Không riêng Trung Nguyên, cà phê hoà tan Vinacafe cũng đang sống rất chật vật |
Viết bởi An An |
Thứ sáu, 05/08/2016, 09:50 GMT+7 |
Sau khi báo lỗ quý 1, Vinacafe đã có lãi trở lại trong quý 2 nhưng lợi nhuận 6 tháng mới chỉ đạt gần 20% kế hoạch cả năm và hiện thua xa các năm trước. Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hoà đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu 1.252 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 49 tỷ đồng. Đây là con số thực sự khiêm tốn nếu so với kết quả của các năm trước hay so sánh với kế hoạch mà Đại hội cổ đông đã đặt ra cho công ty. 2 năm gần đây, doanh thu Vinacafe Biên Hòa đều đạt trên 3.000 tỷ đồng còn lợi nhuận 5 năm gần đây đều đạt trên mốc 200 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm 2016, doanh thu của Vinacafe mới chỉ đạt khoảng 42% còn chỉ tiêu lợi nhuận đạt gần 20%. Điều đáng chú ý là Ban điều hành công ty vốn dĩ đã đặt ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận thấp hơn so với cả 2 năm 2014 và 2015, nhưng kết quả kinh doanh 6 tháng vẫn còn khá thấp so với các kế hoạch này. Một trong những lý do khiến Vinacafe đề ra kế hoạch tăng trưởng âm, là do ban điều hành công ty nhận định giá đường tăng mạnh, trong khi các dòng sản phẩm chính của Vinacafe đều có nhu cầu sử dụng đường như các sản phẩm cả phê sữa 3 trong 1, cà phê hòa tan đen đá 2 trong 1, ngũ cốc dinh dưỡng, nước tăng lực vị cà phê, wake-up coffee 247... Ngoài ra, các sản phẩm cà phê sữa uống liền - Vinacafe Chất tuy bước đầu nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng nhưng vẫn còn là nhãn hàng mới và đang trong quá trình đầu tư xây dựng thương hiệu, cần thêm thời gian. Những yếu tố này đã khiến Vinacafe dù chiếm gần 40% thị phần nhưng vẫn phải ngậm ngùi chịu lỗ trong quý 1 và là lần đầu tiên trong lịch sử báo lỗ, còn lợi nhuận quý 2 vẫn chưa cho thấy tín hiệu khả quan. Thị phần cà phê hòa tan. Nguồn: Euromonitor Trong vòng 1 năm qua, Vinacafe đã tung ra thị trường liên tiếp 3 sản phẩm, từ cà phê sữa đá Wakeup Sài Gòn, sau đó tới Vinacafe Chất và mới đây là sản phẩm mới Phin điện Cafe de Nam, cho thấy quyết tâm muốn chiếm thêm thị phần từ tay các đối thủ như Nestle, G7... Ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Vinacafé cho biết, các sản phẩm mới tung ra chỉ có tỷ lệ thành công khoảng 20%, nhưng nếu không tung sản phẩm mới thì không thể tăng trưởng. Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ông Nguyễn Tân Kỷ cho biết, công ty hiện vẫn đang duy trì được thị phần nhưng doanh số không như kỳ vọng. Trong năm 2016, chiến lược của Vinacafe là tiếp tục đầu tư xây dựng nhãn hiệu mới Vinacafe Chất và đẩy mạnh phát triển ngành nước giải khát dựa trên sản phẩm chủ lực là nước tăng lực vị cà phê wake-up coffee 247. Không riêng Vinacafe gặp khó khăn, một công ty khác trong ngành là Trung Nguyên thời gian gần đây cũng gặp nhiều rắc rối, khi 2 vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ tranh giành quyền lực. Phán quyết cuối cùng của tòa án đã khôi phục quyền lực cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo và hủy bỏ quyền đại diện của ông Vũ. Bên cạnh đó, thị trường cà phê nói chung còn nhiều nghi vấn liên quan đến việc độn đậu nành, không bán cà phê nguyên chất, gây ảnh hưởng đến thương hiệu các hãng cà phê. Sự việc này đã buộc Vinacafe phải hành động để bảo vệ danh tiếng, bằng cách tham dự buổi Lễ ký "Cam kết minh bạch trong sản xuất và kinh doanh cà phê, bảo vệ người tiêu dùng", đồng thời nhanh chóng phát đi thông cáo tuyên bố không độn đầu nành vào cà phê nhằm giữ uy tín cho sản phẩm của mình. Theo Tri Thức Trẻ Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|