top-banner-2

Thứ bảy, 20/07/2019, 14:44 GMT+7

TP.HCM: Đầu năm 2020 sẽ vận hành dự án chống ngập 10.000 tỉ

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ bảy, 20/07/2019, 14:44 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, đột phá về cải cách hành chính.

du an chong ngap 10ty

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp. Ảnh: Tá Lâm.

Sáng 19-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp đánh giá kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách và an ninh quốc phòng sáu tháng đầu năm và các giải pháp những tháng cuối năm.

Qua các báo cáo cho thấy kinh tế TP.HCM tiếp tục phát triển, an ninh trật tự được giữ vững, kéo giảm tội phạm...

Tăng trưởng GRDP gần 7,9%

Trong sáu tháng đầu năm, kinh tế TP.HCM tiếp tục tăng trưởng tốt, tổng sản phẩm GRDP ước đạt 611.000 tỉ đồng, tăng gần 7,9% tương đương cùng kỳ. 

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho rằng các hoạt động xúc tiến thương mại triển khai ngay từ đầu năm đã góp phần làm tăng sức hút đầu tư và cải thiện rõ rệt niềm tin của doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước vào môi trường đầu tư tại TP.HCM

Tăng trưởng khá, thu ngân sách cũng đạt được kết quả khả quan. Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết thu ngân sách trên địa bàn ước đạt hơn 193.000 tỉ đồng (đạt hơn 48% dự toán), tăng 7% so với cùng kỳ.

Theo bà Trang, thu ngân sách của TP.HCM cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu ngân sách của bốn TP trực thuộc trung ương gộp lại. “Tổng số dự toán thu ngân sách năm 2019 của Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ là 365.900 tỉ đồng, trong khi tổng dự toán thu ngân sách của TP.HCM gần 400.000 tỉ đồng” - bà Trang nói.

Bà Trang cho biết ngay từ đầu năm, TP đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ phát triển kinh tế nhằm huy động, nuôi dưỡng nguồn thu. Tuy nhiên, đến nay số thu từ khu vực kinh tế chỉ tăng gần 8,5% so với cùng kỳ và vẫn không đạt được dự toán được giao. Đây là mức tăng thấp nhất trong ba năm trở lại đây. Nguyên nhân là do một số DN trọng điểm nộp thuế thấp, thậm chí không nộp, chủ yếu các DN kinh doanh bất động sản. Một số ngành kinh tế trọng điểm như chứng khoán, vận tải có số thu giảm so với cùng kỳ, trong đó có ngành giảm hơn 41%.

Để đảm bảo nguồn thu trong những tháng cuối năm, TP.HCM sẽ tập trung thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các DN nộp các khoản truy thu vào ngân sách. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản nhằm tạo đòn bẩy cho các DN liên quan tăng trưởng, tạo thêm nguồn thu.

Bà cũng cho hay có một số DN trụ sở tại TP.HCM nhưng lại đăng ký nộp thuế hải quan tại các tỉnh, thành khác. “UBND TP cần chỉ đạo ngành hải quan tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp khắc phục, không để xảy ra tình trạng DN của TP.HCM làm thủ tục tại nơi khác do thái độ phục vụ của cán bộ, công chức hải quan thiếu thân thiện, hách dịch hoặc nhũng nhiễu” - bà Trang nói.

Gấp rút thi công dự án chống ngập 10.000 tỉ

Về tiến độ thực hiện dự án chống ngập do triều với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, cho biết: Hiện nay khối lượng thi công dự án đã đạt 75%, nhà đầu tư và đơn vị thi công đang tích cực đẩy nhanh tiến độ.

Theo ông Dũng, mặt bằng thi công còn hai trong số sáu quận vướng mắc. Hai địa phương vướng mặt bằng là huyện Bình Chánh và Nhà Bè, còn hơn 10 hộ dân chưa di dời. Các địa phương cũng đang vận động dân. “Theo cam kết của nhà đầu tư, nếu mặt bằng giao sớm thì công trình sẽ hoàn thiện vào giữa tháng 6-2020. Riêng việc vận hành có thể sớm hơn, vào khoảng đầu năm 2020” - ông Dũng nói.

Về việc vướng mặt bằng, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết thêm: Số bà con còn ở lại là để chờ chính sách, chứ không phải không chịu đi. Cái khó là bà con ở trên kênh, rạch, chính sách bồi thường không nhiều, chủ yếu trông vào tiền hỗ trợ và nhiều trường hợp không đủ điều kiện tái định cư. “TP đã chỉ đạo phải tổ chức tái định cư cho dân dù họ không đủ tiêu chuẩn. Phải có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho dân nhằm tạo điều kiện cho bà con có chỗ ở mới” - ông Hoan nói.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo: Đây là dự án rất quan trọng, người dân kỳ vọng. Vì vậy, các đơn vị cố gắng tối đa đẩy nhanh tiến độ để dự án sớm hoàn thành.

Đẩy nhanh xây nhà máy xử lý rác

Về xây dựng các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ mới, ông Nguyễn Thành Phong nói: “Việc chuyển đổi công nghệ, xây dựng các nhà máy xử lý rác hiện quá chậm, khiến cho người dân cảm thấy rất phiền”.

Ông cho hay là TP.HCM đã kêu gọi đầu tư từ cách đây hai năm nhưng đến nay chưa có nhà máy rác công nghệ mới, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. “Riêng chuyện này, Sở TN&MT chưa quyết liệt. Phải đặt vấn đề thẳng với chủ đầu tư nếu họ không chuyển đổi công nghệ thì sẽ đình chỉ hoạt động, chứ dễ dãi như thế này là không được” - ông Phong nói.

Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Sở đang thực hiện nhiều giải pháp để đặt mục tiêu đến năm 2020 phải giảm tỉ lệ chôn lấp rác xuống dưới 50%. Cụ thể, ba nhà máy đang xử lý rác cho TP với tổng công suất hơn 8.000 tấn mỗi ngày. Trong đó, riêng Nhà máy xử lý rác Đa Phước là 5.000 tấn, dùng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh, còn Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa và VietStar xử lý hơn 3.000 tấn bằng cách đốt không phát điện và làm phân compost với tỉ lệ tro xỉ loại ra còn tương đối lớn.

Theo ông Thắng, hiện nay hai nhà máy Tâm Sinh Nghĩa và VietStar đang hoàn thiện thủ tục chuyển đổi công nghệ để hình thành hai nhà máy mới dùng công nghệ đốt phát điện với tổng công suất 6.000 tấn. Dự kiến trong quý IV tới sẽ khởi công xây dựng hai nhà máy này. Còn Nhà máy xử lý rác Đa Phước, chủ đầu tư cũng đã cam kết trước mắt sẽ chuyển sang xử lý 2.000/5.000 tấn rác bằng hình thức đốt, thu khí gas để hạn chế hình thức xử lý chôn lấp, giảm ô nhiễm môi trường.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác mới mà TP đã đồng ý chủ trương, ông Thắng cho biết sẽ tham mưu UBND rút ngắn quy trình đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu khởi công năm 2020.

Nghe đến đây, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị giám đốc Sở TN&MT giữ đúng cam kết về tiến độ đã nêu ra.

• UBND TP đã có dự thảo kế hoạch thực hiện kết luận vụ Thủ Thiêm, trình Thường vụ Thành ủy, đang hoàn thiện kế hoạch để xin ý kiến các bộ, ngành trung ương.

• Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục thực hiện chủ đề năm “Năm đột phá về cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”.

• Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện là hơn 23.600 tỉ đồng (đạt 26,6% dự toán, tăng 6,6% so với cùng kỳ).

• TP.HCM có nhiều giải pháp triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức... Phạm pháp hình sự ghi nhận 1.910 vụ, giảm 94 vụ (khoảng 4,7% so với cùng kỳ).

Theo PLO/Khampha.vn - 20/7/2019

Link nguồn: http://khampha.vn/tin-nhanh/tphcm-dau-nam-2020-se-van-hanh-du-an-chong-ngap-10000-ti-c4a726925.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

TP.HCM: Đầu năm 2020 sẽ vận hành dự án chống ngập 10.000 tỉ

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc