top-banner-2

Thứ hai, 03/03/2014, 14:12 GMT+7

Từ Davos, nghĩ về cơ hội kinh doanh

Viết bởi lehang   
Thứ hai, 03/03/2014, 14:12 GMT+7

Chỉ năm ngày diễn ra Diễn đàn Kinh tế toàn cầu (WEF) tại Davos, một thị trấn bé nhỏ với 11.000 dân, dù tuyết phủ đầy, đã mang lại cho kinh tế địa phương 50 trong tổng số 77 triệu USD đóng góp vào kinh tế Thuỵ Sĩ, theo tính toán của CNN.

altĐức gặp gỡ các đại biểu châu Phi tại Davos WEF 2014. Ảnh: TLCK

Cho dù Davos WEF ngày càng già và cách thức vận hành hầu như bất biến, dù ban đầu chỉ là diễn đàn của các doanh nghiệp châu Âu, nhưng nhờ truyền thông khôn ngoan và chiến lược tiếp cận hiệu quả với các chính phủ, Davos trở thành diễn đàn uy tín nhất thế giới có khả năng kết nối các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu hàng đầu với các nguyên thủ quốc gia.

Năm 2014, WEF có chủ đề khá tham vọng “Tái định hình thế giới” với sự xuất hiện của 44 nguyên thủ. Trong đó, được trông đợi có lẽ là sự đối đầu của cả những “kẻ thù” tưởng không thể đội trời chung (nhưng có thể đội chung trời ở Davos) như Iran và Israel. Nói tham vọng vì trong vài ngày với hơn 250 cuộc gặp và đối thoại, thật khó để giải quyết một điều lớn lao như vậy.

Có lẽ thứ mà Davos có thể tạo ra nhiều nhất và tốt nhất chính là cơ hội – cho những ai muốn nắm bắt và dẫu chỉ là phiên chợ ngắn ngủi năm ngày nhưng cũng đủ để cho các quốc gia biết cách làm thương hiệu cho mình bên cạnh các thương hiệu toàn cầu đình đám.

Hai trong số nhóm năm nước đang phát triển “dễ vỡ” do các nhà kinh tế học bình chọn trong năm 2014, Nam Phi và Ấn Độ (ngoài ra còn Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Indonesia) cũng đã nắm bắt cơ hội này để quảng bá rầm rộ nhất tại Davos 2014. Trưng dụng ngay bảo tàng Kirchner Davos nổi tiếng, Nam Phi với tấm panô khổng lồ quảng bá mình là đất nước “Tạo cảm hứng cho những cách thức mới”. Ấn Độ thậm chí đã thuê cả một dãy nhà hàng lớn đóng cửa và biến toàn bộ các mặt tiền thành panô quảng cáo ngoài trời với thông điệp “Join India, Lead the World” (Cùng Ấn Độ, Lãnh đạo thế giới) hay Azerbaijan đã khéo léo tận dụng ngay chủ đề của kỳ hội nghị này để đưa ra câu slogan “Reshaping the world: Sustainability and Energy for next generations” (Tái định hình thế giới: Bền vững và Năng lượng cho các thế hệ tương lai).

Sự quảng bá rầm rộ của các nước đang phát triển đã trở thành một chủ đề thảo luận sôi nổi bên lề của các chuyên gia kinh tế và giới báo chí phương Tây. CEO của tập đoàn dầu mỏ Pháp Total thậm chí đã kêu gọi châu Âu “nên xem lại mình như một quốc gia đang nổi lên”, để cũng phải nghĩ lại cách “bán mình” khi các quốc gia đang phát triển vẫn lựa chọn Mỹ như một hình mẫu phát triển để theo đuổi.

Davos

Thuộc tổng Graubünden, Thuỵ Sĩ
Dân số: 11.156 (tính đến tháng 12.2012)
Mật độ: 39/km2
Diện tích: 283,98km2
Độ cao so với mặt biển: 1.560m
Nhiệt độ trung bình cao cả năm 8,7 độ C
Nhiệt độ trung bình thấp cả năm -1,0 độ C

Phát biểu trước Davos, Bill Gates cho rằng thế giới sẽ không còn nước nghèo vào năm 2035, mọi thứ đang tốt đẹp hơn và mọi sự lo lắng hoặc những thông tin tiêu cực chẳng qua là do giới truyền thông “bày trò”. Ít nhất là thế giới ngày nay, với sự kết nối không biên giới của nó, đã cho phép chúng ta có tất cả những cơ hội có thể có. Bạn có thể nghe đâu đó một người bạn của mình bất ngờ nhận được học bổng, một vị trí việc làm ở một quốc gia khác, những người bạn “tưởng là rất tầm thường” của bạn đột nhiên trở thành một nhân vật nổi tiếng trên mạng, một số người thậm chí còn không có bằng cấp chuyên môn đã trở thành những chuyên gia XYZ nào đó… Thậm chí, chúng ta cũng không thể tạo thêm cơ hội cho phụ nữ nữa vì họ đã bình đẳng với nam giới trên cả quyền bình đẳng.

Trong thế giới đầy cơ hội này, ngay cả một xuất phát điểm thấp – đó cũng có thể là lợi thế để tạo ra một cơ hội. Không có rào cản nào là vĩnh viễn và cũng không bao giờ có “cơ hội duy nhất”.

Davos 2014 chính là cơ hội mà các quốc gia đang mong muốn đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực tạo cho mình một tiếng nói. Nếu không nắm bắt được cơ hội, để có được tiếng nói hay vị thế, thì các chính phủ có thể đang phản bội lại chính dân tộc mình.

Hai thế kỷ trước, người giàu tới cái thị trấn cao nhất châu Âu để chữa bệnh mình, và trong gần nửa thế kỷ nay, nó là nơi để những người giàu có và quyền lực nhất thế giới tới để mong chữa những chứng bệnh đang nảy sinh mỗi ngày của thế giới hiện đại.

Lời cam kết của WEF “Committed to improving the state of the world” (Cam kết cải thiện tình trạng của thế giới) rất cụ thể và cũng rất chung chung, vì chúng ta không thể nói “tình trạng” đó là như thế nào nhưng có một điều chắc chắn là người ta đã rất giỏi để tạo ra cơ hội – cơ hội để có những người được quyền định đoạt số phận của hằng hà sa số những người khác.

Davos, tháng 1.2014

Điệp Giang (Phái viên TGTT ở châu Âu)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Từ Davos, nghĩ về cơ hội kinh doanh

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc