Tìm kiếm đối tác chiến lược: Nỗi sợ bị thâu tóm! |
Viết bởi Nam Anh | |
Thứ năm, 24/08/2017, 10:09 GMT+7 | |
Với mục tiêu củng cố sức mạnh nội tại và tăng khả năng cạnh tranh, không ít doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) đang tích cực tìm kiếm và hợp tác với các đối tác chiến lược. Tuy nhiên, để tìm được đối tác phù hợp, vừa đảm bảo giúp DN phát triển tốt đông thời tránh được các rủi ro trong hợp tác là điều không dễ dàng. Hiện tại ở VN, có tới trên 90% doanh nghiệp là DNGĐ. Khá nhiều các DNGĐ trong số đó đã có những bước phát triển vượt bậc. Một trong những yếu tố làm nên sự bứt phá của các DN này chính là việc dám xóa bỏ những tư duy cũ, linh hoạt trong đổi mới sáng tạo và mạnh dạn chia sẻ đầu tư, kêu gọi vốn từ các đối tác bên ngoài, đặc biệt là các đối tác nước ngoài. Nhờ được tiếp cận những phương pháp quản trị và quản lý hiện đại cùng kinh nghiệm quốc tế từ chính đối tác chiến lược mà DN ngày càng phát triển. Tuy nhiên, vấn đề chia sẻ trong điều hành hoặc chi phối các hoạt động kinh doanh với các đối tác chiến lược trên thực tế đã tạo ra nhiều quan ngại cho các thành viên trong HĐQT của nhiều DNGĐ. Đó là lí do khiến nhiều DN loay hoay trong bài toán nên tự thân hay cần phải có đối tác chiến lược. Để có cái nhìn thấu đáo hơn về khía cạnh này, chương trình CEO – Chìa khóa thành công trên kênh VTV1 đã đưa ra chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình – Đối tác hay tự thân” phát sóng vào ngày 27/08/2017 để cùng phân tích và mổ xẻ vấn đề. Theo đó, chương trình đưa ra câu chuyện của một DNGĐ kinh doanh đa ngành (bán lẻ, bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng…) đang gặt hái thành công trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay CEO nhận thấy với quy mô các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng mở rộng và mức độ ngày càng phức tạp nên doanh nghiệp dường như đang không đủ năng lực để quản trị, điều hành và quản lý một cách bài bản và chuyên nghiệp. Nếu không có biện pháp sớm khắc phục rất có thể thời gian tới sẽ gây ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Sau một quá trình nghiên cứu, tìm kiếm sự tư vấn cũng như trao đổi với một số đối tác và học hỏi kinh nghiệm từ một số mô hình khác, CEO nhận thấy nên chia sẻ một số lĩnh vực và một số mảng kinh doanh cho các đối tác chiến lược có thế mạnh trong chính lĩnh vực đó để bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Các đối tác này chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài, họ không chỉ tham gia về mặt tài chính mà còn chia sẻ các phương pháp quản trị và quản lý hiện đại cùng kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực mà doanh nghiệp muốn chia sẻ. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều kiện của các đối tác này đưa ra là họ muốn được tham gia điều hành hoặc chi phối các hoạt động kinh doanh mà họ chia sẻ cùng doanh nghiệp. CEO đồng tình với yêu cầu của đối tác song các cổ đông lại phản đối vì họ lo sợ: một khi người ngoài đặt chân được vào công ty thì cấu trúc quản trị gia đình sẽ bị phá vỡ, sẽ kéo theo nhiều nguy cơ và hệ lụy tiềm ẩn khác mà trong tương lai, công ty hoàn toàn có thể không kiểm soát được… Trong vai trò CEO, chị Đinh Thị Mai Anh - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Trang Minh đã tham gia chương trình CEO- Chìa khóa thành công để cùng tranh biện và tìm hướng giải quyết vấn đề trên. Ý kiến của chị đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều khán giả theo dõi trên Fanpage CEO - Chìa khóa Thành Công. Bạn Minh Liên chia sẻ: “Theo tôi, hướng đi mà CEO đề xuất là hợp lý bởi việc hợp tác với đối tác nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp học hỏi và dần tiệm cận được các phương thức quản trị hiện đại và tiên tiến của thế giới. Đây cũng là con đường đi tắt, giúp DNGĐ có thể phát triển tốt và bền vững hơn”. Bạn Phương Hiền cũng khẳng định: “Quản trị công ty tốt là yếu tố quyết định thành công dài hạn của các công ty gia đình. Bởi vậy, sẽ không có gì tốt bằng nếu DN hợp tác với một đối tác vừa có tiềm lực tài chính, lại vừa có hệ thống quản trị chuyên nghiệp và hiện đại” CEO Đinh Thị Mai Anh và các doanh nhân đang bàn luận trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng: “Nếu DN chấp nhận để các đối tác này tham gia điều hành hoặc chi phối các hoạt động kinh doanh thì rất có thể sẽ dẫn đến nguy cơ bị thâu tóm, thôn tính trong tương lai. Bởi các đối tác ngoại vừa có tiềm lực, vừa có kinh nghiệm nên điều này rất dễ xảy ra.” Mỗi người một ý kiến, một quan điểm…. tạo nên sự hấp dẫn, sức hút lớn cho chương trình. Và việc theo dõi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình – Đối tác hay tự thân” sẽ mang lại những gợi mở hữu ích cho nhiều doanh nghiệp. Bởi tình huống của doanh nghiệp được đặt ra trong chương trình cũng chính là bài toán mà nhiều doanh nghiệp sẽ phải giải trong thực tế phát triển.
PV *Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|