Chuẩn bị khởi công 16 công trình, dự án quan trọng |
Thứ năm, 21/05/2015, 08:47 GMT+7 |
Theo Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, từ nay đến cuối năm phấn đấu hoàn thành 37 công trình, dự án quan trọng quốc gia và hoàn thành thủ tục chuẩn bị khởi công 16 công trình, dự án.
Chuẩn bị khởi công 16 công trình, dự án Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Hoàn thiện khung khổ pháp lý; có cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ, phương thức tổ chức quản lý tiên tiến, nâng cao giá trị gia tăng, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong và ngoài nước... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và bảo đảm chất lượng các công trình trọng điểm quốc gia. Cụ thể, phấn đấu hoàn thành 37 công trình, dự án quan trọng quốc gia và hoàn thành thủ tục chuẩn bị khởi công 16 công trình, dự án. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Khuyến khích và tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội với các hình thức đầu tư phù hợp; đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách về bán, cho thuê, chuyển nhượng công trình hạ tầng, trước hết là trong lĩnh vực giao thông. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đẩy nhanh xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra, giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Khẩn trương cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; tập trung chỉ đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phấn đấu hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 289 doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa, bán phần vốn Nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Tổ chức triển khai hiệu quả Luật Quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ pháp luật, kiện toàn công tác cán bộ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Xây dựng và khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả phương án cơ cấu lại các công ty nông, lâm nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam làm động lực để nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Hỗ trợ phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình; khuyến khích hình thành doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Hỗ trợ hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và áp dụng rộng rãi các loại giống mới. Có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài để tiêu thụ nông sản; thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông lâm, thủy sản và các ngành nghề sử dụng nhiều lao động; thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, dịch vụ, tăng hàm lượng khoa học, công nghệ, tỷ trọng giá trị nội địa và giá trị gia tăng; khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia. Cụ thể, sẽ hoàn thiện, ban hành Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng Quy hoạch phát triển ngành cơ khí đến năm 2025, tầm nhìn tới năm 2035. Ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát huy hiệu quả các khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp, thương mại biên giới. Đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ và dịch vụ logistics. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch; tạo mọi thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại và bảo đảm an toàn an ninh; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá, tránh trú bão, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và hoạt động dài ngày trên biển. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân định cư lâu dài trên các đảo và hoạt động kinh tế trên biển. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn, thông tin liên lạc, nghiên cứu khoa học và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, đảo. Xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Quy hoạch. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới giao thông, điện, nước, thuỷ lợi, thông tin truyền thông, giáo dục, y tế. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng, tạo không gian phát triển thống nhất. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi phát triển các khu vực khó khăn, nhất là miền núi, biên giới, hải đảo, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và phía Tây các tỉnh miền Trung. Theo chinhphu.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|