Vaccine 'Made in Việt Nam' |
Viết bởi Mai Ngọc |
Thứ sáu, 29/03/2019, 10:44 GMT+7 |
Những ngày cuối tháng 9-2018 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước tề tựu về để chứng kiến sự kiện Việt Nam công bố sản xuất thành công hai loại vaccine cúm mùa và cúm H5N1.
Chọn lọc trứng gà đạt chuẩn để sản xuất vaccine Ngay sau khi xem những hình ảnh, video từ những ngày đầu về quá trình nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine, khán phòng rộ lên những tràng pháo tay hoan nghênh những nhà khoa học Việt Nam đã 10 năm bền trí. Đáng lưu ý, trong những đại biểu tham dự sự kiện này có cả những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và từ các nước có nền y học phát triển. Vaccine Việt giá bằng 1/3 thế giới Hai loại vaccine dùng cho cả người lớn và trẻ em, được đặt tên là IVACFLU-S (phòng 3 chủng virus H1N1, H3N2, B) và IVACFLU (phòng chống cúm A/H5N1). IVACFLU-S được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm, không màu hoặc màu trắng mờ. Dự kiến năm 2019, hai loại vaccine cúm này được cấp phép lưu hành, với giá trung bình 80.000 - 100.000 đồng/liều. Với giá này, vaccine Việt Nam sản xuất chỉ bằng 1/3 giá vaccine thế giới hiện nay. Chủ nhân hai loại vaccine do Việt Nam sản xuất là Viện Vaccine và Sinh phẩm tế (IVAC) đóng tại tỉnh Khánh Hòa. TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết, viện bắt đầu nghiên cứu hai loại vaccine từ năm 2005 sau khi đại dịch cúm A/H5N1 bùng phát. Sau khi bào chế thành công vaccine H5N1, đơn vị đã phát triển bào chế vaccine cúm mùa. Hai vaccine đã trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm lâm sàng với hơn 2.000 người trong độ tuổi 18 - 60. Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia Bộ Y tế cũng đã nghiệm thu sản phẩm. để sản xuất thành công hai loại vaccine này, viện nhận được hỗ trợ rất nhiều từ các tổ chức y tế thế giới và bộ, ngành trong nước. TS Nguyễn Tuyết Nga, đại diện Tổ chức Quốc tế về y tế toàn cầu (PATH), nhận xét: Hai loại vaccine được sản xuất thành công sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong tương lai. Điều đó còn có ý nghĩa không chỉ gói gọn trong mỗi quốc gia mà còn ảnh hưởng tích cực đến y tế khu vực, thế giới, trực tiếp đến công tác phòng chống dịch cúm - vấn đề khá nan giải hiện nay của thế giới. Ông Guido Torelli, đại diện WHO, cho biết, với thành tựu này, Việt Nam có thể tự chủ được nguồn vaccine khi xảy ra dịch bệnh cũng như hỗ trợ nước khác khi có dịch bệnh. Chuyện gà Pháp đẻ “trứng vàng” Hai loại vaccine đều được bào chế dựa vào công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Để làm điều này phải có nguồn nguyên liệu trứng gà đạt tiêu chuẩn chất lượng dùng để sản xuất vaccine sử dụng cho người. Nếu trứng gà không sạch, vaccine sẽ không đạt chất lượng tinh khiết để đưa vào cơ thể người. Để có được trứng đạt chuẩn, nhóm nghiên cứu của IVAC đã đi nhiều nơi để tìm nguồn nguyên liệu cũng như tìm kiếm giống gà đưa về nuôi dưỡng, đẻ trứng lấy phôi. Tuy nhiên “xới tung” các trang trại gà ở Việt Nam, các nhà khoa học vẫn không chọn được vì chất lượng trứng cũng như giống gà không phù hợp với yêu cầu để thực hành các thí nghiệm lâm sàng tạo ra vaccine. Việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu để bào chế vaccine khiến có lúc nhóm nghiên cứu tưởng chừng bỏ cuộc. Tuy nhiên, những thống kê tổn thất do dịch cúm A/H5N1 gây ra đã trở thành động lực giúp họ quyết tâm hơn. Sau nghiên cứu nhiều tư liệu và thực tế có được, nhóm nhà khoa học phát hiện giống gà đặc chủng siêu trứng của Pháp tương đối phù hợp. Giống gà này cung cấp trứng có chất lượng và kích thước phù hợp sản xuất vaccine. Sau khi khảo nghiệm, Bộ NN-PTNT cho phép nuôi và kinh doanh giống gà này tại Việt Nam. IVAC mua giống gà Pháp đưa về trang trại ở Nha Trang nuôi dưỡng. Gà giống vừa được một ngày tuổi đã lên máy bay vượt đại dương từ Pháp về Việt Nam với giá mỗi con khoảng 200.000 đồng. Nhưng do không hợp khí hậu nên gà thường bệnh và phát triển không như mong muốn. Nhóm nghiên cứu phải dành nhiều thời gian tìm hiểu rồi lên phương án nuôi đàn gà hợp lý để có kết quả tốt nhất. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, đàn gà dần ổn định và phát triển tốt theo quy trình nuôi dưỡng khép kín, được kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh, môi trường cũng như thức ăn. Sau 5 tháng chăm sóc, đàn gà bắt đầu đẻ trứng. Trứng được phân loại, những trứng có phôi (có trống) được cho vào máy ấp 11 ngày. Sau đó, các nhà nghiên cứu bắt đầu tiêm virus cúm mùa và H5N1 vào phôi trứng. Quá trình nuôi cấy mất khoảng 3 ngày, đến lúc virus phát triển bên trong túi dịch thì hút dịch chứa virus ra ngoài. Sau đó, bắt đầu tinh chế, lọc tách để lấy virus và dùng hóa chất để diệt virus. “Bản thân virus lúc này không còn khả năng gây bệnh, song vẫn giữ nguyên đặc tính ban đầu. Chúng tôi dùng sản phẩm này để bào chế sản xuất vaccine. Khi dịch cúm mùa và H5N1 xuất hiện tại Việt Nam hoặc trong khu vực, chúng tôi có thể cung cấp hàng chục triệu liều vaccine. Hiện, viện có hai nhà nuôi 14.000 con gà sạch, cung cấp 3 triệu quả trứng. Đó là trứng vàng khi cho ra đời 3 triệu liều vaccine tương ứng”, TS Dương Hữu Thái tự hào. Theo Văn Ngọc (SGGP)/Khampha.vn - 29/3/2019 Link nguồn: http://khampha.vn/suc-khoe/vaccine-made-in-viet-nam-c11a710357.html Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|