top-banner-2

Thứ năm, 02/03/2017, 09:50 GMT+7

Doanh nghiệp FDI vẫn muốn sản xuất ô tô tại Việt Nam

Viết bởi ducanh   
Thứ năm, 02/03/2017, 09:50 GMT+7

Theo cam kết trong ASEAN, Việt Nam sẽ cắt giảm dần thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc xuống còn 0% vào 2018. Muốn tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô, nhất là giai đoạn từ năm 2018 trở đi, thì cần phải làm và làm quyết liệt công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất trong nước.

1-doanh-nghiep-fdi

“Việc hàng rào thuế nhập khẩu giảm xuống 0% từ ngày 1/1/2018 rõ ràng sẽ có tác động đến thị trường xe ô tô Việt Nam”, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết.

Doanh nghiệp FDI vẫn mong muốn sản xuất tại Việt Nam

Đối diện với việc thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm xuống 0% vào năm 2018, một số doanh nghiệp FDI đang có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam cho rằng, hãng sẽ giảm bớt các mẫu xe để tăng sản lượng, giảm giá thành xe lắp ráp tại Việt Nam với điều kiện ngành công nghiệp phụ trợ cho xe ô tô của Việt Nam cần tiếp tục phát triển.

Cụ thể, ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam (kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA) cho biết, hãng đang cố gắng thu hẹp lại các dòng xe đang sản xuất tại Việt Nam (2016 làm 5 dòng, 2017 chỉ làm 4 dòng) để tăng sản lượng, 1 năm làm khoảng 50.000 xe.

“Nếu có thể giữ được mức này thì chúng tôi vẫn muốn duy trì sản xuất ở Việt Nam và hướng đến có thể chỉ làm 2-3 mẫu xe. Từ đầu năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô về mức 0%, xét về góc độ thị trường thì đây là tín hiệu tốt song đối với nền sản xuất trong nước thì đây lại là áp lực lớn. Như vậy, làm thế nào để mức thuế đó trở thành ‘cú hạ cánh mềm’ là một câu hỏi rất lớn cần giải đáp?", ông Toru Kinoshita nói.

Tương tự Toyota, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam cho biết, hiện Ford đang sản xuất 4-6 dòng xe tại Việt Nam nhưng trong tương lai (sau 2018) sẽ giảm bớt, chỉ sản xuất một số dòng để chuyên môn hóa.

Đại diện General Moto (GM) cho biết, hiện GM đang bán khoảng 10.000 xe ô tô/năm trong đó 90% số lượng xe bán ra là xe sản xuất tại Việt Nam. “Theo chiến lược của GM thì có phân công cho GM Hàn Quốc sản xuất xe con nên chúng tôi nhập khẩu phần lớn linh kiện từ Hàn Quốc. Thời gian tới, chúng tôi vẫn muốn được sản xuất ô tô tại Việt Nam nếu như mức thuế nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc về Việt Nam giảm để xe lắp ráp tại Việt Nam có giá cạnh tranh hơn. Chúng tôi nhìn thấy thị trường tiềm năng ở Việt Nam và sẵn sàng hợp tác với các cơ quan Nhà nước để vượt qua khó khăn trong các giai đoạn sắp tới”, đại diện GM chia sẻ.

Ông Kayano Kiwamu, Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam cũng chia sẻ mong muốn phát triển sản xuất cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề gặp khó khăn do thị trường nhỏ, hạ tầng chưa đồng bộ, chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng.

Lãnh đạo Honda Việt Nam khẳng định sẽ tập trung phát triển những sản phẩm phù hợp tại Việt Nam, có sức cạnh tranh lớn. Để phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, đại diện Honda đề xuất cần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, hỗ trợ phát triển thị trường ô tô; bên cạnh đó Chính phủ cũng cần ban hành các văn bản nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô một cách bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chênh lệch giá xe trong và ngoài nước bằng cách điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt một cách phù hợp, rút ngắn khoảng cách, nâng cao tính cạnh tranh.

Kiên trì phát triển công nghiệp phụ trợ

Có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp lắp ráp ô tô đều cho rằng cần có hỗ trợ về thuế để giảm giá thành xe sản xuất trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh khi mức thuế xe nhập khẩu nguyên chiếc về 0% vào năm 2018.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco Trường Hải thì cho rằng, muốn giữ doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, cần có sự ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, nhất là ưu đãi cho linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

“Hiện nay, xe Fortuner của Toyota đang nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, chịu thuế 30% trong khi đó thuế với xe lắp ráp tại Việt Nam chỉ 5% nhưng Toyota vẫn chọn phương án nhập khẩu. Có thể do Toyota nhập khẩu để giữ thị trường. Nhưng đến 2018, thuế xe nhập khẩu về 0%, thuế linh kiện cũng về 0% thì sản xuất ở Indonesia và Thái Lan vẫn rẻ hơn ở Việt Nam 20%. Như vậy, ta chỉ còn mỗi thuế tiêu thụ đặc biệt, liệu thuế này có ưu đãi cho linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước hay không? Nếu không làm được thì rất khó để duy trì sản xuất, lắp ráp xe trong nước”, ông Trần Bá Dương nói.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, trong những năm vừa qua, tình hình sản xuất và xuất khẩu ô tô của Việt Nam đều tăng trưởng tốt, thậm chí trong 3 năm (2013-2016), sản lượng đã tăng gấp 3 lần. Trong các dòng xe gồm: Xe con, xe khách (10 chỗ trở lên), xe tải thì xe khách và xe tải hiện không có sự cạnh tranh lớn, có thể nói là khá ổn định, việc cạnh tranh chủ yếu hướng vào dòng xe con.

“Rõ ràng kể cả thị trường Việt Nam có phát triển ở tốc độ ‘kinh ngạc’ thì cũng không thể đáp ứng được 20 nhà sản xuất ô tô như hiện nay. Vì vậy, nếu tính đến phương diện sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam và xuất khẩu sang các nước, tôi kiến nghị mỗi doanh nghiệp chỉ tập trung làm 1-2 mẫu tại Việt Nam. Mẫu đó chỉ dành riêng cho Việt Nam và người tiêu dùng khi muốn mua mẫu đó thì chỉ nghĩ đến Việt Nam thôi. Như vậy mới hi vọng tăng được thị phần sản xuất cho Việt Nam vì một mẫu mà sản xuất ở nhiều nơi thì khả năng tiêu thụ cũng khó hơn”, ông Hải đề xuất.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng muốn tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô, nhất là giai đoạn từ năm 2018 trở đi, thì cần phải làm và làm quyết liệt công nghiệp hỗ trợ. Bởi nếu không có công nghiệp hỗ trợ thì khó phát triển công nghiệp ô tô.

Cụ thể, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa sản xuất linh kiện và phụ tùng, hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nội địa nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn thông qua việc hợp tác, liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện trong và ngoài nước.

Ngoài ra, cần tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước như: Có các biện pháp bảo hộ hợp lý thị trường trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại; bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước (có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ thể nhập khẩu xe đối với người tiêu dùng, tương tự như đối với xe sản xuất trong nước).

Đồng thời, hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị cạnh tranh: Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn linh kiện, phụ tùng, hài hòa hóa tiêu chuẩn; điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc nhỏ hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký;...

Theo Phan Trang - Baochinhphu.vn - 1/3/2017


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Doanh nghiệp FDI vẫn muốn sản xuất ô tô tại Việt Nam

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc