top-banner-2

Thứ tư, 19/02/2014, 16:00 GMT+7

Bán DNNN lấy tiền xây sân bay Long Thành

Thứ tư, 19/02/2014, 16:00 GMT+7

Tại Hội nghị triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, sẽ cổ phần hóa một công ty con của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) để thu tiền làm vốn đối ứng đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Huy động 1,4 tỷ từ cổ phần hóa

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, hiện giai đoạn đầu của dự án sân bay Long Thành đang cần 7 tỷ USD. Trong đó, riêng vốn đối ứng ACV bỏ ra chiếm 20%, tương đương khoảng 1,4 tỷ USD, số tiền này được đánh giá là khó huy động nếu không cổ phần hóa ACV.

Đây là một trong những kế hoạch của nhiệm vụ cổ phần hóa 42 tổng công ty, DNNN còn lại trực thuộc Bộ GTVT được Bộ trưởng Thăng cho hay. Ông cho biết, cổ phần hóa tổng công ty Cảng hàng không VN để đổi mới cơ chế quản lý DN.

Bộ trưởng cho hay, công suất cảng Tân Sơn Nhất khai thác đã đạt vượt quá chỉ số dự tính nên nhu cầu đầu tư cảng quốc tế Long Thành rất cần thiết và gấp rút.

Vietnamnet dẫn lời Bộ trưởng Thăng cho biết: "Vấn đề là tiền ở đâu và nếu trình Quốc hội thông qua chủ trương này chắc chắn sẽ hỏi tiền đâu để đầu tư, có làm tăng nợ công không….? Cho nên cổ phần hóa một công ty con của tổng công ty cảng hàng không để lấy tiền làm vốn đối ứng đầu tư cảng Long Thành là cần thiết".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng cũng thừa nhận chưa có tính toán cụ thể về số tiền thu được từ chào bán trên 25% cổ phần của ACV trong năm nay (nếu được Thủ tướng chấp thuận), bởi hiện quá trình định giá vẫn chưa hoàn tất.

Báo cáo cổ phần hóa của ACV gửi Bộ Giao thông vận tải cuối năm 2013 cho biết tổng tài sản của công ty mẹ đạt 30.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với năm 2012. Vốn điều lệ năm 2013 của ACV xấp xỉ 14.700 tỷ đồng, trong khi doanh thu và lãi trước thuế lần lượt đạt hơn 8.400 tỷ và 1.350 tỷ đồng.

Phối cảnh mặt dựng phía sân đỗ máy bay sân bay quốc tế Long Thành

Phối cảnh mặt dựng phía sân đỗ máy bay sân bay quốc tế Long Thành

Báo SGTT đưa tin, trong văn bản kiến nghị lên Thủ tướng cho phéo cổ phần hóa ACV để huy động nguồn lực xây dựng sân bay Long Thành, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cho biết, việc cổ phần hoá có thể được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của quá trình huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho dự án sân bay Long Thành.

“Để thực hiện các dự án nói trên đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi nguồn vốn cấp từ ngân sách rất hạn hẹp. Do vậy, để huy động được các nguồn lực thì việc cổ phần hoá công ty mẹ nhằm thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác là cần thiết”, Bộ trưởng Đinh La Thăng lý giải.

Trước đó, ngày 30/12/2013, ACV đã có công văn xin cổ phần hoá và ban cán sự Đảng của bộ Giao thông cũng có nghị quyết về vấn đề này.

Giữ chi phối chỉ đổi mới nửa vời

Cả Chủ tịch, Tổng giám đốc của tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 (thuộc Bộ GTVT) đã bị cách chức do không hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa mà lãnh đạo Bộ yêu cầu, được chuyển sang làm việc khác. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng 'chia sẻ' câu chuyện cổ phần hóa DNN tại hội nghị.

Không phải lời đe dọa nào vu vơ, ông Thăng đã làm thật đúng như tinh thần 'không thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa theo đúng mục tiêu đề ra thì lãnh đạo sẽ bị cách chức'.

'Phải quyết liệt' - Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh. "Cổ phàn hóa có khó không? Qua thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp, tái cơ cấu chúng tôi thấy không khó. Cổ phần hóa đơn giản. Vấn đề lãnh đạo Bộ, DN muốn không, nếu Bộ quyết tâm làm, DN quyết tâm làm thì sẽ thược hiện được cổ phần hóa. Dù khó đến mấy cũng làm được" - ông nói.

Thực tiễn trong 3 năm qua, Bộ này đã cổ phần hóa 52/94 DN. Với 42 DN còn lại, Bộ trưởng Thăng khẳng định sẽ cổ phần hóa tất cả, trừ 3 tổng công ty công ích (tổng công ty đảm bảo an toàn hàng không, 2 tổng công ty đảm bảo an toàn hàng hải). Riêng trong quý 1 của năm nayy sẽ hoàn thành cổ phần hóa 10 tổng công ty, riêng Vietnam Airlines sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong quý 2.

Theo Bộ trưởng GTVT, trong điều kiện thị trường khó khăn, để cổ phần hóa thành công, tìm được nhà đầu tư chiến lược để thỏa thuận bán cổ phần trước khi thực hiện IPO chiếm 99% thành công. Ông tự tin về lộ trình cổ phần hóa các tổng công ty, DN của Bộ do hầu hết đã tìm được nhà đầu tư chiến lược.

Thậm chí trường hợp như Tổng công ty xây dựng đường thủy được Thủ tướng chỉ đạo giải thể nhưng trong nhiều năm trước không thể giải thể nổi, đơn khiếu kiện 'tăng trưởng' năm sau cao hơn năm trước. Nhưng sau khi lành mạnh hóa tài chính, tiềm năng, thế mạnh, tổng công ty này hiện đã được nhà đầu tư chiến lược 'để mắt', thậm chí 'tranh nhau mua, rất hấp dẫn' như ông Thăng nói.

Một vấn đề được Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh đó là những DNNN mà nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối phải dứt khoát không giữ chi phối.

"Cổ phần hóa vẫn giữ chi phối chỉ là cổ phần hóa nửa vời" - ông Thăng cho rằng những DN vẫn muốn Nhà nước chi phối là vì những ông Chủ tịch, Tổng giám đốc sợ sẽ mất chức. Vì nếu khi nhà nước không chi phối, đại hội cổ đông, cổ đông sẽ đánh giá năng lực của nhà lãnh đạo, tốt bầu, kém bỏ.

Ông mong muốn với những trường hợp có vẻ bấp bênh, không chắc chắn thì đề nghị cổ phần trên 51%. Như các DNNN không cần giữ chi phối, nhất là những DN xây lắp, trong đó có các DN của Bộ GTVT không nhất thiết, thậm chí có thể là 0%, không cần giữ chi phối. Tiền thu về để tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tạo ra thị trường cho các DN xây lắp, DN giao thông có việc làm...

"Lãnh đạo Bộ xác định, cổ phần hóa là con đường tất yếu và duy nhất để đổi mới quản trị DN và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Khi thực hiện cổ phần hóa rồi thì vai trò quản lý nhà nước cũng đỡ đau đầu hơn. Còn nhiều DNNN thì còn nhiều đau đầu vì không biết ở dưới các DN làm ăn thế nào, xảy ra chỗ nào là nguy hiểm chỗ đó. Cho nên, khi có sự giám sát của các cổ đông và nhà nước không giữ cổ phần chi phối thì sự tập trung quản lý, tạo thể chế, chính sách, tạo thị trường cho các DN tốt hơn" - Bộ trưởng phát biểu.

Tránh thu tiền về một rọ

Tham gia ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo băn khoăn về hiệu quả sử dụng tiền thu về từ cổ phần hóa. Ông kiến nghị tiền thu được từ cổ phần hóa để trả cho các lao động dôi dư. Bởi thu về, giữ lại thì DN không còn tài chính.

Về sáp nhập một số DN, ông Thảo cũng cho hay, phần lớn các DN khi vào sát nhập muốn cổ phần hóa trước khi sát nhập. Người lao động rất lo lắng nếu sát nhập xong mới cổ phần hóa, vì họ không biết còn được tiếp tục làm việc ở đó không. 'Đây là quan ngại của người lao động hơn là giám đốc. Nếu làm được, giúp quá trình cổ phần hóa nhanh hơn' - ông Thảo nêu ý kiến.

Ông cũng cho hay chuyển giao số tiền từ cổ phần hóa DN sẽ tạo nguồn lực tiếp tục quá trình tái cơ cấu DNNN. Tiền thu được từ bán phần vốn của nhà nước của các DN nên để lại theo đề án phê duyệt để tái cơ cấu DN.

"Hiện đang quy định thu về trên, song để thực hiện đúng mục đích làm DN lành mạnh, nâng cao hiệu quả kinh doanh thì chính là đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị, kinh doanh thì nguồn vốn đó phải nên thoái vốn rồi để ngay lại cho các tổng công ty, DN đó thì hơn. Tránh việc thu về một rọ, rồi phân bổ xuống thì rất hành chính"- Chủ tịch Hà nội nói.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay, nnững kiến nghị của Hà nội cơ bản đã được giải quyết cả về kiểm toán, công nợ, lao động dôi dư. Vấn đề thoái vốn ở các đơn vị thua lỗ cũng sẽ có quy định giải quyết sắp tới.

Nhật Bản xem xét cấp vốn ODA xây sân bay

Vừa qua, ông Yakabe Yoshinori, Phó Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự án Sân bay Quốc tế Long Thành đang được Chính phủ Nhật Bản xem xét cấp vốn ODA theo đề nghị của Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù cho biết Chính phủ Nhật đang xem xét cấp vốn ODA xây dựng sân bay Long Thành nhưng, phía Nhật Bản vẫn còn băn khoăn về một số ý kiến phản đối việc xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành và đề nghị mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất hoặc mở rộng Sân bay Biên Hòa.

Trả lời thắc mắc của đoàn Lãnh sự Nhật Bản, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh khẳng định việc đầu tư Sân bay Quốc tế Long Thành là phương án tốt nhất, nếu xét về góc độ giải phóng mặt bằng, vì khu vực này ít dân cư, ít gây tốn kém hơn so với Sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hòa. Đồng thời, việc kết nối Sân bay Quốc tế Long Thành với giao thông sẽ thuận lợi hơn, đáp ứng được nhu cầu phát triển của khu vực.

Trước đó mặc dù vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc xây dựng sân bay Long Thành là không cần thiết và không khả thi về tài chính, lo ngại số tiền đầu tư quá lớn và gây lãng phí, tạo áp lực lên nợ công quốc gia, Thủ tướng Chính phủ vẫn khẳng định cần thiết phải xây dựng sân bay Long Thành để bổ sung và dần thay thế.

Theo lý giải của Thủ tướng, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để nâng công suất lên 30-40 triệu hành khách/năm rất tốn kém và không khả thi.

Thủ tướng cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất có công suất tối đa khoảng 25 triệu hành khách/năm, nằm trong trung tâm thành phố, mật độ dân số cao, quỹ đất dành cho phát triển mở rộng sân bay không còn, không có hệ thống giao thông tiếp cận tương ứng, không thể xây dựng thêm đường cất hạ cánh theo giãn cách tối thiểu ICAO quy định (1.340 m). Do đó, việc mở rộng để nâng công suất lên 30-40 triệu hành khách/năm rất tốn kém và không khả thi.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giao thông qua cửa ngõ TP.HCM ngày càng tăng bổ sung cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khi quá tải.

Tổng hợp từ Vietnamnet và Baodatviet


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Bán DNNN lấy tiền xây sân bay Long Thành

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc