top-banner-2

Thứ hai, 25/01/2016, 10:06 GMT+7

Để khởi nghiệp thành công cần biết đến văn hóa thất bại

Viết bởi An An   
Thứ hai, 25/01/2016, 10:06 GMT+7

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, chính vì không chấp nhận thất bại nên chúng ta sợ khởi nghiệp và không thể thành công.

Muốn xây dựng một nền kinh tế năng động, không thể không có một cộng đồng doanh nghiệp đông và mạnh. Với 500 nghìn doanh nghiệp trên tổng số 90 triệu dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vừa ít lại vừa yếu. Gần đây, ông Vũ Tấn Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có một tuyên bố làm nhiều người phải chú ý, đó là Việt Nam cần phải có khoảng 5 triệu doanh nghiệp và doanh nhân cần phải được coi là anh hùng vì đã tạo ra công ăn việc làm và của cải cho xã hội. Chưa nói đến tính đúng sai của tuyên bố này, nhưng rõ ràng, từ Chính phủ cho đến chính quyền địa phương cần phải có cách tiếp cận cụ thể hơn đối với khái niệm quốc gia khởi nghiệp, nơi mà chỉ cần có ý tưởng và khát vọng, tất cả mọi người đều có thể kinh doanh.

Thị trường doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam

Nói đến khởi nghiệp, nhiều người hay nghĩ đến các công ty startup trong lĩnh vực công nghệ, bởi vài năm trở lại đây, thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các công ty startup công nghệ. Có thể nói, đây là làn sóng mạnh mẽ nhất, kể từ sau thời kỳ dotcom tại Hoa Kỳ vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước.

Bằng chất xám và công nghệ thông tin, các startup Việt đang tạo ra công ăn việc làm, chủ yếu tấn công các thị trường quốc tế, khu vực. Tốc độ phát triển có thể đạt tới vài trăm % một năm.

Tháng 8 vừa qua đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa 40 doanh nghiệp startup với PTT Vũ Đức Đam khẳng định Nhà nước hết sức quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp này.

Số startup tuy mới nhưng đã cho thấy sức bật lớn trên thị trường, nhờ biết tận dụng ưu thế của CNTT.

Startup còn được hiểu là đầu tư mạo hiểm, bởi không phải sản phẩm CNTT nào cũng có thể thành công, thậm chí, tỷ lệ thành công là rất thấp.

Doanh nghiệp starup không đồng nghĩa với doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi có những doanh nghiệp như startup Uber hiện tại đã được định giá 5 tỷ đô la.

Chia sẻ về việc các startup Việt thường chọn lĩnh vực KHCN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, ông rất tin tưởng vào lớp người nghiên cứu khoa học trẻ. Trong những năm gần đây, họ đều mong muốn có những hoạt động khởi nghiệp và tạo ra những doanh nghiệp. Bộ KH&CN cũng đã thí điểm Dự án Silicon Valey của Việt Nam. Những startup tham gia dự án này bước đầu đã có những thành công. Như vậy, triển vọng về doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam là rất lớn và chúng ta cần hỗ trợ cho họ. 

Theo ông Đỗ Hoài Nam, tổng Giám đốc công ty Công nghệ Seespace có trụ sở tại silicon valley, thị trường startup đang thay đổi rất nhiều, đó là việc tạo ra các Hub ở các thị trường khác nhau. Và theo quan điểm của nhiều người, Singapore hiện nay đang là Hub của Đông Nam Á. “Chúng tôi tin tưởng rằng, với tài năng và nguồn lực mạnh mẽ của lớp startup trẻ hiện này, chúng ta đủ sức để cạnh tranh trở thành Hub của Đông Nam Á” – Ông Đỗ Hoài Nam nói.

Việt Nam cần có văn hóa chấp nhận thất bại

Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, mỗi năm có hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, một nguồn lực rất lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội cũng như lớp sinh viên trẻ về hệ sinh thái khởi nghiệp còn rất mơ hồ. Ngay cả các cơ quan nhà nước cũng gần như chưa có khái niệm về sinh thái khởi nghiệp cũng như đầu tư mạo hiểm. “Đây chính là lực cản lớn nhất để những người trẻ có tinh thần khoa học, có ý tưởng công nghệ có thể thành công trong việc tạo dựng nên các doanh nghiệp khởi nghiệp” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Để khởi nghiệp, Việt Nam cần biết đến văn hóa thất bại - 1

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân

Các bậc phụ huynh của người trẻ thường muốn con cái ổn định trong các cơ quan nhà nước, bởi con đường kinh doanh tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Ở Việt Nam chưa có văn hóa chấp thất bại, đặc biệt là trong khoa học công nghệ. "Vì vậy, chúng ta phải tạo điều kiện, tạo ra môi trường để những người trẻ phải dám thất bại và dám quay trở lại bởi mỗi lần thất bại đều có thể làm con người tốt lên, có nhiều kinh nghiệm, tri thức hơn" - Ông Đỗ Hoài Nam chia sẻ.

Vì sao các startup Việt thành công lại thường ở nước ngoài?

Một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công gần đây nhất được nhắc đến là Misfit của Sonny Vũ và Lê Diệp Kiều Trang. Một tập đoàn thời trang của Mỹ đã mua lại Misfit với giá 260 triệu đô la Mỹ (khoảng 5.200 tỷ đồng), một con số đáng mơ ước ngay cả với các doanh nghiệp “sừng sỏ” tại VN. Để làm được điều này, Misfit đã có một ý tưởng tốt, sau đó là bản lĩnh huy động thị trường và cuối cùng là cách duy trì tư duy khởi nghiệp toàn cầu, với việc chuyên môn hóa từng công việc tại những nơi tạo ra giá trị tốt nhất, mô hình Misfit đã có sản phẩm bán tại 20 nghìn cửa hàng trên 50 thị trường toàn thế giới.

Tuy nhiên, hầu hết những startup đình đám hiện nay đều bắt nguồn từ Silicon Valey chứ không phải từ thị trường trong nước. Theo ông Đỗ Hoài Nam, điều này xuất phát từ việc cơ chế gọi vốn. Silicon Valey là thiên đường gọi vốn. Theo một thống kê từ techcrunch thì 50 startup có tiềm năng thành công)ở Silicon Valley có tổng giá trị lên tới 487 tỷ đô la và lợi nhuận bằng 0. Đây là khái niệm ở thị trường Việt Nam vẫn chưa quen, bởi khi nghĩ đến doanh nghiệp là nghĩ đến lãi. Tuy nhiên, "Silicon Valey có cách đầu tư khác, đó là đầu tư xây dựng giá trị vào doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, cho đến khi không ai có thể cạnh tranh với chúng tôi nữa và thị trường là của chúng tôi" - ông Đỗ Hoài Nam chia sẻ.

Để khởi nghiệp, Việt Nam cần biết đến văn hóa thất bại - 2

Đỗ Hoài Nam - Tổng Giám đốc công ty Công nghệ Seespace có trụ sở tại Silicon Valley

Chia sẻ về việc các doanh nghiệp khởi nghiệp thường thành công ở nước ngoài chứ không phải thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, đó là do cơ chế chính sách. Môi trường pháp lý cho hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp là rất quan trọng, và chúng ta có trách nhiệm phải xây dựng được môi trường pháp lý ấy để các startup có thể cảm thấy, khởi nghiệp ở Việt Nam cũng không khác gì khởi nghiệp ở bất kỳ quốc gia nào. Và khi đó, trí tuệ của người VN sẽ được phát huy ở mức tối đa.

Để khởi nghiệp, Việt Nam cần biết đến văn hóa thất bại - 3

Ông Đặng Huy Đông- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cùng chia sẻ quan điểm với Bộ trưởng Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, lý do chính để các startup không khởi nghiệp ở trong nước là môi trường pháp lý, hay nói rộng hơn là hệ sinh thái khởi nghiệp chưa phù hợp. Điều này xuất phát từ nhận thức không đồng đều của các cơ quan quản lý làm chính sách. "Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã đưa vào trong nghị định hướng dẫn luật đầu tư năm 2014 và đã được chính phủ phê duyệt vào ngày 12/11 năm 2015. Trong nghị định số 118 này, chúng tôi đã đưa được khái niệm quỹ đầu tư mạo hiểm để làm tiền đề, hướng dẫn về hành lang pháp lý cho các starup được quyền tiếp cận với các nguồn vốn trong và ngoài nước một cách thuận lợi hơn" - ông Đặng Huy Đông nói.

Nguồn vốn Nhà nước trong việc đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Ông Lê Thanh Tâm, tổng giám đốc tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG ASEAN, một người đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư cho các startup cho biết, Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp starup là vốn. Tuy nhiên, người vận hành cũng rất quan trọng. Bởi nếu người vận hành quỹ không hiệu quả, không hiểu biết, không tận tâm sâu sát đến doanh nghiệp khởi nghiệp dẫn đến không đúng sản phẩm và hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ không thực tiễn. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn, hỗ trợ pháp lý thì nên sâu sát hơn để giúp doanh nghiệp tránh sản xuất những sản phẩm không thực tế, hoặc đẩy mạnh những sản phẩm có tiềm năng.

Với những ý kiến của ông Lê Thanh Tâm, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã thẳng thắn nhận định, chúng ta chưa có một quỹ đầu tư mạo hiểm đúng nghĩa của nó. Hiện nay, các quỹ của Bộ KH&CN lập ra vẫn là quỹ sử dụng vốn ngân sách để hỗ trợ cho các nhà khoa học và có một phần hỗ trợ cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ. Kể cả những nguồn vốn ODA cũng vẫn vận hành theo kiểu ngân sách nhà nước bởi theo quy định của luật ngân sách thì vốn viện trợ cũng là ngân sách nhà nước. "Những người vận hành những quỹ này chưa có khái niệm về đầu tư mạo hiểm, người ta coi đó là ngân sách nhà nước và vận hành nó theo luật ngân sách nhà nước, chỉ đầu tư vào nếu chắc chắn thành công, nếu không sẽ bị coi là thất thoát, lãng phí. Vì vậy, dưới góc độ kinh tế, chúng ta phải chấp nhận thất bại, bởi chỉ cần 10-20% thành công đã tạo ra nguồn lực lớn hơn cả 100% nguồn lực chúng ta đã mất".

Ông cũng nếu ý kiến, Nhà nước nên làm đầu tư mạo hiểm, bởi ngay cả Hoa Kỳ cũng vẫn sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư mạo hiểm. Ở Việt Nam, người dân, doanh nghiệp thường nhìn vào việc nhà nước có làm không để yên tâm đầu tư bởi ít nhất là có sự đảm bảo và họ dám đầu tư. Ban đầu nhà nước có thể đầu tư một chút, sau khi thu hút được sự chú ý quan tâm của tư nhân, doanh nghiệp đã thành công thì nhà nước có thể rút dần vốn đầu tư và chỉ lo cơ sở pháp lý, bảo vệ nhà đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong vấn đề gọi vốn, có sự chênh lệch đáng kể giữa nguồn vốn của các nhà đầu tư thiên thần, ngân hàng và vốn tự có ở Silicon Valey, Singapore và Việt Nam. Ở Việt Nam, số vốn kêu gọi đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm khá ít, trong khi số vốn tự có hoặc vay mượn gia đình chiếm tới hơn 60%, trong khi không có ngân hàng nào tham gia vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.

Theo ông Đỗ Hoài Nam, “bài toán khởi nghiệp hiện tại vẫn dành cho gia đình có điều kiện”. Người tài của chúng ta có ở khắp mọi nơi, nhưng mặt tiếp cận vốn của chúng ta quá khó, nên cuối cùng vẫn dựa vào nguồn vốn gia đình. Vấn đề của chúng ta là tận dụng không hết nguồn lực. Chúng ta phải tạo điều kiện cho những người thiếu điều kiện có thể tham gia vào startup.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, vì chúng ta chưa làm sinh thái khởi nghiệp thật sự nên rất khó nói Nhà nước nên hỗ trợ bao nhiêu, nhưng giai đoạn đầu Nhà nước nên có sự hỗ trợ với những người có ý tưởng mà chưa có điều kiện kinh tế. Ban đầu có thể hỗ trợ đến 30% hoặc hơn với những startup có ý tưởng tốt, sau đó dần rút vốn khi startup đã thành công.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hoài Nam: "Nếu khởi nghiệp phải cần tiền của Nhà nước thì đó không phải là một khởi nghiệp tốt. Nếu khởi nghiệp tốt thì sẽ có nhà đầu tư tư nhân chúng tôi tự bỏ tiền. Cái thúc đẩy tốt cho khởi nghiệp là khoa học kỹ thuật, và Nhà nước sẽ tham dự hỗ trợ vào phần nghiên cứu để tạo ra giá trị thực tiễn về mặt khoa học”.

Một trong những điểm mạnh của Việt Nam là nhân tố con người. Với môi trường kinh doanh thuận lợi và sự hỗ trợ của Nhà nước với tư cách là một bàn đỡ, thì các startup ngày hôm nay sẽ trưởng thành và tạo ra những cuộc bứt phá ngoạn mục trong sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Link nguồn: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/de-khoi-nghiep-viet-nam-can-biet-den-van-hoa-that-bai-c7a371413.html

Tên bài đã được thay đổi bởi ban biên tập của Vanhoadoanhnhan.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Để khởi nghiệp thành công cần biết đến văn hóa thất bại

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc