Chân dung đại gia nhận lương cao nhất vị trí chủ tịch HĐQT ngân hàng |
Viết bởi ducanh |
Thứ tư, 11/09/2024, 09:02 GMT+7 |
Ngoài vai trò đứng đầu tại Ngân hàng Sacombank với mức lương khủng, ông Dương Công Minh là nhà sáng lập Tập đoàn bất động sản Him Lam... Trong báo cáo “Thu nhập của tổng giám đốc và hội đồng quản trị tại các công ty đại chúng ở Việt Nam năm 2023” do FiinGroup và FiinRatings mới công bố, hai ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính là nơi trả lương cao nhất cho vị trí Chủ tịch HĐQT, với trung bình lần lượt 4,1 tỷ đồng và 2,9 tỷ đồng cho cả năm 2023. Nếu xét riêng ngành ngân hàng, vị trí Chủ tịch của Ngân hàng Sacombank (Mã: STB) được trả thù lao cao nhất với 8,6 tỷ đồng/năm, cao hơn nhiều so với mức 6,2 tỷ của Ngân hàng TPBank. Các vị trí tiếp theo thuộc về SeABank (6 tỷ đồng), HDBank (5,2 tỷ đồng). Đáng chú ý, mức thù lao của Chủ tịch HĐQT của Sacombank là cao nhất ngành ngân hàng và đứng thứ hai toàn thị trường, chỉ sau mỗi Chủ tịch của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ). Tại Sacombank, người đang giữ chiếc ghế Chủ tịch là ông Dương Công Minh. Ông Minh đã giữ chức vụ này từ tháng 6/2017 cho đến nay. Với mức thu nhập trong năm 2023, số tiền mà Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh nhận được trong năm 2023 cao hơn rất nhiều so với với thu nhập chủ tịch các ngân hàng có vốn nhà nước. Theo thống kê dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, trong nhóm ngân hàng "Big 4", ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Ngân hàng BIDV nhận thù lao hơn 2,48 tỷ đồng năm 2023. Chủ tịch của Ngân hàng VietinBank cũng nhận về 2,48 tỷ đồng thù lao trong năm ngoái. Ông Phạm Quang Dũng, cựu chủ tịch Vietcombank nhận thù lao 1,63 tỷ đồng năm 2023. Dấu ấn của ông Dương Công Minh trên thị trường tài chính Ngoài vai trò đứng đầu tại Ngân hàng Sacombank, tên tuổi của ông Dương Công Minh gắn bó mật thiết với Tập đoàn Him Lam và thậm chí còn giữ vai trò cố vấn cao cấp HĐQT Bamboo Airways. Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 tại Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh). Năm 1984, ông tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành vật giá tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng làm sĩ quan, phục vụ trong quân đội. Ông Dương Công Minh từng khởi nghiệp với lĩnh vực nông sản vào những năm 90 của thế kỉ trước. Vào thời điểm đó, xoài là mặt hàng hiếm và chủ yếu được sử dụng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ngược lại, thị trường Trung Quốc lại có nhu cầu mua xoài lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán. Thấy tiềm năng kinh doanh, ông Minh và người bạn đã đầu tư mạnh mẽ vào việc mua xoài để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, khi hàng hóa đến cửa khẩu, một phần lớn lượng hàng, đặc biệt là xoài non, đã bị thối hỏng do bị ảnh hưởng bởi điều kiện vận chuyển. Biến cố này không chỉ khiến ông mất một lượng lớn vốn đầu tư mà còn buộc ông phải bán nhà để trả nợ. Tuy nhiên, thất bại này cũng là động lực giúp ông Dương Công Minh chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản và hình thành nên đế chế Him Lam. Năm 1994, ông Minh thành lập Công ty TNHH Thương mại Him Lam, doanh nghiệp tư nhân ngoài quốc doanh đầu tiên ở TP HCM, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Ông Minh sở hữu tới 99% vốn của Him Lam. Theo website doanh nghiệp, Him Lam có trụ sở chính tại 234 Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM. Công ty có vốn điều lệ hiện tại lên tới 10.000 tỷ đồng, là một trong những công ty bất động sản có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Nhân sự chủ lực có khoảng 4.500 người. Bên cạnh ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản và đầu tư tài chính, Him Lam cũng mở rộng ra các lĩnh vực khác như viễn thông, xây dựng đến sản xuất, thương mại dịch vụ, nhân lực, khai khoáng, tài chính - ngân hàng. Thương hiệu của Him Lam thể hiện qua các dự án như Khu nhà ở Đồng Diều (Phường 4, Quận 8), Khu đô thị mới 6A Nam Sài Gòn (Bình Hưng, Bình Chánh), Khu đô thị mới Him Lam Tân Hưng (phường Tân Hưng, Quận 7) với quy mô lên đến 60 ha; Trung tâm thương mại Him Lam Plaza (tại Phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh); Khu trung tâm tài chính Him Lam (phố Tôn Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội (khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên, Hà Nội); Khu Vui chơi giải trí, du lịch sinh thái (phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội); Galaxy 2 (Lê Văn Lương, Hà Đông, Hà Nội)… Bên cạnh đó là các dự án mới như Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú An... Một thông tin đáng chú ý khác, Him Lam chính là một trong những doanh nghiệp đầu tiên phát triển dịch vụ sân golf. Dự án của Tập đoàn Him Lam phát triển. Ngoài lĩnh vực bất động sản, ông Dương Công Minh còn ghi dấu ấn trong hai thương vụ của ngành ngân hàng. Ông Minh, thông qua Him Lam là cổ đông sáng lập đồng thời là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Liên Việt (LienVietPostBank - sau này là LPBank) với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%, trong đó ông Minh giữ chức Chủ tịch HĐQT. Đến năm 2017, Him Lam bất ngờ rút sạch vốn tại Ngân hàng Liên Việt. Với việc thoái vốn thành công khỏi Ngân hàng Liên Việt, giới tài chính đánh giá ông Minh đã tránh được tình trạng sở hữu chéo theo quy định Ngân hàng Nhà nước và “rộng đường" tham gia vào quá trình tái cơ cấu của Sacombank. Giữa tháng 6/2017, ông Dương Công Minh đắc cử và được làm Chủ tịch Sacombank – thời điểm ngân hàng đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu sau sáp nhập. Ông Minh khẳng định, Sacombank và LienVietPostBank là hai ngân hàng hoàn toàn độc lập và tách biệt với nhau. Tháng 8/2022, vị đại gia Dương Công Minh đã đánh dấu sự hiện diện của mình tại Hãng hàng không Bamboo Airways thông qua việc trở thành cố vấn cao cấp HĐQT. Tập đoàn FLC và Bamboo Airways khi đó có nhiều mối quan hệ vay nợ hàng nghìn tỷ đồng với Ngân hàng Sacombank cũng như Tập đoàn Him Lam - nơi ông Dương Công Minh làm Chủ tịch. (nguồn: vietnamdaily.kienthuc.net.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|