top-banner-2

Thứ hai, 05/11/2018, 16:40 GMT+7

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Thứ hai, 05/11/2018, 16:40 GMT+7

Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng phải được giữ bí mật, phạt 200 triệu khi bán hàng đa cấp bất chính, trường mầm non ở thành phố diện tích tối thiểu 8 m2/trẻ... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 11.

Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng phải được giữ bí mật

Có hiệu lực từ 1/11, Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định chặt chẽ về việc bảo vệ bí mật, thông tin khách hàng tại các ngân hàng.

Theo đó, ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin khách hàng trong hai trường hợp: Tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng được quy định tại Bộ luật, Luật, Nghị quyết của Quốc hội hoặc có sự chấp thuận của khách hàng.

chinh-sach-moi-thang11

Ảnh minh họa.

Ngân hàng không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng (mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập…) cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin.

Lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa

Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/11/2018. Theo đó, người bán hàng, cung cấp dịch vụ phải lập hóa đơn điện tử có hoặc không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua. Các hóa đơn này phải được ghi đầy đủ nội dung theo định dạng chuẩn dữ liệu cơ quan thuế quy định.

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11 - 2

Nghị định cũng quy định việc xuất hóa đơn điện tử không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa hay cung cấp dịch vụ.

Hóa đơn điện tử Chính phủ đưa ra gồm hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng và các loại hóa đơn khác. Các loại hóa đơn điện tử trên phải theo định dạng chuẩn dữ liệu do Bộ Tài chính quy định.

Quy định mới tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa", "Khu dân cư văn hóa"

Nghị định số 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa" có hiệu lực từ 05/11/2018.

Theo đó, các tiêu chuẩn danh hiệu về Gia đình văn hóa gồm: 1- Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú; 2- Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; 3- Tổ chức lao động, sản xuất kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng hiệu quả.

Tiêu chuẩn danh hiệu Khu dân cư văn hóa gồm: 1- Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; 2- Đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú; 3- Môi trường cảnh quan sạch đẹp; 4- Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; 5- Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Trường mầm non ở thành phố diện tích tối thiểu 8 m2/trẻ

Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 135/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 20/11.

Trường mẫu giáo, mầm non và nhà trẻ phải được đặt tại khu dân cư bảo đảm các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường. Về diện tích xây dựng, các trường phải đảm bảo diện tích bình quân tối thiểu 12 m2 cho một trẻ em đối với khu vực đồng bằng, trung du và 8 m2 cho một trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã, núi cao và hải đảo.

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11 - 3

Đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, yêu cầu đặt ra là phải có giáo viên trình độ đạt chuẩn; có diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ít nhất 1,5 m2 cho một trẻ, có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn cho trẻ em; có chiếu hoặc thảm ngồi chơi, giường ngủ và chăn gối màn để ngủ…

Những nơi chưa có mạng lưới trường mầm non đáp ứng yêu cầu, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhưng phải đăng ký hoạt động với UBND xã, số lượng trẻ em trong các nhóm trẻ này tối đa chỉ là 7 em.

Bán hàng đa cấp bất chính bị phạt từ 80-100 triệu đồng

Để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định, quy định xử lý, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. 

Theo Nghị định này, mức phạt tiền 80-100 triệu đồng áp dụng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi bán hàng đa cấp bất chính sau: Yêu cầu người khác đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.

Các tổ chức đa cấp cho người tham gia bán hàng nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó…cũng bị áp dụng mức xử phạt này.

Nghị định cũng quy định phạt từ 20-25 triệu đồng đối với cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/11/2018.

Theo Khampha.vn - 5/11/2018

Link nguồn: http://khampha.vn/tin-nhanh/chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-11-c4a688635.html


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc