top-banner-2

Thứ ba, 26/06/2018, 09:31 GMT+7

Những điểm đáng chú ý tại phiên xử ông Đinh La Thăng vụ PVN mất 800 tỉ

Viết bởi Nam Anh   
Thứ ba, 26/06/2018, 09:31 GMT+7

Cho rằng không có tình tiết mới, VKS đề nghị bác kháng cáo, cần giữ nguyên như bản án sơ thẩm đối với bị cáo Đinh La Thăng.

Chiều 26/6, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ tuyên án đối với bị cáo Đinh La Thăng – cựu Chủ tịch HĐTV/HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và đồng phạm trong vụ án PVN góp vốn 800 tỉ vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).

dinh-la-thang-vhdn

Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm.

Trong vụ án này có 7 bị cáo có đơn kháng cáo. Tuy nhiên, trong phần làm thủ tục tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – cựu Phó TGĐ Oceanbank bất ngờ rút đơn kháng cáo về hình sự và dân sự với tư cách bị cáo; chỉ giữ nguyên kháng cáo với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Bác kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng

Viện KSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng, việc áp dụng pháp luật của toà cấp sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật và không oan với tất cả các bị cáo. Tòa sơ thẩm buộc bị cáo Thăng bồi thường 600 tỉ đồng cho PVN, 6 bị cáo còn lại liên đới bồi thường 200 tỉ đồng là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về việc người gây ra thiệt hại phải sửa chữa, bồi thường phần thiệt hại đó.

Đánh giá về hành vi của từng bị cáo, đại diện VKS cho rằng, cuối năm 2008 khi ông Đinh La Thăng quyết định ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) để PVN góp 800 tỉ đồng đã không thông qua HĐQT PVN. Các bị cáo đã mắc nhiều sai phạm như: không xin phép Thủ tướng, không thực hiện yêu cầu của bộ ngành liên quan, để PVN nắm giữ tỷ lệ cổ phần Oceanbank vượt mức quy định…

VKS đánh giá trong 3 lần góp vốn, bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm làm trái ý kiến của Chính phủ có tính hệ thống. Việc các bị cáo báo cáo Chính phủ xin chủ trương chỉ mang tính thủ tục, thể hiện việc góp vốn của các bị cáo rất bàng quan với thực trạng của OceanBank.

Do năng lực yếu kém của Oceanbank và những hành vi vi phạm của Hà Văn Thắm, ngân hàng này đã bị thua lỗ nghiêm trọng không còn giá trị vốn của chủ sở hữu dẫn đến toàn bộ số tiền 800 tỉ đồng vốn góp của PVN tại Oceanbank đã bị mất hoàn toàn, buộc Ngân hàng  Nhà nước phải mua 0 đồng để khắc phục hậu quả ngân hàng này gây ra, ổn định kinh tế vĩ mô…

Trong vụ án này, bị cáo Thăng giữ vai trò chính, đưa ra chủ trương cố ý làm trái đồng thời chỉ đạo các bị cáo khác phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn. Theo VKS, án sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đúng pháp luật, trong đó có xem xét những đóng góp của bị cáo cho xã hội, ghi nhận nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, được tặng nhiều danh hiệu cao quý.

Cho rằng tại phiên xử phúc thẩm không có tình tiết giảm nhẹ mới, cơ quan giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng, cần giữ nguyên mức án cấp sơ thẩm đã tuyên là 18 năm tù.

Trong khi đó, tại phần xét hỏi và tranh luận, cựu Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng cho rằng bản thân không cố ý làm trái, không có tội. Bị cáo trình bày, việc góp vốn đầu tư vào Oceanbank là giải pháp tình thế, giải quyết hệ lụy việc thay đổi chính sách của Chính phủ. Để giải quyết hệ lụy, PVN đã tìm đối tác đầu tư và Oceanbank đã đồng ý nên PVN đã đầu tư đúng chủ trương, đúng pháp luật và hiệu quả đầu tư đã được khẳng định.

Vẫn theo bị cáo Thăng, bản án sơ thẩm đã bỏ qua các chứng cứ, lập luận của luật sư bào chữa cho mình; không xem xét đến việc PVN muốn thoái vốn; PVN đã tìm được đối tác và Oceanbank đồng ý, nhưng sau đó Chính phủ không cho thoái vốn, dù trước đó đã 2 lần đồng ý. Việc NHNN mua 0 đồng cũng không được xem xét.

Bản án sơ thẩm cũng phủ nhận thực tế hiệu quả góp vốn. Thực tế PVN được nhận cổ tức 244 tỉ đồng từ Oceanbank và PVN đã sử dụng chính nguồn cổ tức này để góp 100 tỉ đồng vốn điều lệ vào Oceanbank ở lần góp vốn thứ 3.

Về bồi thường dân sự, bị cáo này phủ nhận trách nhiệm khi cho rằng đã chuyển công tác từ tháng 8/2011, trách nhiệm bảo toàn vốn lúc đó đã hoàn thành bởi vẫn được Oceanbank trả cổ tức. Bị cáo Thăng nói không thể chịu trách nhiệm hình sự và dân sự về những hậu quả xảy ra đối với PVN ở thời gian sau đó.

Phạm tội vì không kiềm chế được lòng tham

Là người bị tòa sơ thẩm tuyên phạt tổng hợp 23 năm tù đối với 2 tội danh Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN) cũng bị VKS đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo vì cho rằng không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

VKS nhận định, bị cáo Quỳnh có vai trò quan trọng trong vụ án, chỉ sau ông Thăng; mức án sơ thẩm tuyên cơ bản phù hợp, không oan. Đặc biệt, bị cáo này đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn (20 tỉ đồng) xâm phạm quyền lợi ích nhà nước, tính thanh liêm cán bộ và mức án 17 năm tù đối với tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là "dưới khung hình phạt truy tố" do tòa sơ thẩm đã xét đến nhiều yếu tố giảm nhẹ.

Tại phiên phúc thẩm, gia đình bị cáo Quỳnh đã khắc phục 200 triệu đồng, song so với số tiền bị cáo phải khắc phục là không đáng kể nên không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt.

Trong lời nói sau cùng, cựu Kế toán trưởng PVN cho biết lúc bị bắt đã rất ăn năn hối cải, hành vi phạm tội một phần do yếu kém chuyên môn, tin tưởng lãnh đạo và một điều xấu hổ đã không kiềm chế được lòng tham khi nhận tiền bất chính, đi ngược truyền thống gia đình. Bị cáo nói bản thân đang mang bệnh nên mong HĐXX cân nhắc mức án để có cơ hội chữa bệnh, được trở về với gia đình.

nhung diem dang chu y tai phien xu ong dinh la thang vu pvn mat 800 ti hinh 3

Bị cáo Nguyễn Thanh Liêm – cựu thành viên Hội đồng thành viên PVN.

Với bị cáo Vũ Khánh Trường (cấp sơ thẩm tuyên án 5 năm tù, buộc bồi thường 40 tỉ đồng), đại diện VKS cho rằng bị cáo thực hiện hành vi đồng phạm, gây hậu quả đặc biệt lớn 400 tỷ đồng cho PVN. Tuy vậy, ở lần góp vốn thứ 2 số tiền 300 tỷ thì bị cáo chỉ là thành viên, việc ký chỉ theo ủy quyền của bị cáo Đinh La Thăng. Bị cáo Trường không phụ trách tài chính kế toán nên nhận thức về vấn đề này có mức độ. Vì thế về vai trò bị cáo Trường thấp hơn vai trò của Đinh La Thăng, Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Sơn.  

Xét thấy bị cáo thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội, ghi nhận nhân thân tốt, bản thân có nhiều đóng góp trong quá trình công tác, VKS nhận định cấp sơ thẩm cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ là phù hợp. “Tuy nhiên, việc tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 5 năm tù trong khi phạt Nguyễn Xuân Sơn 30 tháng tù là chưa phù hợp” – đại diện cơ quan công tố nêu rõ.

Với các bị cáo còn lại, đại diện VKS cho rằng, tại cơ quan điều tra, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đã thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, có nhiều đóng góp trong ngành dầu khí, việc cấp sơ thẩm cho hưởng tình tiết giảm nhẹ phù hợp, song mức án 15-20 tháng cải tạo không giam giữ có phần nhẹ. Hơn nữa tại phiên tòa phúc thẩm lần này không có tình tiết mới nên không có cơ sở giảm án.

Theo Đức Minh - vov.vn - 26/06/2018

Link nguồn: https://vov.vn/vu-an/nhung-diem-dang-chu-y-tai-phien-xu-ong-dinh-la-thang-vu-pvn-mat-800-ti-779269.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Những điểm đáng chú ý tại phiên xử ông Đinh La Thăng vụ PVN mất 800 tỉ

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc