Khủng hoảng tại Honda: Tất cả là vì 'cái túi khí' |
Viết bởi Văn Tuyết |
Thứ tư, 25/02/2015, 16:06 GMT+7 |
Việc phải triệu hồi 14 triệu chiếc xe trên toàn thế giới kể từ năm 2008 do lỗi túi khí là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc cải tổ bộ máy quản lý gần đây của Honda. Như tin đã đưa, trong một thông báo đầy bất ngờ vào thứ 2 vừa qua, Honda Motor tuyên bố CEO Takanobu Ito sẽ thôi chức vào cuối tháng 6, sau sáu năm liền nắm giữ vị trí này. Người thay thế ông Ito là ông Takahiro Hachigo, 55 tuổi. Những vấn đề liên quan đến chất lượng xe gây ra hàng loạt vụ thu hồi sản phẩm được cho là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc ra đi của ông Ito. Ngoài ra, công ty này cũng tuyên bố ông Takashi Yamamoto hiện đang phụ trách sản xuất và ông Yoshiharui Yamamoto – Giám đốc Nghiên cứu và phát triển cũng sẽ bị bãi nhiệm. Trước diễn biến kể trên, cổ phiếu của Honda đã giảm nhẹ 0,2% và đạt mức giá 3.922 yen trong phiên giao dịch vào thứ 3. Câu hỏi đặt ra là, CEO mới là Takahiro Hachigo sẽ phải làm gì và liệu có giúp Honda thoát khỏi khủng hoảng này hay không? Cách xử lý khác General Motor Sự ra đi của CEO Ito hoàn toàn khác với quyết định của General Motor với CEO Mary Barra. Công ty này cũng mới trải qua vụ thu hồi xe chấn động với hơn 2,95 triệu chiếc do lỗi hệ thống đánh lửa khiến ít nhất 57 người chết. “Với Barra, tình huống bị thu hồi xe do lỗi hệ thống đánh lửa đẩy lên cao trào một thời gian ngắn sau khi bà nhậm chức”, Karrl Brauer – một chuyên gia phân tích nhận định. Trong khi đó, với ông Ito của Honda, tình trạng lỗi túi khí đã xảy ra trong một thời gian dài và thậm chí vấn đề này còn trở nên nghiêm trọng hơn khi ông nắm giữ vị trí cấp cao trong tập đoàn”. Việc đại tu bộ máy quản lý diễn ra một vài tuần sau khi Honda cắt giảm dự báo lần thứ 2 khi rất nhiều quý bị ảnh hưởng bởi các vụ thu hồi sản phẩm liên quan đến dòng xe Fit và Vezel SUVs. Những vấn đề này cũng cản trở kế hoạch ra mắt dòng xe mới của Honda và khiến lợi nhuận của hãng giảm lần đầu tiên trong 3 năm. Trong tháng này, ông Ito cũng nói rằng công ty sẽ bỏ qua mục tiêu bán 6 triệu chiếc xe vào năm 2017 và tập trung vào chất lượng sản phẩm. Christopher Richter – một chuyên gia phân tích tại CLSA có trụ sở tại Tokyo nói rằng: “Người kế nhiệm ông Ito sẽ không hề dễ dàng”. Hai CEO có xuất phát điểm giống nhau Cả ông Hachigo và Ito đều bắt đầu sự nghiệp ở Honda từ hơn 3 thập kỷ trước với vị trí kỹ sư thiết kế khung và khung bên dưới để giữ những bộ phận chủ chốt của một chiếc xe hơi. Khi là một kỹ sư, Hachigo đã chịu trách nhiệm cho những dự án lớn của công ty như xe tải mini Odyssey được ra mắt vào năm 1999 và thế hệ CR-V SUV thứ 2 ra mắt vào năm 2001. Sau đó, ông được giao nắm giữ vị trí điều hành trên toàn nước Mỹ, châu Âu và Trung Quốc trước khi được bổ nhiệm làm CEO vào năm ngoái. Hachigo nói rằng: “Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận được cuộc điện thoại từ Ito. Tôi hiểu đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng”. Hachigo cam kết rằng, những nỗ lực trước đây của Honda sẽ đơm hoa kết trái trong năm 2015 và nói công ty cần bắt tay vào phát triển sản phẩm và công nghệ. Ông cũng đang lên kế hoach xây dựng 6 khu vực hoạt động của Honda – cấu trúc mà người tiền nhiệm của ông đã tạo ra để thay đổi tư duy kinh doanh lấy Mỹ là trung tâm như hiện tại. Kỷ nguyên của những thảm họa Trong khi Hachigo sẽ tiếp tục phát triển những nỗ lực của CEO trước đó nhằm giúp Honda quay tại đường đua công thức 1 vào năm 2015 với mẫu siêu xe NSX thì ông cũng cần tránh một vài sai lầm. Dưới thời ông Ito, Honda phải trải qua trận động đất Tsunami vào năm 2011 tại Nhật Bản và hàng loạt cơn lũ lớn tại Thái Lan trong nhiều năm. Và thảm họa gần đây nhất với ông Ito là các vụ thu hồi. Honda đã phải triệu hồi 14 triệu chiếc xe trên toàn thế giới kể từ năm 2008 để thay thế túi khí được làm bởi đối tác Takata. Các túi khí lỗi này có thể bị bục ra trong quá trình sử dụng và bắn các mảnh kim loại vào hành khách. Tại Mỹ, đã có 5 trường hợp tử vong do lỗi kể trên và 1 trường hợp tại malaysia. Điều đáng nói là không chỉ có mình Honda, ít nhất 9 nhà sản xuất ô tô khác có liên quan đến việc thu hồi sản phẩm do lỗi túi khí và Honda là khách hàng lớn nhất của Takata. Vụ việc đã khiến Honda tổn hại 70 triệu USD tiền phạt với chính phủ Mỹ vì cáo buộc không báo cáo hơn 1.700 số vụ chết và bị thương cho chính quyền trong vòng 11 năm. Tất cả là vì cái “túi khí” Vấn đề chất lượng của Honda nằm chủ yếu ở những chiếc túi khí. Nhà sản xuất xe này đã phải triệu hồi các mẫu xe Fit của hãng (một trong những dòng bán chạy nhất tại Nhật Bản) tới 5 lần kể từ khi ra mắt vào năm 2013. Bên cạnh đó, mẫu xe Vezel cũng bị thu hồi tới 3 lần. Việc sửa chữa lỗi này đã khiến trì hoãn kế hoạch ra mắt xe mới của hãng tới 6 tháng. Khi Honda bắt tay vào giải quyết những vấn đề liên quan đến chất lượng, cổ phiếu của hãng đã bắt đầu phục hồi. Cổ phiếu đã tăng 11% trong năm nay. “Chúng tôi biết điều này sẽ phải đến mặc dù nó tới sớm hơn so với mong đợi. Đây có lẽ là thời gian tốt để Honda có một bộ mặt mới”, Richter nhận xét. Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|