H&M và chiến lược 'giá rẻ + bán nhiều = lãi to' |
Viết bởi An An |
Thứ năm, 08/10/2015, 16:00 GMT+7 |
Trong thế giới thương hiệu, H&M có thể coi là một trong những ví dụ sinh động cho việc thương hiệu có thể được hình thành và phát triển từ sao chép ý tưởng nhưng theo thời gian lại tạo nên những tác động lớn như một cuộc cách mạng thực thụ. H&M là một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Thụy Điển, tuy chưa có cửa hàng phân phối chính hãng tại Việt Nam nhưng lại là cái tên vô cùng quen thuộc với những người yêu thích thời trang tại đây. H&M tiền thân là "Hennes & Mauritz" do ông Erling Persson, người Thụy Điển, thành lập năm 1947 ở Vaesteras (Thụy Điển). Thuở ban đầu, đó chỉ là một cửa hàng bán quần áo và vải vóc. Trong một lần đi Mỹ, Erling Persson để ý đến một cửa hiệu bán quần áo được rất đông người mua vì giá bán rất rẻ. Từ đó, Persson rút ra được triết lý kinh doanh chiến lược của H&M vào thời điểm đó và cả sau này, là với giá rẻ nhưng bán khối lượng nhiều thì vẫn có thể kinh doanh có lãi. Mô hình kinh doanh này được Persson sao chép và vận dụng ngay ở Thụy Điển và thành công đến rất nhanh. Đánh vào tâm lý thời trang, khả năng chi trả của khách hàng và ý thức được mình không thể so sánh với các thương hiệu lâu đời xa xỉ khác, Persson đã hướng H&M theo một hướng hoàn toàn mới và làm vừa lòng cả hai bên. Thương hiệu H&M theo đuổi bản chất là quần áo có chất lượng cao và hợp mốt nhưng giá cả phải chăng. Đây được coi là quyết định mang tính cách mạng của nhà sáng lập giúp phát triển và duy trì H&M cho đến bây giờ. Chiếc lược giá đưa H&M trở thành đại diện của hàng hiệu bình dân Năm 1968, Persson mua lại hãng chuyên may quần áo trang phục cho thợ săn Mauritz Widforss và từ đó bán cả quần áo cho nam giới. Khác với những thương hiệu thời trang cao cấp khác, H&M vừa kinh doanh những sản phẩm mình tự thiết kế, vừa mua lại những thiết kế ăn khách từ các công ty thời trang khác. Không thể phủ nhận rằng, ngoài mẫu mã đẹp có chất lượng tốt, chính chiến lược giá phù hợp với số đông khách hàng trên thế giới đã đưa H&M trở nên khác biệt và trở thành tấm gương cho các thương hiệu đối thủ mới nổi sau này như Zara, Gap hay Mango. Bước vào một cửa hàng của H&M, bạn sẽ dễ dàng bị choáng ngợp khi những trang phục và phụ kiện hợp thời nhất nhưng giá lại vô cùng dễ chịu. Những chiếc áo sơ mi, áo phông, áo len hay áo cardigan chỉ từ mức giá 18 USD, trench coat có tầm giá 50-70 USD hay các sản phẩm denim là 15-20 USD. Bên cạnh đó, hãng này cũng cho ra mắt những phụ kiện như giày dép, túi xách, khăn, vòng tay giá cả hợp lý, đồng thời hợp tác với những tên tuổi lớn như Beckham hay các người mẫu danh tiếng để tạo được sự yên tâm của khác hàng về mặt chất lượng. Các sản phẩm thời trang của H&M hợp mốt và có giá cả bình dân H&M, với xuất phát điểm chỉ là một cửa hàng bán quần áo ở tỉnh lẻ, chính là thương hiệu đầu tiên đưa hàng hiệu bình dân đến với đại chúng, trở thành một ví dụ điển hình cho thời trang dù được sản xuất hàng loạt, không mang tính độc nhất vẫn có thể bán chạy nhờ thiết kế, chất lượng và chiến lược giá phù hợp. Bí quyết thành công của H&M nghe thì rất đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được. Đó là câu chuyện bán đồ thời trang mà người dân ở một thành phố cỡ trung bình có thể dễ dàng mua về, sử dụng được thoải mái và hài lòng về phương diện mốt và chất lượng. Phương thức marketing hợp thời Hướng đến đối tượng khách hàng chủ yếu là giới trẻ, H&M không ngần ngại sử dụng social media marketing như một quân bài chiến lược để đưa cập nhật các thông điệp và sản phẩm của mình đến những người trẻ tuổi. Từ Facebook, Instagram, Twitter, Pinterest đến Google+, ở đâu cũng có sự hiện diện của H&M với mức độ tương tác với các khách hàng rất hiệu quả. Thương hiệu này có rất nhiều người theo dõi và quan tâm ở bất cứ mạng xã hội nào. Tài khoản Instagram của H&M H&M với lượng người theo dõi lớn trên Twitter Nếu như các ông lớn như Chanel, YSL, Dior hay Valentino có tài khoản Facebook và Instagram nhưng với mục đích “khoe” đẳng cấp và thường phớt lờ các bình luận (thường là tôn sùng) của khách hàng, thậm chí không một lời cảm ơn, thì H&M luôn có bộ phận chăm sóc và lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng. Hãng thời trang này sẵn sàng đáp lại những comment nhằm đưa thông tin rõ hơn hoặc giải thích khi khách hàng yêu cầu. Điều này cũng phù hợp, thống nhất với phong cách của hãng là thời trang bình dân và thân thiện. Nhờ cú hích trong việc quảng bá nhãn hàng online, H&M đã vươn lên và nằm trong top 25 thương hiệu thời trang hàng đầu trên thế giới. Thành công nhờ tính cách mạng Điều đặc biệt trong cách làm thương hiệu của H&M là hãng này đã tìm ra một hướng đi mới mẻ cho chính mình và đương nhiên, những người tiên phong và thành công thì thường sẽ được ca tụng. Giới thời trang đánh giá, H&M làm nên cả một cuộc cách mạng trong thời trang còn vì thương hiệu này làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa các hãng thời trang và các nhà thiết kế. Nếu như trước đây các nhà thiết kế thời trang có uy quyền áp đảo trong mối quan hệ ấy thì H&M đã làm cho nó được cân bằng hơn. Thương hiệu này đã đi đầu trong việc biến những cửa hàng của mình không chỉ là nơi tiêu thụ sản phẩm của các nhà thiết kế mà còn là nơi thời trang hiện diện, được bình phẩm và phán xét cũng như xu hướng thời trang được xác lập, khẳng định cũng như bị khai tử. Các nhà thiết kế thời trang cần các hãng thời trang để tự khẳng định chính mình và để tự đi tới câu trả lời cho câu hỏi: Liệu sự sáng tạo thời trang của họ hợp thời hay không hợp thời và có bán chạy hay sẽ bị ế chỏng chơ? H&M đã làm cho các nhà thiết kế thấy rằng, bây giờ họ phải tìm đến các hãng thời trang để biết đã đi đúng hay sai đường. H&M đã cho thấy rằng, tất cả các thương hiệu thời trang thành danh và thành công, sáng giá và bền vững trong thế giới thương hiệu đều là những thương hiệu có giá trị trước hết ở năng lực đáp ứng nhu cầu đa dạng của đông đảo người tiêu dùng, chứ không chỉ ở giá trị nghệ thuật trong sáng tạo sản phẩm mang tên nó. Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|