top-banner-2

Thứ hai, 12/08/2019, 13:55 GMT+7

Đất nông nghiệp teo tóp dần

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ hai, 12/08/2019, 13:55 GMT+7

TP.HCM cần xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; có chính sách, biện pháp phù hợp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập để người trồng lúa yên tâm sản xuất.

Hơn chục năm nay, người dân "gốc" ở ngoại thành TP HCM đã chê nghề nông, nhiều khu đất bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. "Hồi xưa trồng trọt, thu hoạch tốt lắm nhưng giờ đất bạc màu, ô nhiễm, hoa màu èo uột, làm cực mà thu nhập không bao nhiêu" - bà Tư Hương (huyện Củ Chi) giải thích.

Gom đất ruộng chờ giá lên bán

Tương tự, một số nông dân "lão làng" ở huyện Hóc Môn cho biết họ vẫn yêu nghề nông nhưng không đủ sức khỏe để làm, trong khi con cháu lại chê nghề này vất vả. Nhiều người trẻ chăm chăm gom đất ruộng, chờ lên giá bán với mong ước đổi đời nên đã bỏ đất hoang, không trồng trọt gì.

Gần 10 năm nay, người từ các tỉnh miền Bắc kéo vào TP HCM thuê ruộng ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh... để canh tác đã giúp nhiều cánh đồng hồi sinh, xanh mướt. Nguồn rau từ đây không chỉ cung cấp cho người dân TP mà còn bán cho nhiều nơi khác.

Theo anh Đồng Văn Đông (39 tuổi, quê Bắc Giang), đất ruộng ở TP cho thuê giá khá "bèo". Với diện tích 1.000 m2, mỗi năm, người thuê chỉ phải trả từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, tùy vị trí.

"Vợ chồng tôi thuê hơn 6.000 m2 đất trồng rau và dựng lều để ở, mỗi năm trả cho chủ đất 30 triệu đồng. Ba đứa con tôi (từ 3 đến 8 tuổi) đều sinh ra ở TP này. Cuộc sống tự do, thoải mái nhưng phải giỏi nghề, chịu khó mới được. Gần 10 năm sống ở TP nhưng chúng tôi chưa biết phố xá ra sao. Mỗi ngày, từ 23 giờ đến 4-5 giờ hôm sau, chúng tôi ra ruộng cắt rau để bán. Đêm nào cũng lom khom cắt hơn nửa tấn rau, chở ra chợ bán đến tầm 8-9 giờ mới về nhà" - anh Đông chia sẻ.

Ở quê khó khăn, vợ chồng anh Nguyễn Văn Mạnh (quê Nam Định) được người quen khuyên vào xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn thuê 1.500 m2 đất trồng rau.

"Vừa không phải mướn nhà trọ vừa tự chủ công việc. Có điều, ngày nào cũng "úp mặt" hơn 10 giờ vào đất. Năm rồi, trừ hết chi phí, tôi dư 50 triệu đồng, ít hơn những năm trước do nhiều người vào đây trồng. Có xã của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định kéo gần 70% hộ vào đây thuê đất trồng rau, chăn nuôi. Cung vượt cầu, có lúc chỉ 1.000 đồng/kg rau, lấy đâu lời nhiều" - anh Mạnh nói.

Ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, đi đâu cũng thấy những hộ dân thuê đất trồng rau với đặc trưng: Bao lưới quanh ruộng, nhà lá tạm bợ và mùi phân gà bốc lên nồng nặc. Số hộ trồng rau tập trung nhiều nhất tại ấp 1 với khoảng 170 hộ, đa phần từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa. Nhiều gia đình 3 thế hệ gồm ông bà, cha mẹ, con cái cùng vào, đăng ký tạm trú, học hành. Do siêng năng canh tác và có những thời điểm bán rau được giá nên một số hộ đã mua được đất cất nhà.

dat nong nghiep

Gia đình anh Đồng Văn Đông sống bằng nghề trồng rau muống trên đất thuê. Trước đây, diện tích đất thuê rất nhiều nhưng nay chủ đã lấy lại bớt để bán. Ảnh: NHƯ PHÚ

Chuyển đổi hàng chục ngàn hecta

Do đô thị hóa, giá đất - trong đó có đất ruộng - ngày một tăng, nhiều người dân địa phương đã lấy lại ruộng để bán. Tại cánh đồng trồng rau muống ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, một phụ nữ quê Bắc Giang than thở: "Hồi trước, chúng tôi thuê cả chục công nay bị chủ lấy lại phân nửa. Với tình hình này, chắc ráng 1-2 năm nữa, chúng tôi phải về quê, ruộng đâu nữa mà thuê. Khu này năm trước còn là đồng ruộng, bây giờ xưởng, nhà cửa lấp đầy".

Một chủ ruộng ở huyện Củ Chi cho biết đất ruộng ở đây hiện bán chạy không thua gì đất ở. 1.000 m2 tùy loại, giá từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng.

Trong khi đó, kết quả điều tra đánh giá đất thoái hóa được UBND TP HCM phê duyệt hồi tháng 5-2019 cho thấy có khoảng 49.000 ha/khoảng 64.000 ha đất nông nghiệp được khảo sát bị thoái hóa (chiếm tỉ lệ gần 77%).

Theo một cán bộ làm công tác khuyến nông, để giảm thoái hóa đất, TP HCM cần có giải pháp giảm ô nhiễm (đặc biệt là ô nhiễm do chất thải công nghiệp), hạn chế đưa vào đất hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, bỏ đất hoang hóa... Việc thường xuyên trồng trọt, chăm sóc đất rất quan trọng. Chính quyền nên siết chặt, không cho chuyển nhượng xây cất, phân lô đầu cơ trái phép trên đất ruộng. Phải giữ đất cho nông dân canh tác.

Còn theo Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của TP HCM, đến năm 2020, TP có 88.005 ha đất nông nghiệp, chiếm 42,1% diện tích đất toàn TP; đất phi nông nghiệp 118.890 ha, chiếm 56,9%. Theo quy hoạch được điều chỉnh, từ giai đoạn 2016-2020, 26.246 ha đất nông nghiệp của TP đã chuyển sang đất phi nông nghiệp.

Để sử dụng đất hiệu quả, đúng công năng, Chính phủ yêu cầu TP xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần phải bảo vệ nghiêm ngặt; có chính sách, biện pháp phù hợp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập để người trồng lúa yên tâm sản xuất. 

Đất ruộng giảm vì nhu cầu nhà ở

Nhận định về việc TP HCM chuyển đổi hơn 26.000 ha đất từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp - đô thị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng đó là chuyện phù hợp yêu cầu phát triển thành đô thị đặc biệt của cả nước, bảo đảm đến năm 2030, tốc độ đô thị hóa của TP phải đạt 90%. Việc chuyển đổi này nhằm giải quyết bài toán nhà ở, phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại tại TP HCM.

"Thực tế, quá trình chuyển đổi đã diễn ra từ năm 2016, đến nay, diện tích còn lại không bao nhiêu, chưa kể trong số hơn 26.000 ha đất này có một phần nhỏ là đất nông nghiệp nhưng thực tế là đất ở trong khu dân cư. Việc chuyển đổi nhằm điều chỉnh các bất hợp lý tồn tại nhiều năm qua" - ông Châu nói.

Theo Như Phú - Thu Hồng (Người lao động)/Khampha.vn - 12/8/2019

Link nguồn: http://khampha.vn/tin-nhanh/dat-nong-nghiep-teo-top-dan-c4a730169.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đất nông nghiệp teo tóp dần

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc