'Lặng người, day dứt, ám ảnh' với Lạc Giới |
Viết bởi Văn Tuyết |
Thứ tư, 29/10/2014, 10:52 GMT+7 |
Cảm giác ám ảnh, bâng khuâng khi xem “Lạc giới” là sự chênh vênh thân phận con người, là câu hỏi để mở về khuynh hướng giới tính, là sự không rạch ròi giữa duy tình và duy lý. Những phút đầu của phim “Lạc Giới” gây cho khán giả cảm giác tiết tấu chậm, cấu trúc đơn tuyến, thiếu những pha gây “sốc”, thủ pháp tạo hấp dẫn thông thường. Nhưng càng xem, khán giả càng thấy bị cuốn hút bởi cách kể chuyện bóc dần các lớp trong quan hệ các nhân vật, lột dần những tấm áo giả tạo để lộ bản chất sâu kín bên trong từng nhân vật. Chuyện phim “Lạc Giới” có thể tóm tắt như sau: Trung - gã tù trên đường lẩn trốn lọt vào một trang trại giữa vùng hoang mạc. Để yên thân tìm vỏ bọc, Trung gạ tình Kim - cô y tá kiêm quản gia. Kịch tính xuất hiện khi Hải - cậu chủ trẻ mắc căn bệnh đặc biệt, để ý đến vẻ đẹp nam tính của Trung. Từ đây, những diễn biến tâm lý tình cảm phức tạp được tác giả đẩy dần lên, mỗi lúc thêm căng thẳng cuốn hút. Khi phim kết thúc mà nhiều khán giả vẫn ngồi lặng trên ghế với cảm xúc day dứt, ám ảnh. Nhiều khóe mắt nhòe lệ… Sự ám ảnh trước hết là kết quả của một kịch bản khúc chiết, nhiều tình huống dồn nén cùng cái kết bất ngờ đến sững sờ. Các nhân vật cũng ám ảnh qua từng cử chỉ, chi tiết diễn chắt lọc và lời thoại ngắn súc tích. Dàn diễn viên với Trung Dũng, Mai Thu Huyền, Bình An, Thành Lộc, Vũ Tuấn Việt, mỗi người một vẻ, một tính cách đã tạo nên diện mạo mới cho mình và cho nhân vật. Có lẽ cảnh “nước mắt đàn ông” hiếm ai diễn thành công như Trung Dũng trong bộ phim này, đó là một sự kìm nén trong đau đớn tột cùng. Sự ám ảnh kéo dài còn nhờ không khí thực, ảo của bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ rất hiếm gặp trong các bộ phim Việt trước đây; của màu sắc, của các mảng sáng tối tương phản ngụ ý; của sự tìm tòi trong cách tạo hình của từng nhân vật thông qua trang phục của các diễn viên và đi ngược với suy nghĩ thông thường khác mà mọi người đã quen thuộc: hai nhân vật nam đồng tính, lưỡng tính không hề ẻo lả mà trái lại rất nam tính và mạnh mẽ, một cô y tá kiêm quản gia có một phong cách tomboy và cá tính, một viên cảnh sát có vẻ ngoài phong trần, lãng tử như một đại ca giang hồ… Nhưng trước hết, cảm giác ám ảnh, bâng khuâng khi xem “Lạc giới” là sự chênh vênh thân phận con người, là câu hỏi để mở về khuynh hướng giới tính, là sự không rạch ròi giữa duy tình và duy lý. Có thể đây là nhược điểm của bộ phim, hay là ưu điểm? Điều này tùy thuộc vào trải nghiệm, cảm nhận của từng khán giả cụ thể. Nhạc sĩ Huy Tuấn - tác giả âm nhạc cho nhiều bộ phim - cũng bị chìm trong cảm giác ám ảnh khi viết nhạc cho “Lạc giới”. Anh coi nỗi ám ảnh là sự thách thức. Và kết quả cho thấy phần âm nhạc (nhạc nền và ca khúc) đóng góp một phần rất quan trọng cho thành công của bộ phim. Đạo diễn Phi Tiến Sơn tránh né nói về sự ám ảnh. Ông cho rằng “Lạc giới” đã phần nào chạm đến trái tim của khán giả, đánh thức những tình cảm cao thượng tiềm ẩn trong mỗi con người. Một điều đáng mừng là sau tuần đầu tiên công chiếu, “Lạc Giới” đã đón nhận rất nhiều phản hồi tích cực của khán giả ở mọi tầng lớp, thành phần, già có, trẻ có, đồng tính có, dị tính có…. Thậm chí có những khán giả chia sẻ họ đã đi xem phim 5 lần rồi nhưng vẫn muốn đi xem tiếp để khóc, cười cùng với số phận của các nhân vật. Phải chăng những khán giả này cũng đang bị ám ảnh về “Lạc Giới”? Độc giả xem phim (Vanhoadoanhnhan.vn) - Nguồn: Tincom Media Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|