Shark Louis Nguyễn: Nhà đầu tư lúc nào cũng phải 'săn' mới sống được |
Viết bởi ducanh |
Thứ ba, 11/06/2024, 10:44 GMT+7 |
Shark Louis Nguyễn khẳng định không có gì tự đến, nhà đầu tư phải tìm kiếm những mô hình đầu tư hay, hấp dẫn, lúc nào cũng phải “săn” thì mới “sống” được.
Trở về Việt Nam tham gia đầu tư từ 2005, ông Nguyễn Thế Lữ (Louis Nguyễn), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Quản lý Quỹ Saigon (Saigon Assets Management - SAM), được biết đến là “cá mập” lão luyện trong giới đầu tư ở TP.HCM 20 năm qua. Trong câu chuyện chia sẻ với VTC News, ông Louis Nguyễn vẫn tràn đầy khát vọng một ngày gần đây, doanh nghiệp Việt sẽ tự tin đầu tư những nhà máy vài trăm triệu USD sản xuất chip; nông dân Việt Nam ở các vùng xa dùng công nghệ thông minh sản xuất rau củ, bán hoa quả chất lượng cao ra nước ngoài. Với ông, đầu tư thành công là phải tạo ra giá trị, sản phẩm cho cộng đồng chứ không phải mua bán kiếm lời. - Ông là một trong số ít các "cá mập" đầu tư vào startup thành công từ chương trình Shark Tank, cụ thể là gạo hữu cơ Hoa Nắng đã phát triển vượt bậc khi nhận vốn và hỗ trợ từ Shark Louis Nguyễn. Bí quyết ở đây là gì? Hoa Nắng là startup mà khi tham gia chương trình Shark Tank mùa 2 với vai trò là khách mời, tôi thấy đáp ứng tiêu chí của một startup mình mong muốn đồng hành. Nghe hai bạn sáng lập doanh nghiệp trình bày về mục tiêu gọi vốn, chiến lược phát triển, tôi thấy công ty rất tiềm năng. Quan trọng nhất là họ rất nhiệt huyết, vạch rõ bước đi, tầm nhìn dài hạn. Dù đây là startup nhỏ, nhưng tôi thấy thú vị vì công ty minh bạch, rõ ràng, họ đi kêu gọi vốn làm ăn không phải đi quảng cáo. Tôi cũng thấy tiềm năng khi họ làm gạo hữu cơ giữa lúc thị trường cần các doanh nghiệp làm nông nghiệp sạch. Tôi rất thích đầu tư vào nông nghiệp, và cũng đã đầu tư vào nhiều doanh nghiệp nông nghiệp lớn từ Đạm Phú Mỹ, Long Sơn, Đồng Phú… Trên tivi, tôi chỉ có nửa tiếng để quyết định thôi, nên tin vào trực giác và chốt deal luôn. Đến giờ, tôi vẫn thấy may mắn khi đồng hành cùng họ phát triển. Tất nhiên, tôi cũng có lãi. Bây giờ họ đủ lớn mạnh, độc lập rồi. - Cũng có ý kiến nói rằng các "cá mập" tham gia chương trình để quảng bá doanh nghiệp, bằng chứng là không nhiều startup nhận được vốn đầu tư sau chương trình. Ông thấy nhận định này thế nào? Các "cá mập" và cả startup lên chương trình Shark Tank đều có mục đích. Shark thì muốn chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ startup đầu tư, tất nhiên cùng lúc có những mục tiêu về công ty hay cá nhân. Nhưng là công ty quản lý quỹ, chúng tôi không có nhu cầu quảng bá. Không có quỹ đầu tư nào đi quảng cáo cả, trừ khi muốn bán quỹ. Đầu tư cần khiêm tốn, mà đầu tư tài chính thì uy tín quan trọng hơn hết. Tôi lớn lên ở thung lũng Silicon, làm công việc đầu tư mạo hiểm, tôi đã gặp gỡ, làm việc với hàng trăm, hàng ngàn công ty khởi nghiệp ở Mỹ. Khi về Việt Nam, tôi tham gia các quỹ đầu tư mạo hiểm như VinaCaptial, IDG, rất có kinh nghiệm, nhưng nói thật tôi bị nhiều startup “quay xe” chứ không phải muốn đầu tư, chốt deal rồi được đâu. Mọi người sẽ không biết rất nhiều deal sau chương trình phát sóng, đến giai đoạn thẩm định là bị “lật kèo”. 80% startup gửi email không muốn nhận đầu tư nữa. Vài trường hợp tôi cam kết đầu tư, startup đã nhận đầu tư rồi đến khi gặp trực tiếp để thẩm định thì họ xin rút, như một thương hiệu bánh mì chả cá, một thương hiệu đồng hồ, hay một trường dạy tiếng Đức... - Cảm giác của ông ra sao khi “bị từ chối”? Tôi thấy bình thường. Tôi muốn chia sẻ cùng startup này nhưng họ không muốn, thì dành nguồn lực cho những bạn khác, không sao cả. Họ không sai, cũng không thể buộc họ phải nhận đầu tư của tôi. Tôi cũng không thất vọng về startup, vẫn muốn hỗ trợ, và sẵn sàng tham gia hỗ trợ. Tôi đang viết sách về đầu tư, tài chính. Cuốn sách có tên Người không có điều kiện, để hỗ trợ kinh nghiệm cho nguời trẻ khởi nghiệp. Bạn biết đấy, không phải ai sinh ra cũng ở vạch đích. Nên tôi rất muốn hỗ trợ người không có điều kiện, để mỗi ngày cuộc sống chúng ta tốt hơn lên. - Ông nói đầu tư vào nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh rất hấp dẫn bởi lòng tự tôn dân tộc. Sau Hoa Nắng, ông có tiếp tục đi tìm những mô hình như vậy? Có chứ. Tôi vẫn đang làm nông nghiệp và đã đầu tư một công ty ở sản xuất nông sản organic khoảng 4.000 ha ở Gia Lai. Đầu tư ở Việt Nam, tôi luôn chọn ngành là thế mạnh của đất nước mình, và lĩnh vực tôi am hiểu. Tôi muốn khoản đầu tư phải mang lại giá trị, có ý nghĩa. Tiền thì nhiều người có, ai cũng kiếm được, nhưng tiền đúng, tiền thông minh, tiền chiến lược thì không phải ai cũng làm ra được. Tôi mong muốn tiền của mình là tiền chiến lược, có thể đóng góp hữu ích, thông minh, mang lại giá trị cho cộng đồng. Tôi xác định sức mạnh của nước mình là nông nghiệp và thấy mình có thể hỗ trợ nông dân khâu chế biến, làm thương hiệu để tăng giá trị sản phẩm, bán được giá cao hơn. Tôi muốn đầu tư vào nông nghiệp để tăng giá trị, tăng thu nhập cho nông dân chứ không phải làm ra gạo, tiêu, cà phê rồi bán thô kiếm tiền. Mà tôi muốn nói rằng cuộc sống của nhà đầu tư là “săn”, lúc nào cũng phải “săn” thì mới “sống” được. Không có gì tự đến với mình cả, nhà đầu tư phải tìm kiếm những mô hình đầu tư hay, hấp dẫn, gặp gỡ người này, trao đổi người kia để cùng chia sẻ, đóng góp, hợp tác với nhau. Thành ra lúc nào tôi cũng tìm kiếm - là như vậy. Tôi vẫn xác định mục tiêu xuyên suốt là đầu tư vào 4 lĩnh vực mà mình có thể đóng góp tốt nhất cho cộng đồng, là nông nghiệp, công nghệ, bất động sản, giáo dục. - Trong 4 lĩnh vực này, nông nghiệp là mảng không dễ có lợi nhuận, và nhà đầu tư phải xác định thời gian đi cùng rất dài. Vì sao ông vẫn chọn trong khi có nhiều lĩnh vực khác lợi nhuận tốt hơn? Không ai muốn vất vả sớm hôm, dầm mưa dãi nắng ngoài đồng ngoài ruộng. Nhưng các bạn sống ở TP.HCM, Hà Nội có mấy khi về quê và quan sát người nông dân trồng trọt, chăm bón rau, gạo, hoa trái cho chúng ta ăn không. Họ lăn lộn quanh năm với đồng ruộng, với mưa bão lũ lụt mà hết vụ chỉ được một ít lợi nhuận. Gặp thiên tai thì mất hết, có khi không còn cơm ăn áo mặc, tại sao tôi không đóng góp cùng họ? Tôi đầu tư vào nông dân, đóng góp những gì trong khả năng tôi làm được, để bà con có sản phẩm bán giá cao hơn. Tôi hỗ trợ họ tìm kiếm nguồn vốn, kêu gọi vốn cho sản xuất, tìm kiếm thị trường, mà người tiêu dùng từ đây cũng có thêm thực phẩm sạch, thị trường ngày càng nhiều hàng hóa thiết yếu chất lượng tốt. Nếu kiếm tiền nhanh, nhiều thì có thể chọn lĩnh vực khác, nhưng tôi không muốn. - Nhưng bản thân ông quản lý quỹ đầu tư, cầm tiền của nhà đầu tư và phải làm cho tiền sinh sôi, hiệu quả chứ đâu chỉ có trách nhiệm xã hội? Đó luôn là mâu thuẫn. Nhưng chúng tôi còn nhiều lĩnh vực khác mang lại hiệu quả tốt, như công nghệ, tiêu dùng, bất động sản và các mảng này may mắn có lãi, cân bằng lại cho mảng ít lợi nhuận nhưng đóng góp cho cộng đồng. Lợi nhuận trong ngành nông nghiệp rõ ràng không bằng công nghệ, nhưng tôi ưu tiên, vì đó là thế mạnh của Việt Nam. Hơn nữa, nhiều quỹ khác nhau có mục đích đầu tư khác nhau, lợi nhuận chỉ là một trong những điều khoản thôi. Tôi không thích dài dòng. Người làm tài chính càng phải ngắn gọn, tôi thích nói ít nhưng chất lượng, và thật. Nói nhiều thường gây mất tập trung. Thử quan sát Chủ tịch Masan hay Chủ tịch Trương Gia Bình của FPT, họ có nói nhiều và dài dòng không? - Nói ít, vậy anh nói như thế nào để thuyết phục đầu tư với những người ít có thời gian như Chủ tịch Masan hay Chủ tịch FPT? Tôi nói ít nhưng chất lượng, và đặt sự tôn trọng, hiểu biết lên hàng đầu. Tất nhiên khi đầu tư vào đâu thì phải hiểu về doanh nghiệp đó chứ. Hơn nữa tôi cũng đồng lứa với họ, tôi biết họ cần gì, muốn gì, nghĩ gì. Mình hiểu đối tác, nghiên cứu về họ thì tất nhiên khi hợp tác với nhau sẽ nhanh, dễ dàng hơn. - SAM thời gian qua đầu tư rất nhiều vào bất động sản. Thời điểm này, khi thị trường bất động sản Việt Nam được cho là chạm đáy, ông có mạnh tay đầu tư tiếp vào mảng này không? Có nhiều cách đầu tư bất động sản. Mỗi người có khẩu vị đầu tư khác nhau, tôi chỉ muốn đầu tư bất động sản là đầu tư tạo ra sản phẩm giá trị. Ví dụ tôi mua miếng đất rồi xây tòa nhà, công trình thì mới làm. Nhưng nếu đầu tư như thế thì phải có nguồn lực, yếu thì mình không đủ sức làm. Còn mua đất rồi lướt sóng kiếm lời với tôi là không ý nghĩa. Tôi không làm vì đâu tạo ra giá trị gì cho xã hội. Tôi thấy vui hơn nhiều nếu mình cùng nông dân trồng cây trái năng suất cao, chất lượng tốt. Đến làng quê, thấy bà con có cuộc sống đủ đầy, có tivi, tài khoản ngân hàng, biết dùng điện thoại để tham khảo cách sản xuất mới, bay drone trên đồng ruộng mênh mông, sản phẩm xuất sang thị trường nước này nước kia… như thế sướng hơn. Nhiều tiền hơn tôi mở công ty công nghệ hoặc kêu gọi đầu tư vào công nghệ, mời Amazon, Microsoft, Google đến đầu tư, mở trung tâm dữ liệu và trả lương cao để chiêu mộ lao động Việt Nam, tạo ra các sản phẩm chất lượng Made in Việt Nam. Đó mới là mục tiêu. SAM vẫn đầu tư 4 lĩnh vực trọng tâm trong đó có có bất động sản, nhưng chúng tôi đầu tư bất động sản theo cách tạo ra sản phẩm giá trị. Mỗi công ty có mục tiêu rõ ràng về doanh thu, lợi nhuận, để duy trì phát triển, đảm bảo thu nhập và cuộc sống tốt hơn cho người lao động, cho môi trường đầu tư và trách nhiệm xã hội, và với đất nước mình. Tôi dù mang quốc tịch Mỹ nhưng lòng tôi là Việt Nam. Tôi cũng đầu tư, làm việc ở Việt Nam hơn 20 năm. Đóng góp dù nhỏ nhưng theo thời gian sẽ lớn, hiệu quả. Tôi muốn cuộc sống phải thật chất lượng, ý nghĩa để không hối tiếc. - Vì sao ông quyết định tham gia trực tiếp vào một doanh nghiệp bất động sản ngay thời điểm thị trường nhạy cảm nhất hiện nay, cụ thể là tham gia vào HĐQT An Gia. Có phải SAM thấy đây là lúc thích hợp để đầu tư mạnh hơn vào bất động sản? Ở thời điểm thị trường nhạy cảm nhất, mình tham gia trực tiếp vào HĐQT một công ty bất động sản thì nói thẳng ra là cũng chấp nhận rủi ro. Nhưng không có doanh nghiệp hay cá nhân nào hoàn hảo cả. Tôi xác định là đóng góp và chia sẻ, để tốt đẹp hơn, đi đoạn đường dài cùng nhau. Chúng tôi đã đầu tư vào bất động sản lâu rồi, con số chính xác là 24 công ty bất động sản ở Việt Nam, và thực tế tôi cũng từng tham gia điều hành một số công ty chứ không xa lạ. Còn vì sao thời điểm này tôi tham gia vào HĐQT An Gia? Đây là công ty mà tôi rất cảm tình, và trước khi quyết định gia nhập HĐQT, tôi đã tìm hiểu kỹ. Công ty có bước phát triển lành mạnh, minh bạch. Hơn nữa, trong đầu tư, mục đích của tôi là đầu tư vào con người. Khi gặp Chủ tịch HĐQT An Gia lần đầu tiên, tôi ấn tượng đó là người tử tế. Sự tử tế là điều đầu tiên tôi cần khi muốn làm việc hay hợp tác với ai. Tất nhiên không phải chỉ gặp mặt người đứng đầu doanh nghiệp mà mình nói cảm tình ngay với doanh nghiệp thì chủ quan. Từ ấn tượng tốt đó, tôi tìm hiểu về cách làm ăn, những dự án họ phát triển, cách họ ứng xử với cộng đồng, quan hệ với lao động, dòng tiền đầu tư, và cả chuyện ứng xử với trái phiếu phát hành, các khoản nợ nữa… Nhìn triển vọng phát triển của doanh nghiệp tôi thấy mình có thể đóng góp được mới có quyết định cuối cùng, chứ không đơn giản nói bắt tay là yên tâm ngồi cùng hàng ghế HĐQT được. Tôi nghĩ An Gia hợp với tiêu chí tôi mong muốn vì lành mạnh, tử tế, trách nhiệm với đối tác, khách hàng. Chúng ta có thể kiểm chứng đây là một trong số ít các công ty bất động sản đã trả hết nợ trái phiếu. Mà trong đầu tư, người ta tốt rồi thì cần hỗ trợ, đồng hành làm chi. - Ông kỳ vọng vào doanh nghiệp thế nào, và SAM có dự định đầu tư vào công ty này? Tôi kỳ vọng thời gian này chúng tôi sẽ có những chuẩn bị điều kiện tốt nhất để khi thị trường phục hồi, trong vài năm tới sẽ có cơ hội bùng lên. Chúng tôi sẽ có đủ quỹ đất, có những dự án đàng hoàng, đẹp nhất để đưa ra thị trường, phục vụ phân khúc thị trường trung cấp. - Ông nói về công nghệ và mơ đầu tư, gọi mời các công ty công nghệ đến Việt Nam làm ăn. Giữa làn sóng người người đầu tư bán dẫn, ông có thấy cơ hội? Tôi lớn lên ở thung lũng Silicon nên làn sóng công nghệ, bán dẫn tôi tiếp nhận như thức ăn, nước uống. Tôi đã làm bán dẫn từ mấy chục năm trước ở đây rồi. Tôi thấy FPT, Viettel đã tham gia, nhưng thực tế làm bán dẫn không đơn giản. Tôi nghĩ Việt Nam phải 5-10 năm tới mới sẵn sàng bước vào thị trường này. Ít nhất để thấy được là phải có đầu tư - không tính nhà máy của công ty nước ngoài, như Intel ở Khu công nghệ cao TP.HCM. Mình phải tính là của doanh nghiệp Việt mình, như FPT hay CMC chẳng hạn. Tôi kỳ vọng FPT sẽ nhanh chân ở lĩnh vực này, như trước đây họ đã từng làm với phần mềm. - Nếu bây giờ chúng ta tham gia thì có kịp không hay trễ rồi? Dù đi sau, nhưng không bao giờ trễ nếu đi đúng hướng. Bởi đó là ngành tương lai, không làm mới là trễ, không thể phụ thuộc vào ai cả. Chúng ta nhìn diễn biến thế giới thời gian qua là đủ hiểu sự cấp thiết. Lao động ngành này đang có mức thu nhập thuộc hàng cao của thế giới. Nếu chúng ta làm tốt khâu đào tạo, không những chủ động nhân lực mà còn tạo ra nguồn lao động chất lượng, không phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài và trả quá cao cho họ. Tôi mong các chính sách của nhà nước thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng vào cuộc và làm thật nhanh, thật tốt. Bên cạnh đó là sự nhạy bén, quyết liệt của lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ Việt, bởi mình không nên chậm chân nữa. - Ông đúng là “dân trong nghề”, đã sống với hơi thở công nghệ từ rất sớm. Ông thấy Việt Nam nên làm như thế nào trong cuộc đua công nghiệp bán dẫn? Nhà nước cần có những chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó câu chuyện kêu gọi những người có chuyên môn giỏi, có khả năng tham gia như các doanh nhân Việt kiều ở thung lũng Silicon về đầu tư, hoặc tham gia đào tạo là rất quan trọng. Bên cạnh đó là các chính sách đi kèm như miễn thuế, đất đai, đào tạo, đầu tư… Tôi nói thật cái này tôi mong muốn rất lâu rồi, nhưng nhiều khi tôi nghĩ đó là mơ mộng của cuộc đời tôi, bởi thực tế mình muốn nhưng triển khai không dễ. Cách nào để kêu gọi người tài năng về làm việc, kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư, hợp tác với đối tác ra sao mà họ thấy yên tâm cống hiến, đầu tư là câu hỏi cần trả lời rõ ràng. - Ông thấy sự cần thiết của ngành công nghệ bán dẫn và tiềm năng từ rất sớm, tại sao không đầu tư nhiều năm trước, khi về Việt Nam? Muốn thì ai cũng muốn, mơ thì ai cũng có quyền mơ. Nhưng như tôi nói, mình phải làm cái gì hợp lý ở mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm. Thời điểm tôi về nước đầu tư thì tôi phải nhìn thế mạnh, giá trị cốt lõi lúc đó là gì. Hơn nữa, thị trường cần có ngọn gió, phải có gió thổi sau lưng thì mới bùng lên được. Mà trước giờ không có ngọn gió nào, chưa có ai nói gì về bán dẫn làm sao mình có thể biến ước mơ thành hiện thực. Tôi chia sẻ thật, tôi mới hiểu được từ bán dẫn bằng tiếng Việt đúng nghĩa mấy tháng nay thôi. 20 năm tròn tôi mới học được chữ bán dẫn. Thật sự như vậy. - Khẩu vị đầu tư của ông bây giờ có thay đổi so với trước đây, là ngắm nghía những lĩnh vực rủi ro cao? Thời điểm này với ông lĩnh vực nào hấp dẫn nhất. Quy luật đầu tư thì vẫn là rủi ro cao, lợi nhuận cao. Nhưng nhiều lúc cuộc đời, cơ hội đến với mình là không có sự lựa chọn. Là nhà đầu tư mạo hiểm, tôi lại không mạo hiểm, mà chỉ bỏ vốn vào những lĩnh vực mình quản lý được rủi ro. Tôi thích những gì tôi quản lý được chứ không phải kiểu thấy xu hướng người ta đổ vốn vào ngành nào đó mà mình đầu tư. Như tiền kỹ thuật số là tôi không hứng, hoặc mua một mảnh đất ở đâu đó rồi mong nó lên để bán lấy lời. Nhưng nói gì thì nói, khoảng 30% rủi ro là mình không quản lý được. - Tức là ông không đầu tư vào tiền ảo? Tôi khẳng định 99% nhà đầu tư vào tiền ảo không hiểu về nó. Nhưng họ đầu tư vì biết xu hướng lên xuống. Tôi gặp rất nhiều người đầu tư vào đồng tiền này, rất nhiều người thua, thậm chí có người vướng lao lí. Với một số nhà đầu tư người Việt cũng vậy, họ đầu tư theo phong trào mà không biết gì về Crypto. Chỉ có nghe theo chuyên gia lúc nào nên mua nên bán, ai may mắn bán trước, lúc lên giá thì lời, ai xui rủi thì thất bại. Kiểu đầu tư này cũng giống như lướt sóng bất động sản. Việc dùng những thông tin mình biết trước rồi tung ra thị trường, để bán trước hay mua trước kiếm lời không có trong suy nghĩ của tôi. Nếu hào hứng với cách này, tôi đã kiếm rất nhiều tiền rồi. Đầu tư với tôi là phải thật, cụ thể và phải có đóng góp. - Là "cá mập" lão luyện, Shark Louis Nguyen có đầu tư thất bại không, và ứng xử sau mỗi thất bại của ông? Rất nhiều chứ. Tôi thấy việc này bình thường nhưng sao tôi nói thất bại thì nhiều người tỏ ra ngạc nhiên. Có thể do “cái tôi” của người Việt mình lớn nên thường ngại nói về những thất bại, những cái chưa đúng của mình. Nhiều người luôn nghĩ thất bại là xấu, là không đúng. Nhưng trong ngành đầu tư, thất bại rất quan trọng. Phải thất bại mình mới biết cay đắng là gì, mùi vị ra sao, để lần sau làm tốt hơn. Nếu không thất bại thì có nghĩa là mình quá trơn tru, không có "sẹo". Tôi thì thích những người có "sẹo", thích những "vết sẹo". Nghe hơi lạ nhưng tôi nhìn "vết sẹo" để thay đổi. Đặc biệt với ngành đầu tư, nhất là đầu tư mạo hiểm, đầu tư 10 mà thất bại 9 cũng bình thường, cái thành công dù chỉ 1 sẽ bù đắp cho 9 thất bại. Còn ứng xử sau mỗi thất bại, dĩ nhiên là xem lại tại sao mình sai. Vấn đề là mình học hỏi được gì từ thất bại đó, và biết được chuyện gì xảy ra khiến mình thất bại. Bài học thất bại rất quan trọng, để hiểu và nhớ. Thất bại nhớ nhất của tôi là đầu tư vào Dược Mỹ Châu. Khoản đầu tư của tôi vào 15% cổ phần của Nhà thuốc Mỹ Châu năm 2016 đã mất trắng. Chúng tôi không liên lạc được bà chủ khi hợp đồng không được thực hiện như thỏa thuận, và kết quả kinh doanh không đạt được như dự toán. Bài học cay đắng là chính tôi duyệt hợp đồng dưới sự tư vấn của luật sư. Nhưng luật sư không làm đúng, tạo kẽ hở để chủ chuỗi nhà thuốc này lách đền bù khi không thực hiện đúng hợp đồng cam kết. Thất bại này không lẽ đổ cho luật sư. Tôi chấp nhận và tự nghĩ lần sau sẽ tìm luật sư giỏi hơn, chứ làm cách nào khác đâu. Tất nhiên lần sau mình sẽ không lặp lại sai lầm, hớ hênh tin vào các lập lờ của hợp đồng đầu tư như vậy. - Như ông nói thất bại cho mình "vết sẹo" để nhớ, tránh đi vào vết xe đổ, nhưng tiền của nhà đầu tư mất mình cũng đâu dễ chịu? Đúng. Cũng may khoản đầu tư vào Mỹ Châu là tiền cá nhân, không phải của quỹ đầu tư nên cũng đỡ khoản chất vấn của nhà đầu tư. Với quỹ đầu tư, chúng tôi cũng từng có thương vụ thất bại lớn, mất 15 triệu USD đầu tư vào cầu Phú Mỹ. Đó là khoản thất bại lớn nhất. Hay đầu tư vào chợ Mơ – Hà Nội cũng mất. Nhưng như tôi nói, làm sao 100% thương vụ đầu tư là thành công, chúng tôi có những khoản đầu tư khác bù đắp lại. Tất nhiên chúng tôi cũng phải giải trình chuyện thất bại này. - Cuộc sống sau những tính toán, những con số, những thương vụ bạc tỷ thì đời thường của anh Việt kiều Nguyễn Thế Lữ ra sao? Quản lý sức khỏe, nghỉ ngơi, cân bằng cuộc sống sau công việc rất quan trọng với tôi. Vì ba tôi mất sớm, tôi phải thật khỏe mạnh để chăm sóc gia đình, quan tâm đến mẹ và người thân. Tôi rất chú trọng chuyện tập luyện thể thao và ăn uống khoa học. Tôi chọn chế độ ăn uống tránh đường, ít tinh bột, không thịt đỏ; trái cây cũng chọn các loại hữu cơ. Nghe thấy cũng khó lắm, nhưng mình quan tâm thì làm được. Tôi duy trì tập luyện thể thao đều đặn mỗi ngày. Tập thể thao không những rèn luyện sức khỏe mà còn giúp tôi giải tỏa những căng thẳng, áp lực công việc. - Ông nghĩ đến lúc mình nghỉ hưu chưa, khi đó ông chọn Việt Nam hay quay về Mỹ? Tôi chưa nghĩ đến lúc nào mình sẽ cho mình nghỉ hưu, bởi tôi luôn chuẩn bị sức khỏe và năng lượng làm việc. Nhưng nếu về hưu tôi nghĩ tôi sẽ chọn Việt Nam. Tôi thấy mình may mắn khi về làm việc ở Việt Nam hơn 20 năm nay. Mỗi ngày, tôi vui khi chứng kiến cuộc sống của những gia đình người thân, người quen, cách người trẻ yêu thương, tôn trọng người lớn tuổi, chăm sóc, yêu thương ông bà, cha mẹ mình. Tôi nghĩ người lớn tuổi sẽ hạnh phúc hơn khi có con cháu bên cạnh. Tôi là người Mỹ gốc Việt đang sống và làm việc ở Việt Nam, nên những gì tốt đẹp nhất ở Việt Nam, tôi cố gắng cất hết vào tim. - Cảm ơn ông! (nguồn: vtcnews.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|