Đế chế tỷ đô của đại gia Đặng Văn Thành |
Viết bởi ducanh |
Thứ hai, 19/08/2024, 09:49 GMT+7 |
Ông Đặng Văn Thành cùng vợ Huỳnh Bích Ngọc đã tạo ra đế chế TTC Group với tổng tài sản hơn 3,2 tỷ USD. Các người con của ông bà đều cũng đang giữ vị trí thượng tầng tại các công ty hệ sinh thái. Doanh nhân ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc - nhà sáng lập TTC Group. Tiền thân của Tập đoàn TTC (TTC Group) ra đời năm 1979, là cơ sở sản xuất cồn được thành lập bởi hai doanh nhân ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Tại thời điểm đó, với vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 cán bộ nhân viên, TTC Group là một trong những cơ sở sản xuất cồn có quy mô lớn nhất ở TP HCM lúc bấy giờ. Những năm sau đó TTC Group liên tục mở rộng, tăng vốn lên 500 tỷ đồng vào năm 2007 và đến 2010 vốn điều lệ công ty đã đạt 1.000 tỷ đồng. Năm 2011 vốn điều lệ của TTC vọt lên 3.000 tỷ đồng. Trải qua nhiều lần tăng vốn, TTC Group hoạt động đa ngành với 6 mảng chủ chốt là Nông nghiệp, Năng lượng, Bất động sản, Bất động sản Công nghiệp, Du lịch và Giáo dục . Theo công bố mới nhất trên website tập đoàn, tính tới năm 2021, quy mô tổng tài sản đạt 80.349 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 25.480 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ đạt hơn 20.200 tỷ. Năm 2021, doanh thu thuần toàn tập đoàn đạt 33.774 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.898 tỷ đồng và đóng góp ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ. Đế chế tỷ USD TTC Group Với 6 mảng chủ lực chính, TTC Group đã đưa 4 mảng niêm yết trên sàn chứng khoán (HOSE), lần lượt là CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS - Mã: SBT), CTCP Điện Gia Lai (GEC – Mã: GEG), CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - Mã: SCR), CTCP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality – Mã: VNG). TTC AgriS nắm 46% thị phần đường mía, nợ vay 16.000 tỷ đồng Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS) là đơn vị chủ lực của ngành Nông nghiệp tập đoàn với thương hiệu “Đường Biên Hòa” hơn 54 năm. TTC AgriS vốn dĩ thuộc Tập đoàn Bourbon (Pháp). Để đạt được tham vọng chiếm lĩnh ngành mía đường, TTC Group đã chi tiền mua lại gần 97 triệu cổ phần CTCP Mía Đường Bourbon Tây Ninh (SBT) từ tay Tập đoàn Bourbon. Hiện tại, TTC AgriS có 10 nhà máy, sản xuất được 4.690 tấn đường/ngày và sở hữu vùng nguyên liệu xuyên biên giới với tổng diện tích hơn 71.000 ha. Hiện TTC AgriS đang dẫn đầu thị phần đường mía tại Việt Nam với 46%. Chủ tịch HĐQT của TTC AgriS là bà Đặng Huỳnh Ức My – người được mệnh danh là công chúa mía đường, là con gái của hai nhà sáng lập ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc.
Các sản phẩm của TTC AgriS. Trong niên độ gần nhất (từ 1/7/2023-30/6/2024), doanh nghiệp đầu ngành mía đường mang về 29.035 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với niên độ tài chính trước; lãi sau thuế đạt 796 tỷ đồng, tăng 32% trong bối cảnh giá đường duy trì mức cao. Vấn đề trong bức tranh tài chính của TTC AgriS là dư nợ vay tính tới hết 30/6 lên tới 16.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nguồn vốn. Trong một năm qua, công ty phải trả hơn 1.700 tỷ đồng tiền lãi vay, tăng 14% so với niên độ trước. TTC Land 'ngủ đông' vì các dự án vướng pháp lý Nổi bật trong mảng bất động sản của tập đoàn là TTC Land. TTC Land sở hữu diện tích đất 1.875 ha, hoạt động tại TP HCM và các tỉnh thành như Đà Nẵng, Phú Quốc, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An,… Công ty có gần 30 dự án trọng điểm, 15.000 sản phẩm đã bán ra thị trường. Dấu ấn của công ty thể hiện qua các dự án như Jamona Golden Silk, Carillon Apartment, Charmington Lapointe,… Trong bối cảnh thị trường bất động sản chung chưa khởi sắc, kết quả kinh doanh những quý gần đây của TTC Land vẫn “lẹt đẹt”, thậm chí lãnh dạo TTC Land gọi thời gian qua là thời gian “ngủ đông” của công ty. Doanh nghiệp này đang triển khai 8 dự án, trong đó, hầu hết các dự án căn hộ tại TP HCM của TTC Land đều vướng pháp lý kéo dài, chưa thể triển khai kinh doanh, như Panomax River Villa (Quận 7), dự án Charmington Iris (Quận 4), Panomax River Villa, Charmington Iris hay Charmington Dragonic (Quận 5),… Do vướng mắc pháp lý kéo dài, việc duy trì những dự án căn hộ tại TP HCM trong nhiều năm đang phát sinh chi phí vốn lớn cho TTC Land. Lũy kế nửa đầu năm 2024, TTC Land ghi nhận doanh thu thuần đạt 144 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế còn 5,7 tỷ đồng, riêng trong quý II chỉ lãi 944 triệu đồng. Trong tổng tài sản 10.867 tỷ đồng tính tại cuối tháng 6/2024, hai khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng tồn kho với 4.100 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn 3.568 tỷ đồng. Phần lớn Cũng như TTC AgriS, khối nợ của TTC Land ngày càng phình to. Tổng nợ phải trả cuối kỳ là hơn 5.744 tỷ, gấp 1,2 lần vốn chủ sở hữu. Hiện tại, nhiều tài sản là quyền sử dụng đất và bất động sản một số dự án đang được TTC Land triển khai được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng. Cuối kỳ dư nợ đi vay khoảng 3.000 tỷ đồng. Với lãi suất đi vay trung bình 10%/năm, mỗi năm doanh nghiệp này phải trả chi phí lãi vay còn lớn hơn lợi nhuận các năm cộng lại. Chẳng hạn trong nửa đầu năm nay, chi phí lãi vay là 157 tỷ đồng, gấp 2,7 lần tổng lợi nhuận sau thuế của năm 2022 và 2023. Trong bối cảnh mảng bất động sản còn đang khó khăn, TTC Land đang hướng đến bất động sản công nghiệp và bất động sản kho vận, cụ thể là tại thị trường phía Nam. Dàn lãnh đạo cấp cao của TTC Land, trong đó ông Đặng Hồng Anh đang là Phó Chủ tịch HĐQT (người thứ 5 từ trái sang). Điện Gia Lai sở hữu 23 nhà máy thủy điện, điện mặt trời và điện gió Trong lĩnh vực năng lượng, TTC Group tập trung vào xây dựng và phát triển các nhà máy thủy điện, nhiệt điện. Thông qua Điện Gia Lai, tập đoàn sở hữu 23 nhà máy thủy điện, điện mặt trời và điện gió với tổng công suất vận hành 750 Mwp, cung cấp 5,9 tỷ kWh sản lượng điện cho lưới điện quốc gia, Còn với tổng công suất của các nhà máy là 750 MWp, Điện Gia Lai đang đứng thứ 3 trong danh sách các công ty trên sàn chứng khoán có hoạt động liên quan đến năng lượng tái tạo, chỉ sau Bamboo Capital (Mã: BCG) và CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (Mã: TTA). Ngoài Điện Gia Lai, TTC Group còn có TTC Energy chuyên về lĩnh vực điện mặt trời áp mái, chuyên lắp đặt và vận hành hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái. 4 dự án điện gió của CTCP Điện Gia Lai với tổng công suất 230 MW vừa nằm trong danh sách 32 dự án điện gió và điện mặt trời được Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công An yêu cầu EVN cung cấp thông tin, tài liệu. Mảng du lịch chưa khởi sắc vì lãi vay, thoát lỗ nhờ bán các khoản đầu tư, chứng khoán kinh doanh. CTCP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality - Mã: VNG) là đơn vị chủ lực của ngành Du lịch của TTC Group, hoạt động khép kín trong 4 lĩnh vực: Lưu trú, vui chơi, trung tâm hội nghị/nhà hàng, lữ hành. TTC Hospitality sở hữu 10 khách sạn, 1 trung tâm lữ hành, 5 khu nghỉ dưỡng, 2 khu vui chơi và 4 trung tâm hội nghị nhà hàng, phân bổ tại các tỉnh, như: Huế, Hội An, Nha Trang, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phan Thiết, Đà Lạt, TP HCM, Bến Tre, Cần Thơ và 1 điểm đến tại Siem Reap (Campuchia). Trong 6 tháng đầu năm 2024, TTC Hospotality ghi nhận 383 tỷ đồng doanh thu thuần, hồi phục 25% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn và các chi phí lãi vay, chi phí hoạt động lớn nên doanh nghiêp chỉ báo lãi sau thuế 1 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Doanh nghiệp hoạt động mảng du lịch này vẫn sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều như các công ty khác trong hệ sinh thái. Cuối quý II/2024, tổng nợ phải trả là 2.860 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu, trong đó dư nợ đi vay là 2.300 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong nửa đầu năm lên tới 117 tỷ đồng, cao hơn số lãi gộp từ hoạt động kinh doanh chính thu về là 110 tỷ. Việc TTC Hospotality thoát lỗ là nhờ doanh thu từ việc bán các khoản đầu tư, chứng khoán kinh doanh. TTC Group tái đầu tư mảng giáo dục Đối với mảng giáo dục, phải đến giữa năm 2022 thì Tập đoàn TTC mới chính thức tái phát triển ngành này, khi chính thức đưa Đại học Yersin Đà Lạt và Trường THPT Yersin Đà Lạt vào hệ sinh thái, bao gồm 11 chuyên ngành liên quan đến công nghệ kỹ thuật, y dược, ngân hàng, kinh doanh, du lịch… Gia đình đại gia Đặng Văn Thành – Huỳnh Bích Ngọc Vợ chồng ông Đặng Văn Thành có ba người con đang sát cánh kinh doanh cùng gia đình. Ông Đặng Hồng Anh, (Shark Hồng Anh) là con trai cả, đang giữ chức Phó chủ tịch TTC Group và Phó Chủ tịch TTC Land. Shark Hồng Anh từng một thời “chinh chiến” cùng ông Đặng Văn Thành tại Sacombank – ngân hàng có mối quan hệ tương sinh với TTC Group. Người con thứ Đặng Huỳnh Ức My, người được mệnh danh là công chúa mía đường đang là Phó Chủ tịch TTC Group phụ trách các hoạt động nông nghiệp và đầu tư. Mới đây bà Ức My đã thay mẹ “cầm trịch” tại TTC AgriS. Hai người còn lại Đặng Huỳnh Anh Tuấn và Đặng Huỳnh Thái Sơn sau khi du học đã tham gia quản lý tập đoàn. Tên tuổi và sự nghiệp của hai vị doanh nhân này ít được nhắc đến nhiều. Ông Đặng Hồng Anh và bà Đặng Huỳnh Ức My. (nguồn: vietnamdaily.kienthuc.net.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|