Những chính sách, quy định có hiệu lực từ 1/1/2015 |
Thứ năm, 01/01/2015, 10:53 GMT+7 |
Lương tối thiểu vùng tăng, chủ ôtô không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt, mang thai hộ được cấp phép... là những quy định có hiệu từ 1/1/2015. Tăng lương tối thiểu vùng Nghị định được Chính phủ ban hành hồi tháng 11 cho phép lương tối thiểu vùng năm 2015 cao hơn mức hiện hành 250.000-400.000 đồng mỗi tháng. Cụ thể, lương tối thiểu của lao động tại vùng I sẽ là 3,1 triệu đồng, vùng II 2,75 triệu đồng, vùng III 2,4 triệu đồng và vùng IV là 2,15 triệu đồng. Chính sách này được áp dụng với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng. Phạt chủ xe ôtô không sang tên đổi chủ Theo Nghị định 171/2013, thay thế Nghị định 71 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, từ 1/1/2015, chủ xe ôtô các loại khi mua, được tặng, thừa kế... mà không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng với cá nhân, 2-4 triệu đồng với tổ chức. Mức phạt này đã được thay đổi thấp hơn với Nghị định 71 trước đó hơn một nửa. Chủ xe ôtô các loại khi mua, được tặng cho, được thừa kế… mà không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt. Ảnh; Sơn Dương. Tuy nhiên, CSGT chỉ được xử phạt chủ phương tiện không sang tên đổi chủ qua công tác đăng ký, giải quyết tai nạn giao thông chứ không được kiểm tra xử lý lỗi này với các chủ phương tiện đang lưu thông trên đường. Thêm quyền lợi cho người đóng BHYT Nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ được nâng mức hưởng BHYT. Cụ thể, thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng hoặc người có công nuôi dưỡng hay con của liệt sĩ được hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB); các thân nhân khác của người có công với cách mạng được nâng mức hưởng từ 80% lên 95%. Nhóm tiếp theo là người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ được nâng từ 95% lên 100%; nhóm thuộc hộ cận nghèo được nâng từ 80% lên 95%. Ngoài ra, Luật Bảo hiểm y tế còn bổ sung đối tượng tham gia BHYT được bảo hiểm xã hội đóng phí là người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản. "Mức phạt" cũng tăng gấp đôi với cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động không đóng hoặc đóng bảo hiểm không đầy đủ. Những người ngày sẽ bị buộc phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng. Cho phép mang thai hộ Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi, chính thức được Quốc hội thông qua cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo từ 1/1/2015. Tuy nhiên người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng bên vợ hoặc bên chồng. Luật tiếp tục không thừa nhận hôn nhân đồng tính nhưng không cấm người đồng giới kết hôn và chung sống. Luật quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên, được lập thành văn bản có công chứng và không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng bên vợ hoặc bên chồng. Ảnh minh họa. Bên nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Tương tự điều kiện với người được nhờ mang thai phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. Miễn giấy phép xây dựng một số công trình Luật Xây dựng 2014 quy định miễn giấy phép với các công trình thuộc dự án được Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư, công trình xây dựng tạm phục vụ cho công trình chính. Những công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được thẩm định và phê duyệt hoặc nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị có quy mô dưới 7 tầng, diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã phê duyệt... cũng được miễn loại giấy phép trên. Tăng mức phạt xe chở quá tải Theo Nghị định 107/2014 của Chính phủ, người điều khiển xe ôtô tải, máy kéo và các loại xe tương tự chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 7 đến 8 triệu, đồng thời phải hạ phần hàng quá tải và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng. Chủ xe ôtô để người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng quá tải sẽ bị phạt tiền 32-36 triệu đồng với tổ chức, 16-18 triệu đồng với cá nhân. Trường hợp tổng trọng lượng xe vượt tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100% cũng sẽ bị phạt với mức như trên, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng. Người điều khiển phương tiện chở quá mức quy định ngoài bị phạt tiền sẽ bị tước giấy phép lái xe trong vòng 3 tháng. Ảnh minh họa: Đức Hùng. Nhiều quy định mới về thuế Theo Luật sửa đổi các luật về thuế vừa được Quốc hội thông qua, hàng loạt chính sách với thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân sẽ thay đổi. Cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng mỗi năm không thuộc thu nhập chịu thuế. Cũng theo văn bản này, doanh nghiệp được dỡ bỏ mức trần 15% chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, hội nghị… Các doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản được áp dụng mức thuế thu nhập 15%. Giám sát chặt hoạt động ủy thác tài chính Từ đầu năm 2015, hoạt động ủy thác, nhận ủy thác cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được kiểm soát chặt chẽ, rõ ràng hơn thông qua Thông tư 30 của Ngân hàng Nhà nước. Ủy thác cho vay là việc các tổ chức tín dụng sẽ giao vốn cho một bên khác để thực hiện cho vay khách hàng. Bên ủy thác phải trả phí cho đơn vị nhận ủy thác. Một số trường hợp nằm trong "vùng cấm" ủy thác cho vay là các đối tượng không thuộc diện được cấp tín dụng; cho vay để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu; đầu tư vào dự án sản xuất kinh doanh (trừ công ty tài chính)... Bên ủy thác phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro với số dư ủy thác. Các hoạt động ủy thác ký trước ngày 1/1/2015 sẽ được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn hợp đồng và không được gia hạn. Gia hạn vay ngoại tệ với doanh nghiệp xăng dầu, xuất khẩu Thông tư 43 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/1/2015 cho phép doanh nghiệp đầu mối xăng dầu và doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu được vay ngoại tệ ngắn hạn đến hết năm 2015. Trước đó, Thông tư 29 ban hành năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định hai nhu cầu chỉ được vay đến hết ngày 31/12/2014. Theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc gia hạn này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn và các tổ chức tín dụng có điều kiện mở rộng tín dụng để thực hiện chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra. Dư nợ cho vay ngoại tệ của hai đối tượng doanh nghiệp này chiếm khoảng 30% trong tổng dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống. Ngoài hai đối tượng trên, Thông tư 43 cũng quy định các ngân hàng được xem xét cho vay ngoại tệ với nhu cầu ngắn hạn, trung và dài hạn để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa; cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Theo Vneconomy Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|