top-banner-2

Chủ nhật, 26/05/2013, 10:05 GMT+7

Hệ thống văn bản liên quan đến đấu thầu: Không nhất quán

Chủ nhật, 26/05/2013, 10:05 GMT+7

DĐDN có bài viết: “doanh nghiệp trong nước không chầu rìa” phản ánh ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia và cơ quan chức năng đối với dự thảo Luật Đấu thầu mới. Đồng tình với những ý kiến này, nhiều doanh nghiệp còn cho rằng dự Luật Đấu thầu sửa đổi phải giải quyết được tình trạng trùng lặp, chồng chéo giữa các luật và văn bản hướng dẫn.

Theo ông Lê Văn Tăng – Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ KH-ĐT, kết quả rà soát 16 luật và hàng trăm văn bản hướng dẫn (trong đó có Luật Đấu thầu) của VCCI vừa qua được Ban soạn thảo Luật Đấu thầu sửa đổi coi như một kim chỉ nam.

Bám sát kết quả rà soát của VCCI

Chia sẻ với DĐDN ông Tăng nói, hầu hết các chỉnh sửa và bổ sung của dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đều căn cứ vào báo cáo rà soát Luật Đấu thầu của VCCI. Cộng đồng doanh nghiệp là người thường xuyên phải chịu khổ vì những bất cập của hệ thống pháp luật đấu thầu nên họ đã nói lên tiếng nói chính xác nhất. Những báo cáo rà soát Luật của VCCI lại được xây dựng, nghiên cứu rất công phu từ chính thực tế áp dụng và va vấp của doanh nghiệp.

alt

Ảnh minh họa

Sự thiếu nhất quán và trùng lặp giữa các luật liên quan đến đấu thầu rất dễ bị trục lợi. Hiện vấn đề đấu thầu đang được điều chỉnh ở rất nhiều luật như: Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản và bộ luật gốc là Bộ luật Dân sự VN đấy là chưa kể sự không tương thích của một loạt các văn bản dưới luật như Thông tư, Nghị định, Quyết định… Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Cty CP đầu tư dầu khí Toàn Cầu, một số nội dung đúng với luật này nhưng lại sai với luật khác và ngược lại. Sự rối rắm của hệ thống văn bản pháp luật này gây nhiều khó khăn thậm chí tranh cãi cho các đối tượng bị luật chi phối.

Trong khi đó, các luật được Chính phủ giao cho các Bộ chuyên ngành soạn thảo. Ví dụ: Luật Đấu thầu do Bộ KH-ĐT chắp bút, Luật Xây dựng do Bộ Xây dựng soạn thảo. Chính vì vậy, các dự thảo luật khó có thể tránh khỏi ý kiến, quan điểm chủ quan thậm chí đôi khi là lợi ích cục bộ của các cơ quan. Hệ quả tất yếu là nó có sự vênh nhau giữa các luật nên việc áp dụng luật này thì mâu thuẫn với luật khác…

Theo Báo cáo rà soát pháp luật kinh doanh của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị “rà soát phần phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng theo hướng các nội dung đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… thì không để lại trong Luật Xây dựng nữa. Sửa đổi này nhằm đảm bảo tính minh bạch và thống nhất, loại bỏ tình trạng trùng lặp, chồng chéo và mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật”.

Quy về một đầu mối

Báo cáo về sửa đổi Luật Đấu Thầu của Chính phủ trình UB thường vụ Quốc Hội vừa qua cũng đề xuất, chuyển toàn bộ Chương VI về lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng trong Luật Xây dựng vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) nên giới hạn mục đích đề ra là lựa chọn được nhà thầu chứ không phải cả nhà thầu và nhà đầu tư.
Theo ông Vũ Chu Hiền - Trọng tài viên VIAC, hiện nay khi thực hiện Luật Đấu thầu, các nhà quản lý, các doanh nghiệp thường phải tham chiếu hàng loạt các qui định tại các luật, nghị định, thông tư, quyết định... Các qui định này thường không đầy đủ, chồng chéo dẫn đến việc hiểu và thực hiện rất tùy tiện, gây lãng phí thời gian và tiền bạc của các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp. Đây là thực trạng cần khắc phục trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này.

Cụ thể khi xem xét dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) nên giới hạn mục đích đề ra là lựa chọn được nhà thầu chứ không phải cả nhà thầu và nhà đầu tư. Bởi vì, đây là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau chịu sự điều chỉnh của các nguồn luật khác nhau.

TS Phạm Sỹ Liêm - Tổng Hội xây dựng VN cho biết, hiện nay trong đấu thầu mua sắm công, dạng đấu thầu để chọn lựa nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng đang có nhiều nhược điểm, nhiều kẽ hở, khiến cho nhiều dự án đầu tư xây dựng công đạt hiệu quả kém do lựa chọn phải nhà thầu kém năng lực. Tuy nhiên, đấu thầu trong các loại hình mua sắm công khác nhau đều giống nhau ở chỗ vận dụng quy luật cạnh tranh thị trường để chọn bên cung ứng thích hợp nhất.

Vậy nếu muốn Luật Đấu thầu được áp dụng chung cho tất cả các loại hình mua sắm công thì chỉ nên quy định đấu thầu mua sắm công phải áp dụng quy luật cạnh tranh. Sau đó, Luật giao cho Chính phủ ban hành nghị định quy định cụ thể. Như vậy, có thể quy định rất sâu về mỗi dạng đấu thầu, và khi cần thay đổi các quy định này thì cũng dễ dàng và ít tốn công sức hơn.

Theo dddn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hệ thống văn bản liên quan đến đấu thầu: Không nhất quán

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc