top-banner-2

Thứ hai, 24/03/2014, 14:18 GMT+7

“Nghi án” hối lộ: JTC, PCI và thanh danh quốc gia

Viết bởi lehang   
Thứ hai, 24/03/2014, 14:18 GMT+7

Nếu cáo buộc “nhận hối lộ” từ ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch công ty tư vấn giao thông (JTC) của Nhật Bản được chứng minh là đúng, Việt Nam sẽ đứng trước một bê bối lớn về tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Một vụ PCI thứ hai đang thử thách quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam?...
Không chỉ lớn về giá trị, vụ việc còn nghiêm trọng bởi nó đang diễn ra không khác gì một “tiền lệ” từng bị xử nghiêm trước đó.

Ông Nguyễn Hữu Bằng, Chủ tịch - Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và ông Hirotaka Nozima - đại diện liên danh nhà thầu tư vấn JKT (có JTC tham gia) tại lễ ký hợp đồng năm 2009 - Ảnh: GTVT.

Họp khẩn

Theo tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, ngày 21/3, ông Tamio Kakinuma đã khai nhận với cơ quan chức năng nước này về việc từng chi tiền lại quả cho các quan chức nước ngoài, trong đó có Việt Nam, để đổi lại việc được tham gia các dự án ODA.

Tại Việt Nam, công ty của ông này đã “lại quả” 80 triệu Yên (hơn 16 tỷ đồng) cho một dự án đường sắt nội đô trị giá 4,2 tỷ Yên (hơn 860 tỷ đồng).

Chiều 23/3, dù đang là ngày Chủ Nhật, đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã phải chủ trì một cuộc họp khẩn để tìm hướng giải quyết sự việc này.

Bên ngoài hội trường, nơi diễn ra cuộc họp, có người nhận xét lời khai của ông Tamio Kakinuma thực sự như một cú sốc.

Chỉ mới trước đó mấy ngày, Chủ tịch nước vừa kết thúc chuyến thăm Nhật Bản, theo đó hai bên đã có thông cáo chung nhấn mạnh rằng quan hệ Việt - Nhật đã được nâng lên tầm cao mới, là đối tác chiến lược và ngày càng hợp tác toàn diện, đi vào chiều sâu.

Trong chuyến thăm này, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký với Chính phủ Việt Nam các hiệp định vốn vay ODA mới với tổng trị giá 86,425 tỷ Yên Nhật cho 4 dự án.

Trong một phản ứng khá nhanh với vụ việc, chiều 23/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với JICA và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để tiếp nhận và chia sẻ thông tin về vụ việc. Đích thân một thứ trưởng của Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Ngọc Đông sẽ làm việc với JICA và Đại sứ quán Nhật để thông tin lại cho phía bạn biết về những động thái và quyết tâm của ta trong việc sẽ kiểm tra, làm rõ thông tin.

“Nếu phát hiện cán bộ tham nhũng, tiêu cực như báo chí Nhật đã thông tin, sẽ xử lý nghiêm minh bất kể người đó là ai”, ông Thăng nói.

Như một sự tình cờ, mới tuần trước thanh tra Bộ Giao thông Vận tải vừa công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về tham nhũng, một công việc được mô tả là để thực hiện Quyết định số 347/QĐ-BGTVT ngày 5/2/2013 của Bộ trưởng Đinh La Thăng về việc phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng của Bộ Giao thông Vận tải”.

Trong bối cảnh các đại án tham nhũng vẫn đang được xử lý, sự việc này một lần nữa thử thách quyết tâm của Bộ Giao thông Vận tải nói riêng, của Chính phủ nói chung trong vấn đề chống tham nhũng.

“Bóng ma” PCI

Cho dù lời khai của ông Tamio Kakinuma còn cần được kiểm chứng và làm rõ, dĩ nhiên Việt Nam khó có thể ngồi yên và coi đó như những “tin đồn”.

13 năm trước, ông Sakano Tsuneo, 58 tuổi, Trưởng văn phòng đại diện tại Hà Nội của Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI) của Nhật Bản được giao nhiệm vụ thỏa thuận với Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây tại Tp.HCM để được nhận thầu tư vấn một phần dự án. Để việc được “trôi”, ông này và đồng sự đã đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM, kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông - Tây. Tháng 9/2010, trong phiên tòa phúc thẩm, ông Sỹ bị kết án 20 năm tù về tội "nhận hối lộ".

Nhưng vụ việc không đơn giản là một vụ án đưa và nhận hối lộ thuần túy.

Việt Nam đã trải qua quãng thời gian không mấy vui vẻ khi vào tháng 8/2008, Đại sứ Nhật Bản có công hàm gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị thực hiện ủy thác điều tra theo đề nghị của cơ quan tư pháp Nhật Bản về việc các nhân viên PCI đưa tiền hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ.

Các diễn biến pháp lý và ngoại giao sau đó diễn ra liên tục trong nhiều tháng trời, với điểm nhấn đáng kể là tháng 11/2008, bên lề hội nghị APEC, khi tiếp xúc với Thủ tướng Nhật Taro Aso, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã cam kết “Việt Nam sẽ xử lý nghiêm vụ PCI”. Tháng 12/2008, Nhật Bản tuyên bố tạm dừng cung cấp vốn ODA cho Việt Nam, một quyết định có hiệu lực cho đến ngày 23/2/2009.

Cũng cần nhắc lại một chi tiết là trong quá trình điều tra vụ PCI, phía Nhật Bản đã chuyển cho Việt Nam trên 3.000 trang tài liệu liên quan đến việc các nhân viên PCI đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ. Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) sau đó đã ký hợp đồng dịch thuật với hai công ty để dịch công chứng. Tài liệu này sau đó được Bộ Tư pháp khẳng định là phù hợp với luật tương trợ tư pháp, luật tố tụng hình sự Việt Nam, được coi là nguồn chứng cứ để xác định, đánh giá, làm sáng tỏ vụ án.

JTC có là một PCI thứ hai? Theo người viết, với áp lực lớn từ phía Nhật Bản và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng Việt Nam, sẽ không quá khó để đưa vụ việc ra ánh sáng, làm rõ các cá nhân liên quan để khẳng định quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc chống tham nhũng.

Nhiều kịch bản pháp lý và ngoại giao có thể diễn ra, trên cơ sở một tiền lệ là PCI. Nhưng tiền lệ PCI cũng cho thấy, từ lời khai ban đầu của các cá nhân người Nhật đến phiên tòa phúc thẩm, sẽ là cả một quá trình.

Một điều chắc chắn là cộng đồng quốc tế sẽ theo dõi vụ việc này. Họ muốn biết Việt Nam, hiện đang xếp thứ 116/177 nước trên thế giới về tham nhũng theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, ứng xử thế nào trước một cáo buộc nghiêm trọng, không chỉ là về trách nhiệm pháp lý của một hay một số cá nhân cụ thể, mà còn là về thanh danh quốc gia!

Theo VnEconomy


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

“Nghi án” hối lộ: JTC, PCI và thanh danh quốc gia

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc