top-banner-2

Thứ sáu, 28/03/2014, 13:29 GMT+7

Nhà băng “ngơ ngác” với gói liên minh 50.000 tỷ

Viết bởi lehang   
Thứ sáu, 28/03/2014, 13:29 GMT+7

Ngày 25/3, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức họp báo giới thiệu chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản.

Một lãnh đạo của SHB phát biểu với báo chí: “Chúng tôi đâu có tham gia gói 50.000 tỷ đó đâu”...

Theo giới thiệu của VNCB: “Chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng này ra đời nhằm lưu thông hàng hóa vật liệu xây dựng, giảm tồn kho vật liệu xây dựng và bất động sản, khơi thông dòng vốn vào thị trường xây dựng và tháo gỡ khó khăn cho các dự án dở dang, hàng hóa vật liệu xây dựng được tổ chức lưu thông qua hình thức trả chậm và đối trừ, giảm tiền mặt lưu thông góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay tại các ngân hàng khác…”.

goi50000ty

Gói 50.000 tỷ đã được công bố tại cuộc họp báo hôm 25/3 do VNCB tổ chức.

Mục đích đã rõ, cách thức triển khai cũng không có gì mới, nhưng sau họp báo và thông tin đưa ra thị trường, đâu đó vẫn có sự “ngơ ngác” chưa rõ.

Thứ nhất, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng này hình thành như thế nào? Tất cả từ VNCB hay của các thành viên khác cùng tham gia liên minh, như trong giới thiệu, gồm BIDV, Vietcombank, Agribank và VietinBank?

Đến nay, tình hình tài chính của VNBC vẫn là ẩn số lớn với công chúng, ngoài báo cáo thường niên năm… 2011 và thông tin vốn điều lệ tăng mạnh từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng. Tình hình tài chính một mặt phản ánh năng lực hoạt động, sự tròn vai hay không khi chủ trì một chương trình lớn, quy mô lớn như vậy.

Dĩ nhiên, cùng VNCB còn có Tập đoàn Thiên Thanh, cũng là một đầu mối trong liên minh của chuỗi sản phẩm này.

Theo giới thiệu về chương trình, “Tập đoàn Thiên Thanh hướng tới là nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng, chủ trì xây dựng sàn kinh doanh vật liệu xây dựng - trang thiết bị trong nhà đầu tiên trên cả nước nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu vật liệu xây dựng là các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất vật liệu xây dựng trên cả nước”.

“Mô hình sàn kinh doanh vật liệu xây dựng - trang thiết bị trong nhà sẽ là giải pháp chuyên nghiệp cho việc khơi thông hàng hóa và kích cầu sản xuất ngành xây dựng, là cơ sở để tín dụng và các công cụ tài chính được sử dụng tối ưu”, VNBC giới thiệu.

Cũng là câu hỏi đáng quan tâm, vì sao lại là VNBC chủ trì, thiết lập và giới thiệu chương trình này mà không phải là những “ông lớn” nhiều kinh nghiệm và mạnh tiềm lực như Vietcombank, VietinBank, BIDV hay Agribank trong liên minh trên? Trong khi VNCB vừa phải tự tái cơ cấu và đổi tên từ Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) sau quá trình hoạt động nhiều khó khăn.

Hiện cả 4 “ông lớn” nói trên đều chưa đưa ra bất cứ thông tin liên quan nào.

Chưa hết, VNCB tiết lộ, tham gia chuỗi liên kết này còn có Ngân hàng Sài Gòn -  Hà Nội (SHB). Nhưng, một lãnh đạo của SHB nói với báo chí: “Chúng tôi đâu có tham gia gói 50.000 tỷ đó đâu. SHB chỉ tham gia sản phẩm liên kết 4 nhà do Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu thời gian qua”.

Cũng theo giới thiệu của VNCB, “hiện có nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác đang cùng thống nhất với VNCB để hợp tác tham gia chuỗi liên kết này”, gồm ACB, Sacombank, LienVietPostBank, MB, Ocean Bank…

Thế nhưng, hôm qua (27/3), trả lời báo Tiền Phong, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ocean Bank khẳng định: “Tôi cũng mới đọc thông tin gói 50.000 tỷ đồng trên báo, chưa có kế hoạch gì về gói tín dụng này. Hiện đơn vị tổ chức (VNCB - PV) đang đàm phán và chưa ký kết gì với chúng tôi”.

Như vậy, tại thời điểm này có thể khẳng định gói 50.000 tỷ đồng nói trên là có thực. Thế nhưng, đầu mối tổ chức và nhà môi giới (qua lập sàn giao dịch vật liệu, trang thiết bị cũng là một cách nói), việc liên minh liên kết giữa các ngân hàng thực tế và cụ thể như thế nào? Hiện đến cả ngân hàng được giới thiệu cũng còn “ngơ ngác” nữa là…

Tuy nhiên, mô hình sản phẩm liên kết 4 nhà nói trên cùng nguồn vốn tham gia liên quan là có thực, có mục đích hỗ trợ cho ngành xây dựng và có thể tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Chính vì vậy nó càng được chú ý và được kỳ vọng.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2/2014, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), cũng đã cho biết là cơ quan này đã nghiên cứu về sản phẩm liên kết 4 nhà như trên, qua đó để cải thiện giá trị niềm tin giữa 4 nhà, hiện được đánh giá là đang “rất yếu” - một nguyên nhân chính khiến thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan càng khó khăn.

Được biết, trong hôm nay (28/3), dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức họp với các ngân hàng thương mại tham gia, cũng như hướng đến ký kết một thỏa thuận để triển khai.

Có lẽ, ở đây, vai trò chủ trì chính xác hơn cả là Ngân hàng Nhà nước.

Theo VnEconomy


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nhà băng “ngơ ngác” với gói liên minh 50.000 tỷ

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc