Thuế TNDN: Giảm vẫn chưa đủ... |
Thứ ba, 26/03/2013, 10:39 GMT+7 | ||||
Theo tờ trình của Chính phủ tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập DN vừa qua, mức thuế suất phổ thông sẽ giảm từ 25% xuống 23%, bắt đầu từ năm 2014; đối với DN sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỉ đồng áp dụng thuế suất 20%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và DN chưa đồng tình với mức giảm trên... Nguồn thu sẽ không giảm khi giảm thuế TNDN xuống 20%
Theo tờ trình của Bộ Tài chính về sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN, việc giảm mức thuế thu nhập DN phổ thông từ 25% xuống 23% và áp dụng thuế suất 20% đối với DN có quy mô vừa và nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước trong năm 2014 khoảng 14.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, những tính toán của Bộ Tài chính như vậy là chưa chính xác. Bộ Tài chính tính toán trên cơ sở DN không phát triển mà giữ nguyên số lượng DN và lợi nhuận như hiện nay. Thực tế, từ năm 2009 đến nay, loại thuế này đã được giảm từ mức 33% xuống mức 28% và 25%, nhưng thu ngân sách từ thuế thu nhập DN vẫn liên tục tăng. Năm 2009, thu ngân sách từ thuế thu nhập DN đạt 52.191 tỉ đồng, và liên tục tăng trong năm 2010 đạt 82.000 tỉ đồng, năm 2011 đạt khoảng 97.000 tỉ đồng. Đến năm 2012 thì đạt khoảng 107.000 tỉ đồng. Như vậy, thuế suất giảm nhưng thu sách vẫn giữ được nhịp tăng trưởng. Với đà tăng trưởng như vậy, tôi tin rằng giảm thuế xuống 20% cho tất cả các loại hình DN, nguồn thu sẽ vẫn không giảm. Giảm thuế suất nhưng thu đúng, thủ đủ sẽ tạo động lực cho các DN đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Tình hình sổ sách kế toán của DN cũng sẽ minh bạch hơn, đặc biệt là khu vực DNVVN. Tuy nhiên cùng với việc giảm thuế thu nhập DN, nhiều chính sách hỗ trợ khác đối với DN cũng phải đẩy nhanh và mạnh hơn nữa. Nhưng khoản chi không chính thức, nhưng chi phí về thủ tục hành chính đối với DN phải được giảm xuống. Tình trạng tham nhũng và không công bằng phải được hạn chế. Làm sao phải tăng lòng tin của DN đối với chính quyền địa phương và các cơ quan quản lí. Những biện pháp này phải làm đồng thời và mang hiểu quả tích cực thì hiệu ứng của việc giảm thuế thu nhập DN mới đạt kết quả. Mong chờ giảm 10- 15% đối với DN sử dụng nhiều lao động
Thời gian gần đây, số DN phá sản đã tăng lên rất cao, điều này sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách dài hạn. Hơn nữa, do có nhiều chi phí thật trong quá trình kinh doanh của DN không được thừa nhận cùng với việc phải chịu những chi phí cao hơn so với DN ngoại và nhiều chi phí khác không chính thức mà mức thuế thu nhập DN thực phải đóng hiện cao hơn 30% thu nhập thực của DN. Ngay cả khi mức thuế thu nhập DN được giảm xuống chính thức là 20% thì con số thực vẫn cao hơn 25% thu nhập thực có của DN hiện nay. Vì thế, chúng ta nên sử dụng giải pháp về thuế để động viên thị trường và kích thích sự ra đời của DN. Khi giảm xuống mức mới, số lượng của DN ra đời là rất là lớn, DN ra đời nhiều hơn sẽ tạo điều kiện để tăng thu NSNN và điều này thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, xét trên bối cảnh nền kinh tế khó khăn, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ, cộng thêm các loại thuế đất, mặt bằng, thuế phi nông nghiệp, chi phí điện, nước, tiền lương công nhân ngày càng tăng, tiền nợ khó đòi... thì nhà nước cần có những điều chỉnh xuống thấp hơn 20% để cho DN dễ thở hơn. Đồng thời ở những vùng mà kinh tế còn khó khăn và DN sử dụng nhiều lao động, nhà nước cần ưu đãi xuống mức thuế từ 10-15% là hợp lý. Theo tôi, sự cần thiết nhất không phải là vấn đề giảm thuế để sợ thâm hụt ngân sách, mà chúng ta nên giảm ở mức bao nhiêu và trong hoàn cảnh, DN cụ thể nào mới là quan trọng. Tôi cũng thấy các chính sách thuế, phí hiện nay của Nhà nước cũng đừng nên “tận thu” quá mức, nhất là khi sức của DN đang chẳng “mạnh khỏe” gì. Nếu siết chặt quá, Nhà nước có thể bị thất thu vì DN sẽ tìm đủ mọi cách để lách thuế, cũng chẳng nuôi dưỡng được nguồn thu vì DN cũng chẳng còn tiềm năng phát triển sản xuất... Giám thuế TNDN, tăng thuế VAT
Mức giảm thuế TNDN từ 25% xuống 23% là tốt, nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, mức giảm này nếu nhìn vào thực trạng kinh doanh hiện nay lại không có nhiều ý nghĩa với DN, chẳng hạn một DN có mức lợi nhuận 100 tỉ, việc đóng thuế TNDN từ 25 tỉ xuống còn 23 tỉ thực sự không có nhiều tác động. Con số này chỉ có ý nghĩa với các DN lớn, DN lãi hàng ngàn tỉ đồng/năm, chẳng hạn như DN trong lĩnh vực ngân hàng, dầu khí, viễn thông… lãi “khủng” hàng ngàn tỉ đồng thì mới có ý nghĩa, còn những DN thực sự khó khăn, làm ăn không có lãi thì lại không được thụ hưởng nhiều từ việc giảm thuế này. Ngay bản thân ở TCty chúng tôi, lợi nhuận hằng năm vào khoảng 300 tỉ, nếu theo quy định cũ là phải nộp 25% là khoảng 75 tỉ đồng, nếu giảm 2% xuống còn 23% sẽ còn khoảng 69 tỉ đồng, tức là giảm được khoảng 6 tỉ so với trước. Với một DN có hàng chục ngàn nhân công mà chỉ giảm được khoảng 6 tỉ/năm thì số lượng đó không có nhiều tác động tới DN. Có thể nói, việc giảm thuế TNDN thực chất là đánh thuế ở các đơn vị có lãi, nhưng thực tế DN có lãi hiện nay không nhiều nên tác dụng rất ít. Còn ở góc độ rộng hơn, ngay ở tỉnh Hưng Yên, nhóm DN có thu nhập chịu thuế cũng rất ít, trong khoảng 3.000 DN của Hưng Yên, số DN có thu nhập chịu thuế chỉ vào khoảng 20-30 DN, chủ yếu là thu thuế VAT và thuế nhập khẩu. Còn đối với các DNNVV trong lĩnh vực dệt may có số lượng nhân công dưới 200 người và mức tổng doanh thu dưới 20 tỉ/năm được áp dụng thuế suất 20% lại không nhiều. Do vậy, quan điểm của tôi là giảm thuế TNDN đồng đều đối với tất cả loại hình DN. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích DN và Nhà nước, nên tăng thuế VAT. Hiện nay trên thế giới, VAT đang có xu hướng tăng, ví dụ Trung Quốc thuế VAT là 18%, châu Âu lên tới hơn 20%. Mức giảm chưa hợp lý
Các thông tin về miễn giảm thuế vào thời điểm này là một tín hiệu tốt cho DN, tuy nhiên, việc giảm bao nhiêu thì cần phải có tính toán để đảm bảo nó thực sự hữu ích và có tác động tích cực đến DN. Bởi thực tế cho thấy, năm 2011 và năm 2012, số lượng DN hoạt động hiệu quả và có lãi rất ít. Tôi cho rằng việc giảm từ 25 xuống 23% như dự thảo là chưa hợp lý và sẽ khó có tác động tích cực đến các DN. Bởi hiện nay, DN không chỉ đối mặt với những khó khăn của thị trường mà các loại thuế, phí đều có xu hướng gia tăng như tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội (tăng do mức lương tối thiểu tăng)... Mặc khác, việc để đến năm 2014 mới triển khai là quá trễ. Ngay từ kỳ họp Quốc hội trước, tôi đã đề xuất giảm thuế thu nhập DN xuống mức 20% và cho áp dụng ngay. Phản ứng chính sách càng nhanh thì sự phục hồi của DN và nền kinh tế càng sớm. Ở góc độ DN, tôi cho rằng giảm thuế thu nhập DN không phải là cây đũa thần bởi giảm thuế thu nhập DN không có nghĩa là DN phục hồi được ngay. Nó chỉ thực sự phát huy hiệu quả trong ngắn hạn đối với các DN đang làm ăn có hiệu quả. Vì vậy, bên cạnh giải pháp giảm thuế, cần có thêm các giải pháp hỗ trợ thị trường tăng sức mua bằng việc giảm thuế VAT xuống 5%. Vấn đề này tôi cũng đã kiến nghị tại kỳ họp trước. Mặt khác, DN cũng cần phải chủ động nỗ lực phát huy nội lực hơn nữa để có thể hấp thụ và phát huy tốt các chính sách của Chính phủ trong thời gian tới. Theo tôi, nếu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập DN được thông qua tại kỳ họp tới thì nên cho áp dụng ngay để DN có thể tích lũy, đầu tư thêm, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu.
Việc để đến năm 2014 mới triển khai giảm thuế là quá trễ. Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|