top-banner-2

Thứ ba, 05/04/2022, 11:35 GMT+7

Người vợ đam mê làm từ thiện của tỷ phú giàu nhất châu Á

Viết bởi ducanh   
Thứ ba, 05/04/2022, 11:35 GMT+7

Bà Priti, vợ tỷ phú giàu nhất châu Á Gautam Adani là nhà từ thiện, nhà giáo dục nổi tiếng ở Ấn Độ với nhiều cống hiến suốt hai thập kỷ qua.

Bà Priti (57 tuổi) là vợ doanh nhân Ấn Độ Gautam Adani - người có đế chế kinh doanh bao trùm các lĩnh vực cảng, mỏ, năng lượng xanh và sở hữu khối tài sản 100 tỷ USD. Priti hiện là Chủ tịch Adani Foundation - một trong những quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất Ấn Độ. Trong khi chồng điều hành Tập đoàn Adani Group, bà Priti chịu trách nhiệm về các hoạt động từ thiện của Adani Foundation.

Bà Priti sinh ra ở Mumbai và lớn lên ở thành phố Ahmedabad, bang Gujarat trong một gia đình có truyền thống kinh doanh. Bà từng ở Mỹ một thời gian, trước khi tốt nghiệp cử nhân nha khoa tại Đại học Nha khoa Chính phủ ở Ahmedabad. Cuộc hôn nhân của bà với doanh nhân Gautam Adani - Chủ tịch Tập đoàn Adani - là do gia đình hai bên sắp đặt. "Khi đó, tôi là một sinh viên ưu tú, theo học nha khoa và tiếp tục hoàn thành chương trình học sau khi kết hôn", bà Priti kể.

 nguoi-vo-dam-me-lam-tu-thien-cua-ty-phu-giau-nhat-chau-a-1

Bà Priti, vợ tỷ phú Gautam Adani. Ảnh: Twitter/ Priti Adani

Song song việc chăm sóc hai con, một trai một gái, bà Priti theo đuổi các hoạt động từ thiện khi thành lập Quỹ Adani Foundation năm 1996. Bà Priti cho biết chính chồng là động lực giúp bà theo đuổi hoạt động từ thiện. "Chồng đã cổ vũ tôi rất nhiều bởi bản thân anh ấy cũng là người luôn nỗ lực hết mình vì đam mê. Ngay cả khi tôi nản lòng, anh ấy sẽ cho chúng tôi sự tự tin và nói rằng điều đó không sao cả, hoặc đôi khi sẽ cho chúng tôi những ý tưởng và cách thức mới để tiếp cận một vấn đề".

Dưới sự điều hành của bà Priti, Adani Foundation hỗ trợ 2.250 ngôi làng ở 18 bang của Ấn Độ, cải thiện cuộc sống cho 3,2 triệu người mỗi năm thông qua các chương trình từ thiện trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, sinh kế, và phát triển cơ sở hạ tầng cộng đồng. Các dự án của quỹ này bao gồm SuPoshan (các vấn đề dinh dưỡng phù hợp), Swachhagraha (các vấn đề vệ sinh), Saksham (phát triển kỹ năng) và Udaan (truyền cảm hứng và thúc đẩy sinh viên vươn tới ước mơ)...

"Từ những chuyến đi đến khu vực kém phát triển, chúng tôi nhận thấy muốn thấy sự thay đổi bền vững, phải bắt đầu với y tế và giáo dục. Không có kiến thức cơ bản này thì không thay đổi được gì" bà Priti nói.

Năm 2011, khi thành phố Bhuj (bang Gujarat) bị trận động đất lớn, bà Priti cùng đội ngũ của mình vội vã đến đây cứu trợ cho những người bị thiên tai. "Tôi nhớ ngày đó. Tôi đã ở Ahmedabad. Chúng tôi chỉ có thể kết nối với các văn phòng của mình ở Mundra (gần Bhuj) chỉ sau 24 giờ vì tất cả các đường dây viễn thông đều bị ngắt. Chúng tôi vội vã đến Bhuj và dựng trại ở đó để giúp đỡ cứu trợ", bà Priti kể lại.

Bà Priti đã ở lại Bhuj một tháng để giúp đỡ người dân bị thiên tai. Sau đó, bà nhận thấy nếu muốn vùng đất này hồi sinh cần có sự hỗ trợ lâu dài, hợp tác với các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ địa phương.

"Chúng tôi đã phải chăm sóc mọi người. Chúng tôi đã dọn sạch các đống đổ nát, xây những nơi trú ẩn, những ngôi nhà và trường học mới. Công việc đó tiếp tục trong gần hai năm. Mọi điều nhỏ nhặt đều quan trọng. Đó là khi chúng tôi quyết định rằng cần một mô hình bền vững. Chúng tôi không muốn những con số quá lớn, điều quan trọng là công việc có tác động, giúp cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn", bà Priti nói.

 nguoi-vo-dam-me-lam-tu-thien-cua-ty-phu-giau-nhat-chau-a-2

Tỷ phú Gautam Adani cùng vợ và các con trong sinh nhật ngày 24/6/2021. Ảnh: Twitter/ Gautam Adani

Trong khoảng 20 năm gần đây, bên cạnh lĩnh vực sức khỏe và giáo dục, quỹ Adani Foundation còn chú trọng tới chương trình phát triển kỹ năng cho những người trẻ, phụ nữ và trẻ em gái. "Phát triển kỹ năng là nhu cầu của thời đại. Chúng tôi có sinh viên tốt nghiệp, nhưng không có việc làm", bà Priti nói.

Trung tâm Phát triển Kỹ năng Adani đã hợp tác với Trung tâm Phát triển Kỹ năng Quốc gia và có 65 trung tâm trên khắp Ấn Độ. "Chúng tôi có khoảng 54 ngành nghề khác nhau đang liên kết với nhà tuyển dụng. Chúng tôi cũng dạy nhiều kỹ năng mềm và kỹ năng kinh doanh. Chứng chỉ mà mọi người nhận được là chứng chỉ được chính phủ phê duyệt", bà Priti giải thích.

Bà Priti cũng là một trong những người hoạt động sôi nổi cho phong trào nữ quyền ở Ấn Độ. Vào ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 vừa qua, bà Priti kêu gọi người phụ nữ hãy phá bỏ gông cùm để hướng tới mục tiêu lớn và thực hiện ước mơ của mình. Bà đề xuất các doanh nghiệp tạo thêm việc làm cho phụ nữ ở nông thôn, các chính sách có lợi cho phụ nữ, trẻ em.

Bên cạnh công việc tại quỹ Adani Foundation, Priti còn tìm hiểu về các cải tiến công nghệ mới nhất. "Tôi đã đọc về các công ty khởi nghiệp như Niramai có giải pháp công nghệ kiểm tra sức khỏe vú không xâm lấn và chi phí thấp. Chúng tôi hy vọng sẽ kết nối những công ty khởi nghiệp như vậy với mạng lưới của mình".

Năm 2020, bà Priti được Đại học Luật bang Gujarat ở Ahmedabad trao bằng tiến sĩ danh dự vì đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và giáo dục. Giữa tháng 3 năm nay, bà ký cam kết hiến tạng nhằm kêu gọi nhiều người tham gia trao quyền được sống của những người khác.

Ngoài công việc từ thiện, bà Priti có đam mê làm vườn và đọc sách. Bà cũng dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình và cháu gái. Tháng 6 năm ngoái, nhân dịp sinh nhật tuổi 59, tỷ phú Gautam đã bày tỏ lời cảm ơn tới vợ trên Twitter: "Thật may mắn khi được tổ chức sinh nhật giữa vòng tay những người tôi yêu quý và tin tưởng. Cảm ơn Priti và gia đình thân yêu, vì đã luôn đem lại niềm vui và là nguồn cảm hứng cho tôi".

theo Sơn Nam / ngoisao.net - 05/04/2022

link nguồn: https://ngoisao.vnexpress.net/nguoi-vo-dam-me-lam-tu-thien-cua-ty-phu-giau-nhat-chau-a-4447125.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Người vợ đam mê làm từ thiện của tỷ phú giàu nhất châu Á

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc