Lập sàn chứng khoán cho start-up: ý tưởng hay nhưng liệu có khả thi? |
Viết bởi An An |
Thứ hai, 20/06/2016, 08:19 GMT+7 |
Thực tế, việc thành lập sàn giao dịch cho các start-up là vấn đề rất mới, không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Tại hội thảo “Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp" diễn ra ngày 7/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá khởi nghiệp tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ trẻ. Tuy nhiên, ông bày tỏ cảm thông với việc các start-up hiện nay vẫn gặp khó khăn khi huy động vốn từ các ngân hàng do sự e ngại rủi ro từ khởi nghiệp. Theo ông Huệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã và đang phải huy động vốn từ các nguồn như bạn bè, gia đình hay các quỹ đầu tư Chính phủ hoặc tư nhân, song cũng gặp không ít trở ngại. Cũng tại hội thảo, Phó Thủ tướng đề cập tới việc lập sàn chứng khoán riêng biệt dành cho start-up với lộ trình mong muốn trong 2-3 năm tới đây sẽ thành hiện thực để giúp các doanh nghiệp dễ dàng trong huy động vốn. Ý tưởng này đã được Chính phủ giao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát triển thành đề án. Ngay sau khi thông tin này được công bố, nhiều ý kiến trong cộng đồng start-up thể hiện sự băn khoăn về tính khả thi của mô hình này. Trao đổi với PV Người đồng hành, ông Trần Nguyễn Lê Văn, CEO của Vé xe rẻ (start-up từng gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư nước ngoái như CyberAgent Ventures, Nhật Bản và Pix Vine Capital, Singapore) nhận định đây là một ý tưởng hay nhưng vẫn còn nhiều điều chưa hợp lý. “Tôi chưa rõ là các công ty khởi nghiệp sẽ được định giá như thế nào, vì bản chất của start-up thường chưa có lãi, nếu không nói là thường lỗ trong một thời gian dài. Do đó, rất khó để định giá các start-up, mà nếu không có giá thì không thể lên sàn”. ông Văn nói. Bên cạnh đó, theo CEO của Vé xe rẻ, các start-up cũng ít khi muốn công khai tình hình tài chính hoặc không có đủ năng lực kiến thức về tài chính kế toán để làm các báo cáo minh bạch cho việc đầu tư. Nhiều người vẫn đang băn khoăn về tính khả thi của mô hình sàn chứng khoán cho start-up Chia sẻ trong một chương trình của Đài truyền hình Việt Nam, ông Đỗ Hoài Nam, sáng lập viên Up Co-working Space cho rằng “Khi một doanh nghiệp khởi nghiệp, họ không có đầy đủ những yếu tố để phát triển vững mạnh. Vì thế, những người như tôi là các nhà đầu tư mạo hiểm. Trong khi đó, luật chứng khoán được đặt ra để bảo vệ các nhà đầu tư nên ở trường hợp đầu tư qua các sàn chứng khoán, những người không có khả năng đánh giá về tài chính vẫn có thể đầu tư được”. Đồng tình với quan điểm này, sáng lập viên của một start-up về giáo dục đang trong quá trình huy động vốn cho hay anh không quá kỳ vọng về mô hình này, bởi start-up thường rất rủi ro và thiếu chắc chắn - do đó không dễ để bán được cổ phiếu của các công ty khởi nghiệp. Tính thanh khoản của thị trường chính là điều nhiều người lo ngại về sàn chứng khoán cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông Hajime Hotta, doanh nhân Nhật Bản đang đầu tư vào nhiều start-up tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á chia sẻ rằng "Tôi sẽ tham gia đầu tư nếu thấy một số cổ phiếu có thanh khoản tốt". Thực tế, việc thành lập sàn giao dịch cho các start-up là vấn đề rất mới, không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Họ có sàn giao dịch (KONEX) từ năm 2013, chỉ sau hai năm vận hành, quy mô vốn hóa thị trường đã tăng hơn 8 lần, đạt xấp xỉ 4,1 tỷ USD và có 88 doanh nghiệp niêm yết so với 21 doanh nghiệp niêm yết ban đầu, chưa kể các doanh nghiệp chuyển sàn niêm yết. Tuy nhiên, việc học hỏi và áp dụng mô hình của Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn cần nhiều thời gian bàn luận và nghiên cứu kỹ lưỡng, để "tránh việc thành lập theo kiểu phong trào" như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. LInk nguồn: http://ndh.vn/lap-san-chung-khoan-cho-start-up-y-tuong-hay-nhung-lieu-co-kha-thi--20160617103217623p128c143.news Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|