6 nguyên tắc tiếp thị với newsletter |
Viết bởi Văn Tuyết |
Thứ hai, 22/12/2014, 16:30 GMT+7 |
Theo một báo cáo gần đây của McKinsey Global Institute, trung bình “dân công sở” dành khoảng 28% thời gian làm việc mỗi ngày cho việc kiểm tra, trả lời và xử lý email. Nói cách khác, chúng ta dành nhiều thời gian và sự chú ý cho email nhiều hơn bất kỳ một website nào khác, thậm chí là các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Twitter. Ngoài ra, tỷ lệ hoán đổi người xem email trở thành khách hàng của một doanh nghiệp cao hơn rất nhiều so với các trang xã hội. Báo cáo Ecommerce Quarterly của Monetate cho thấy tỷ lệ hoán đổi này của email trung bình là 3,2%, gấp hơn năm lần con số 0,6% của mạng xã hội. Nếu như thư điện tử định kỳ gửi khách hàng (newsletter) được xem là công cụ tiếp thị và kinh doanh giá trị và hiệu quả nhất trong gói quảng cáo trực tuyến của doanh nghiệp, thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không thể bỏ qua những việc sau đây để gia tăng chất lượng newsletter. 1. Nội dung Bước đi quan trọng nhất để xây dựng một danh sách người nhận email cũng chính là việc khó khăn nhất. Newsletter của doanh nghiệp trước tiên phải có giá trị, ý nghĩa và thực sự hấp dẫn đối với người nhận. Chỉ khi những thông tin ấy bổ ích, người đọc mới muốn tiếp tục nhận thư, mở thư, đọc và quyết định chia sẻ chúng. Do đó, hãy sưu tầm, lưu trữ và sử dụng những thông tin, nội dung tốt nhất cho khách hàng. 2. Giá trị Đừng vội kêu gọi mọi người đăng ký nhận thư điện tử định kỳ trước khi nêu rõ lý do vì sao điều ấy sẽ có giá trị với họ. Vì sao họ phải đọc thư của doanh nghiệp? Điều đó có ích lợi gì với họ? Nói một cách cụ thể hơn, họ nhận được gì nếu đăng ký nhận thư? “Hãy đăng ký nhận newsletter miễn phí” là một lời kêu gọi vô cùng đáng chán và rỗng tuếch, do đó tốt nhất doanh nghiệp không sử dụng câu nói ấy. 3. Tập trung Hãy tận dụng website của doanh nghiệp làm kênh quảng bá chính cho việc kêu gọi mọi người đăng ký nhận newsletter. Sử dụng đơn đăng ký điện tử được thiết kế càng ngắn gọn càng tốt và để xuất hiện ngay trang chủ. Nhưng cũng đừng quên đặt đơn đăng ký tại mỗi trang hoặc bài đăng tải trên blog và thậm chí, nếu có thể, để làm miền đáp (landing page). Vậy miền đáp của newsletter là gì? Đấy là một trang với mục đích chính là kêu gọi mọi người đăng ký nhận thư bằng cách để lại địa chỉ email hoặc tên tuổi (nếu cần). Trang này cũng liệt kê những ích lợi, giá trị của newsletter. 4. Quảng bá Sử dụng URL của miền đáp newsletter trong mọi nền tảng xã hội truyền thông khác, nối chúng với tất cả những bài đăng tải, thậm chí để chúng xuất hiện tại danh thiếp hoặc các phương tiện tiếp thị in ấn khác. Bất kỳ nơi nào có đại diện của doanh nghiệp xuất hiện, newsletter của doanh nghiệp cũng được đề cập và chú ý tới. 5. Nhất quán Doanh nghiệp càng xem trọng việc chăm chút hoạt động gửi newsletter bao nhiêu thì người đăng ký nhận thư càng cảm nhận vai trò quan trọng của những gì họ nhận được bấy nhiêu. Xác lập một thời gian biểu phát đi email và luôn tuân thủ theo đó. 6. Cá nhân hóa Cá nhân hóa nội dung ngay từ quá trình đăng ký để người đọc cảm nhận doanh nghiệp một cách thân thiện, gần gũi hơn. Tiếp đó là thư xác nhận đăng ký, thư chào mời và thư định kỳ đều phải tỏ ra thật sự hòa nhã. Để làm được vậy, mỗi lá thư gửi đi phải có cảm giác như được viết cho một cá nhân hơn là một nhóm khách hàng chung chung hay một thư chào hàng gửi đến khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, cũng đừng tỏ ra quá mức thân thiết vì điều ấy có thể khiến người nhận cảm thấy khó chịu. Theo DNSGCT Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|