Thông tư 36: Liều thuốc 'đắng' cho ngân hàng Việt |
Thứ ba, 30/12/2014, 10:33 GMT+7 |
Thị trường chứng khoán trồi sụt, đánh mất thành quả trong cả năm 2014 chỉ trong vòng 1 tháng cuối năm gây thất vọng cho giới đầu tư. Một nguyên nhân được nhiều người nhắc tới là Thông tư 36 của NHNN với những điều khoản được cho là gây bất lợi tới TTCK. Tuy nhiên, với góc nhìn khác, Thông tư 36 chính là liều thuốc "đắng" cần thiết cho hệ thống ngân hàng đầy yếu kém, khuyết tật của Việt Nam. Đây cũng chính là quan điểm được Bộ phận phân tích CTCK SSI nêu trong báo cáo tư vấn cho các nhà đầu tư mới được phát hành. Siết sở hữu, nới cho vay Theo báo cáo bản chất của Thông tư 36 là siết chặt quản lý sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam cũng như hoạt động đầu tư của các ngân hàng; đồng thời cũng nới lỏng một vài điểm trong quản lý rủi ro đối với hoạt động của các ngân hàng trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đã ổn định và ít rủi ro hơn giai đoạn 2010 – 2012. Việc thắt chặt sở hữu chéo thông qua các quy định mới nghiêm ngặt hơn về người có liên quan đến cổ đông lớn, thành viên HĐQT, ban điều hành; cũng như hạn chế tỷ lệ sở hữu tại TCTD khác bao gồm cả sở hữu của công ty liên quan đến ngân hàng, cổ đông lớn, hội đồng quản trị, ban điều hành. Đối với hoạt động đầu tư của ngân hàng, việc siết chặt được phản ánh trong các giới hạn về đầu tư như tỷ lệ khoản đầu tư TPCP so với vốn ngắn hạn, hay hạn chế các khoản vay cho mục đích đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.. Về khía cạnh nới lỏng, Thông tư 36 cho phép ngân hàng nâng tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn từ 30% lên 60% đồng thời giảm tỷ lệ rủi ro đối với các khoản vay liên quan đến chứng khoán, bất động sản trong tính CAR từ 250% xuống 150%. Chắc chắn việc giảm tỷ lệ rủi ro đối với chứng khoán và các khoản vay liên quan bất động sản trong tính CAR từ 250% đến 150% sẽ khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Hơn nữa, nhờ CAR cao hơn vì các tài sản có tỷ lệ rủi ro thấp hơn, các ngân hàng sẽ có nhiều dư địa tín dụng để cho vay ra nền kinh tế. Kể từ tháng 4 năm 2012 đến tháng 9 năm 2014, hệ số CAR của toàn ngành giảm từ 14,55% đến 13,43%, nhưng vẫn cao hơn so với yêu cầu là 9%. 12 ngân hàng hàng đầu về quy mô tổng tài sản tính đến cuối năm 2013 tất cả đều có CAR cao hơn 9%. “Chúng tôi tin rằng quy định này là tích cực cho các ngân hàng, đặc biệt là với số lượng cao của các khoản vay bất động sản và có tỷ lệ CAR không cao như BIDV” – báo cáo viết. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR của hệ thống và 12 NHTM lớn Theo Bộ phận phân tích của SSI, sở hữu chéo gây rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng của Việt Nam, như vốn chủ sở hữu bị “thổi phồng” đe dọa an toàn cho hệ thống khi CAR của toàn hệ thống ngân hàng thấp hơn so với từng ngân hàng riêng lẻ. Thông tư mới phản ánh sự quyết tâm của NHNN trong việc quản lý chặt hoạt động cho vay với cá nhân, tổ chức đang nắm giữ, kiểm soát hoạt động của TCTD nói chung và hoạt động cho vay nói riêng. Mục đích là giảm tỷ lệ nợ xấu bởi các khoản cho vay đã được thẩm định kém chất lượng của các cổ đông lớn, nhà quản lý ngân hàng và người liên quan “ Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của NHNN trong việc giảm sở hữu chéo trong hệ thống đồng thời phá bỏ sự bóp nghẹt hoạt động cho vay tại ngân hàng của các nhà tài phiệt, những người đã sử dụng tiền vay ngân hàng này để mua cổ phần tại TCTD khác” – báo cáo viết. Những lo ngại khi thi hành Thông tư 36 Nhóm phân tích của SSI cho rằng những quy định này sẽ giúp xây dựng một nền tảng vững chắc cho các hoạt động ngân hàng trong dài hạn. Tuy nhiên, việc thi hành của Thông tư 36 mà vẫn còn gây nhiều lo ngại. Theo đó, để tuân thủ các quy định về nắm giữ tối đa cổ phần của 2 ngân hàng (trừ các ngân hàng chi nhánh của TCTD) và ít hơn 5% cổ phần tại mỗi ngân hàng, một số ngân hàng phải bán cổ phần tại ngân hàng, công ty tài chính khác dẫn đến làm tăng cung cổ phiếu trên thị trường. Như Vietcombank có thể sẽ phải bán cổ phần tại 3 TCTD và giảm tỷ lệ sở hữu tại 2 TCTD còn lại xuống dưới 5% Nguồn: Báo cáo kiểm toán 2013 của Vietcombank Ngoài ra, mục tiêu tối hậu khi hạn chế ngân hàng đầu tư là nâng cao tốc độ tăng trưởng tín dụng và cấp vốn trực tiếp cho các doanh nghiệp thay cho vay đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu. Trong ngắn hạn, điều này có thể cản trở một nguồn thu nhập cho ngân hàng vì lãi suất cho các khoản vay đầu tư và kinh doanh cổ phiếu thường cao hơn so với lãi suất cho vay trung bình. Tuy nhiên, trong dài hạn, nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng sẽ phát triển thịnh vượng từ việc vốn được hướng vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Thông tư 36 cũng gây rủi ro nhất định cho thanh khoản thị trường khi thúc đẩy các TCTD cho vay dài hạn như cho vay mua nhà, vay cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Bởi vì phần lớn các khoản tiền gửi ngân hàng là các khoản tiền gửi ngắn hạn mặc dù thanh khoản hệ thống ngân hàng đang tốt. “Việc tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, 30% lên 60%, dường như hơi nhiều và đặt ra câu hỏi về tỷ trọng thực tế của tín dụng trung và dài hạn bằng nguồn vốn ngắn hạn tại một số ngân hàng; trong bối cảnh một số khoản vay phải tái cấu trúc khi thời hạn hết hiệu lực của Quyết định 780 (1/4/2014) đang đến gần” – Nhóm phân tích đánh giá. Kể từ tháng 4/2012 đến tháng 9/ 2014, tỷ lệ trung bình của nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn là xu hướng tăng, từ 7,58% đến khoảng 19,04%. Mặc dù có sự gia tăng, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với mức trần 30% quy định tại Thông tư 15 sẽ được thay thế bởi Thông tư 36. Tuy nhiên, tại một số ngân hàng, tỷ lệ này đã gần chạm đỉnh cho phép . Tính đến cuối tháng 8 năm 2014 , tăng trưởng tính từ đầu năm cho vay lĩnh vực bất động sản là 9,85% so với tăng trưởng tín dụng bình quân 6,21%. Nhiều ngân hàng đã hoạt động tích cực trong cho vay cá nhân mua nhà cũng như các nhà phát triển bất động sản. Ví dụ như ACB, STB, VCB và BID; một số ngân hàng tích cực cho vay các dự án cơ sở hạ tầng lớn như BID, SHB, CTG và MBB. Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn từ 4/2012 - 9/2014 Hay liên quan đến quy định về giá trị thực của vốn điệu lệ tại TCTD theo Thông tư 36 được tính bằng vốn điều lệ ban đầu cộng (trừ) lợi nhuận giữ lại (lỗ) sau khi trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định. Các ngân hàng phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước với giá trị thực của vốn điều lệ trên một cơ sở bán hàng năm. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra khuôn khổ pháp lý đối với trường hợp trong đó giá trị thực có của vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm thấp hơn mức vốn pháp định. Chắc hẳn, một số ngân hàng đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng và việc lỗ lũy kế tại những TCTD này sẽ làm giảm vốn điều lệ. Theo ndh.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|