CEO Bùi Tiến Thành 'đánh chắc - tiến chắc' |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ hai, 10/09/2018, 14:08 GMT+7 |
Bằng một phương châm nghe có vẻ đơn giản nhưng nó đã giúp CEO Bùi Tiến Thành gặt hái được những thành công đáng nể. Mới 30 tuổi đầu, nhưng chàng trai xứ Thanh Bùi Tiến Thành đã tạo dựng được một cơ nghiệp mà nhiều người mơ ước: Giám đốc Công ty TNHH MTV TM Tiến Thành Thảo, cung cấp văn phòng phẩm cho thị trường toàn tỉnh Thanh Hóa; và cũng là nhà phân phối độc quyền cho các thương hiệu tên tuổi như Thiên Long, FlexOffice, Hải Tiến… trên địa bàn tỉnh. Bố làm thợ xây, mẹ làm giáo viên mầm non, hoàn cảnh gia đình nghèo khó… nên ngay từ nhỏ, Tiến Thành đã có ý thức phải “luôn vận động” để giúp đỡ bố mẹ phần nào. Và cái “máu kinh doanh” (theo cách nói của anh) được bắt đầu từ niềm đam mê chơi cá cảnh thời tiểu học. Ban đầu, chỉ đơn giản là sở thích chơi cá cảnh, nhưng khi thấy nhiều bạn cùng lớp cũng thích cá cảnh, cậu nghĩ ngay đến việc đi “buôn” và tạo xu thế chơi cá cảnh trong trường vào những năm đầu cấp 2. Vào đại học, với tâm thế: Không có chuyện mình cầm hồ sơ đi xin việc mà phải có công ty đến trường và mời mình đi làm…, Thành đã luôn phấn đấu vươn lên trong học tập. Chỉ qua năm đầu tiên, chàng trai xứ Thanh đã dành được học bổng từ quỹ khuyến học nhà trường. Anh Bùi Tiến Thành (Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Tiến Thành Thảo) trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công trên VTV1 Chính 4 năm đại học, với khoản tiền chi tiêu hạn chế, Thành đã học được cách kiểm soát đồng tiền một cách chặt chẽ, chi tiết. Và đó cũng là kinh nghiệm tốt cho anh trong việc luôn kiểm soát và cân đối được dòng tiền khi lao vào con đường kinh doanh sau này. Thành kể: Năm 2008, khi đang là sinh viên năm thứ 3, duyên tình cờ mà Thành đã đi phỏng vấn part-time tại một công ty thương mại để làm thời vụ cho bánh trung thu Kinh Đô. Trong buổi phỏng vấn, giám đốc Công ty rất ấn tượng với Thành, bởi cậu khá tự tin trong giao tiếp. Thành đã được nhận với cương vị hỗ trợ công tác quản lý của công ty. Thời điểm đó Thành vừa học vừa làm, ngoài thời gian trên lớp thì thời gian còn lại là làm việc trên Công ty, thậm chí cả đêm và chủ nhật với một sự đam mê, không nề hà bất cứ việc gì. Sau 6 tháng làm việc, Ban giám đốc Công ty gọi lên trả lương thì Thành khảng khái nói: Thưa anh chị, em mới là người cần phải trả công cho các anh chị, bởi các anh chị đã đào tạo em trong suốt thời gian qua. Thành tiếp nhận và phát triển chi nhánh với khoản doanh thu tăng nhanh chóng. Chỉ sau 1 năm, anh đã được bổ nhiệm làm Giám đốc chi nhánh với con dấu chức danh. Khi đó Thành mới 21 tuổi và vừa tốt nghiệp đại học. Anh Bùi Tiến Thành vinh dự lọt TOP 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc nhất toàn quốc năm 2018 Thành đã xây dựng chi nhánh từ 3 người lên 60 người và sau 5 năm làm việc, chi nhánh do Thành phụ trách luôn có chỉ số lợi nhuận cao hơn nhiều so với các chi nhánh khác, nên Thành được Công ty giao điều hành chi nhánh lớn hơn với quy mô hơn 120 người, rồi tiếp tục được đề bạt vị trí giám đốc điều hành Chi nhánh. Sau 6 năm làm quản lý, đảm nhận vị trí giám đốc chi nhánh và giám đốc điều hành Công ty, tháng 10/2014, Thành tách ra ngoài lập công ty riêng. Để có quyết định đó, anh cũng phải trăn trở nhiều đêm và vượt qua nhiều áp lực. Gia đình, bạn bè đều lo ngại cho anh, bởi đang có một vị trí tốt, mức thu nhập nhiều người mơ ước, nay bỏ ra “tự bơi”, liệu có thành công hay không. Nhưng chí đã quyết, anh bán xe ô tô đang đi được hơn 400 triệu đồng để làm vốn kinh doanh. Khi ký hợp đồng làm việc với công ty cũ, Thành đã giao kết một điều khoản ràng buộc với công ty là trong thời gian 3 năm kể từ ngày thôi việc không được phép làm việc, hoạt động trong lĩnh vực phân phối các ngành hàng tiêu dùng, không được phép kinh doanh các mặt hàng tương tự mà công ty đang phân phối, tuyệt đối không được làm việc cho công ty đối thủ. Tuân thủ giao ước đã ký, Thành nghiên cứu thị trường để tìm một hướng đi riêng. Anh phát hiện ra lĩnh vực kinh doanh văn phòng phẩm, giấy vở tại Thanh Hóa chưa có công ty nào đầu tư quy mô bài bản (phần lớn các nhà phân phối trong lĩnh vực đó đang hoạt động manh mún, bán buôn là chính). Xác định được rõ ràng mục tiêu về sản phẩm phân phối, Thành đi thuê nhà làm kho và văn phòng (mất 3 triệu đồng/tháng). Cơ sở vật chất ngày đầu chỉ có ít giá kệ để hàng, 2 bộ bàn ghế và 2 máy tính, nhân viên cũng chỉ có 3 người. Là ông chủ, nhưng anh không “chỉ tay năm ngón”, mà trực tiếp làm rất nhiều việc, từ bán hàng, giao hàng, thủ kho, thủ quỹ, thậm chí… bốc vác. Sau này khi có thêm vốn liếng, Thành mới tuyển dụng nhân sự dần vào để thay thế. Trong thời gian đầu khởi nghiệp, do còn lạ lẫm với ngành nghề bên văn phòng phẩm, chưa biết phải kinh doanh như thế nào, mua gì và bán gì, chính vì thế, Thành đi khắp các tỉnh, thành phố để tiếp cận với các công ty quy mô nhất về lĩnh vực này để cảm nhận nghề nghiệp và lĩnh hội những kinh nghiệm. Cứ mày mò vừa học, vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa tuyển dụng và xây dựng hệ thống, sau 4 năm xây dựng và phát triển, Công ty Tiến Thành Thảo đã trở thành nhà phân phối quy mô lớn trong tỉnh Thanh Hóa về lĩnh vực phân phối hàng giấy vở, văn phòng phẩm, đồ dùng học sinh. Định hướng trong thời gian tới, Công ty Tiến Thành Thảo sẽ phát triển mở rộng thêm địa bàn phân phối vào các tỉnh phía Bắc Trung Bộ. CEO Bùi Tiến Thành tranh biện cùng các doanh nhân trong chương trình CEO – Chìa khóa thành công (do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hoanggia Media Group thực hiện cùng sự đồng hành của Bia Hà Nội) Năm 2018, CEO Bùi Tiến Thành đã vinh dự lọt TOP 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc nhất trên toàn quốc do Trung ương Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam bình chọn. Khi được hỏi về bí quyết thành công trong kinh doanh, anh khiêm tốn chia sẻ: Tôi còn trẻ, thành công chưa phải là lớn, nên không dám đại ngôn gì, chỉ suy ra từ hoạt động thực tế thì thấy rằng, muốn công ty ăn nên làm ra phải luôn tâm niệm giá trị cốt lõi của Công ty là “Trách nhiệm - Cam kết - Hiệu quả”, theo đó, làm ăn luôn phải giữ chữ TÍN. Để có được sự tin tưởng của khách hàng, chúng tôi luôn chú trọng dịch vụ trước và sau bán hàng. Bên cạnh đó, trong kinh doanh phải dựa vào tình hình thực tế của mỗi giai đoạn để có những chiến lược phù hợp. Với nhiều người trẻ, khi kinh doanh thường hay vấp váp, không tránh khỏi đôi lần thất bại, anh nghĩ sao về câu châm ngôn “thất bại là mẹ thành công”? Trả lời câu hỏi đó của chúng tôi, Bùi Tiến Thành chia sẻ: Tôi không có ý bình luận về câu châm ngôn này, nhưng tôi nghĩ, với người trẻ khởi nghiệp, vốn liếng mỏng, nếu thất bại thì lấy gì gượng dậy làm tiếp, vì thế trước khi làm gì phải nghĩ thật kỹ, đừng để thất bại. Phương châm của tôi là “đánh chắc - tiến chắc”, cái gì mình thấy chưa chắc chắn thì phải dành thời gian tìm hiểu đã, chứ đừng vội đầu tư ngay. Hải Lý * Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|