trường để đón khách du lịch và học sinh nên gần như kín lịch trong tháng. Ước tính mỗi tháng hợp tác xã đón khoảng trên 1.000 lượt khách tham quan. Đồng thời, hợp tác xã phối hợp với các trường học, tổ dân phố trên địa bàn thực hiện chương trình đổi rác tái chế lấy quà tặng...", chị Hương chia sẻ.

Một sản phẩm chậu cây được làm từ rác thải nhựa

Một sản phẩm chậu cây được làm từ rác thải nhựa

Đặc biệt khu sân vườn được trang trí đầy màu sắc cùng rất nhiều cây xanh để phục vụ hoạt động trải nghiệm của học sinh. Chị Hương cũng thường xuyên phối hợp với các cấp hội phụ nữ tham gia phân loại rác từ đầu nguồn, tổ chức các sự kiện đổi rác lấy quà, trồng cây xanh trên địa bàn.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hà Khẩu Lương Thị Minh Thương cho biết: "Với phương châm "Đồ cũ không dùng - Mình cùng tái chế" và "Rác không phân loại chỉ là rác, rác đã phân loại là tài nguyên" trong những năm qua hợp tác xã đã giúp hạn chế được lượng rác thải thải ra môi trường, góp phần lan tỏa lối sống xanh ở TP Hạ Long. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện và nỗ lực nhân rộng mô hình này ở các chi hội phụ nữ, tổ dân cư trong thời gian tới".

Cuộc thi Tái tạo xanh: Hợp tác xã biến rác thành sản phẩm du lịch- Ảnh 5.

(nguồn: tuoitre.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cuộc thi Tái tạo xanh: Hợp tác xã biến rác thành sản phẩm du lịch

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc