Bình đẳng cho mọi thành phần |
Thứ sáu, 22/03/2013, 12:35 GMT+7 |
Doanh nhân cần được đặt trong liên minh “công – nông – trí – doanh” tại Hiến pháp sửa đổi. Đây là đòi hỏi đang được nhiều đại diện cho đội ngũ doanh nhân và chuyên gia đồng tình. Tại Điều 2 dự thảo quy định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức…”. Như vậy, đội ngũ doanh nhân được coi là tiên phong trong giai đoạn phát triển kinh tế đất nước hiện nay lại chưa được nhắc đến một cách cụ thể. Cần ghi rõ vị trí đội ngũ doanh nhân Mặc dù, có ý kiến cho rằng, chỉ cần ghi liên minh công, nông, trí và các thành phần khác là đủ. Tuy nhiên, đội ngũ doanh nhân đã được hình thành và phát triển cũng như có những đóng góp rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay vì vậy cụm từ “cùng các thành phần khác” chưa nói đủ vai trò của đội ngũ này. Theo ông Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch VCCI, việc xác định liên minh các thành phần giai cấp làm nền tảng cho việc nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước. Do đó, nên cân nhắc bổ sung đội ngũ doanh nhân vào liên minh công – nông – trí – doanh. Ông Túc lý giải, sau hơn hai thập kỷ đổi mới, đội ngũ doanh nhân nước ta đã dần được hình thành và trưởng thành, đóng góp cùng các giai tầng khác trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đội ngũ doanh nhân cũng đóng vai trò quan trọng vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng mà Đảng và Nhà nước ta khởi xướng. Việc bổ sung đội ngũ doanh nhân vào liên minh này phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với việc phát triển và tăng cường vai trò của đội ngũ doanh nhân thể hiện trong Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc này cũng phù hợp với quan điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tiếp theo việc công nhận nguyên tắc “các thành phần kinh tế cùng hoạt động và cạnh tranh bình đẳng”, tại Điều 54 của dự thảo Hiến pháp. Việc công nhận liên minh “công – nông – trí – doanh” sẽ là những tiền đề quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Quyền phúc quyết của doanh nhân Hiến pháp là nền tảng cho các đạo luật khác tuân theo. Chính vì vậy, mỗi câu từ trong Hiến pháp sửa đổi sẽ là tiền đề cho các luật khác. Một số ý kiến DN đưa ra, với những câu từ quan trọng quyết định vai trò của bộ phận trong xã hội tại Hiến pháp sửa đổi, Ban soạn thảo có thể tổ chức trưng cầu ý kiến thì sẽ chuẩn xác hơn. Việc trưng cầu ý kiến cũng phù hợp với quyền phúc quyết các vấn đề trọng đại của quốc gia trong Hiến pháp hiện hành. Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn cho rằng, Hiến pháp được coi là bản “khế ước xã hội” - bản cam kết giữa dân với nhà nước về những quyền và nghĩa vụ được phân định và của tất cả mọi người với nhau, qua đó ràng buộc nhà nước và ràng buộc dân về các quyền và nghĩa vụ. Vì lẽ đó, dân là người thông qua, quyết định Hiến pháp, cũng tức là dân có quyền phúc quyết đối với Hiến pháp, chứ không phải là Quốc hội thông qua Hiến pháp rồi dân là người thực hiện. Là công dân, doanh nhân đương nhiên cần được bảo đảm quyền này. Do đó, cần sửa lại Điều 74 Dự thảo sửa Hiến pháp: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp” theo nguyên lý Hiến pháp là do dân làm ra và quyết định; dân là chủ thể của quyền lập hiến, việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp là cần thiết phải được thực hiện, không nên để Quốc hội quyết định. Về nguyên tắc, kinh tế thị trường đòi hỏi tôn trọng ba quyền tự do của dân: tự do sở hữu, tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh. Cũng theo ông Tuấn, nhà nước phải cam kết tôn trọng ba quyền tự do ấy. Điều 34 Dự thảo quy định “1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh. 2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh” và Điều 56 Dự thảo quy định “1. Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. 2. Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. 3. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa…”. Hơn nữa, nhà nước cần công khai và minh bạch trong quản lí để người dân và DN được thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước. Ông Đỗ Văn Vẻ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Phó TGĐ Cty CP nhập khẩu Hương Sen cho rằng, cơ quan nhà nước cần thực hiện tranh luận công khai, bình đẳng và giải trình đầy đủ khi còn những ý kiến khác nhau, tránh áp đặt những quy định thuận tiện cho cơ quan quản lý, gây khó cho DN. ( Theo dddn.com.vn)
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|