top-banner-2

Chủ nhật, 26/05/2013, 10:00 GMT+7

Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở: Chưa công bằng?

Chủ nhật, 26/05/2013, 10:00 GMT+7

Tại cùng một dự án nhà ở, nhưng người mua trước 7/1/2013 không được hưởng gói vay lãi suất ưu đãi, còn mua sau ngày này lại có thể.

Từ ngày 1/6/2013, sẽ chính thức giải ngân gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/2013 của Chính phủ với mức lãi suất thấp (6%) được kỳ vọng như một mồi lửa hâm nóng thị trường BĐS, giải quyết khó khăn về nhà ở cho nhiều người dân. Tuy nhiên, đã cận kề ngày 1/6, vẫn còn nhiều trăn trở từ cả phía ngân hàng lẫn người có nhu cầu vay vốn.

Không được vay nếu ký hợp đồng mua nhà trước 7/1/2013

Là đơn vị đã tiên phong trong số 5 ngân hàng được giao thực hiện gói 30.000 tỷ đồng, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT của BIDV nhận định: Gói hỗ trợ này đi vào cuộc sống có tác động kích thích tăng trưởng GDP, củng cố niềm tin của người dân vào thị trường BĐS. Nhưng theo ông Hà, “không kỳ vọng nó sẽ thỏa mãn được mọi nhu cầu. Cần có thời gian thực hiện để đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp”.

alt

Khu chung cư thu nhập thấp ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội

Còn ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lưu ý: Thông tư 11/2013 là chính sách rất lớn để giải quyết câu chuyện về nhà ở cho người thu nhập thấp, tạo điều kiện cho cả ngân hàng, doanh nghiệp BĐS, người mua nhà. Tuy nhiên, không thể giải quyết được nhiều bài toán cùng một lúc.

Một trong những băn khoăn hiện nay là tính công bằng trong hưởng lợi từ gói hỗ trợ này giữa khách hàng mới và cũ của các dự án nhà ở xã hội. Bởi theo quy định chỉ những hợp đồng ký kết mua nhà từ 7/1/2013 trở đi thì khách hàng mới thuộc diện xét điều kiện được vay vốn từ gói hỗ trợ này. Như thế, mua nhà cùng một dự án, thậm chí có thể 2 căn hộ mua liền kề nhau, nhưng căn mua trước 7/1 (có thể chủ hộ cũng khó khăn, vì phải đóng tiền đúng tiến độ nên đã vay NH và đang phải trả lãi suất thương mại cao tới 14-15%/năm), còn căn mua sau 7/1 thì có thể được vay lãi suất 6%/năm.

Đơn cử, tại khu nhà ở thu nhập thấp thuộc KĐT Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Phương cho biết: "Do phải đóng đủ tiền mới được nhận nhà, cách đây 1 năm, gia đình đã phải đi vay NH với lãi suất 15%/năm để nộp cho chủ đầu tư. Nay thấy có gói lãi suất 6% nhưng mình lại không thuộc diện được vay thì thấyrất buồn và lo lắng về món nợ gần 200 triệu đang phải trả lãi cao chỉ vì trót mua nhà trước 7/1/2013”.

Về điểm này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng của NHNN giải thích: Thời điểm Nghị quyết 02 của Chính phủ ra đời là ngày 7/1/2013 chi phối toàn bộ Thông tư 11 và Thông tư 07. Do đó, việc áp dụng phải theo đúng ngưỡng từ ngày 7/1/2013 theo quy định.

Hơn thế, theo ông Mạnh, các gói hỗ trợ không thể nhắm đến đảm bảo lợi ích của mọi đối tượng được. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở lần này nhằm vào hoàn thiện các dự án đang dang dở. Cho nên, các chi phí phát sinh từ 7/1 đến nay chưa thanh toán thì mới được vay vốn, còn đã thanh toán thì không thể hồi tố lại. “Nếu hồi tố lại cũng không có tác dụng gì cho xã hội. Cái ta cần hiện nay là bơm tín dụng để làm tươi mới thị trường lên chứ không phải thay đổi cái đã ổn định. Những người đã đóng tiền mua trước 7/1/2013, nghĩa là đã sẵn sàng tham gia vào việc mua nhà để ở, tức là họ có điều kiện. Những đối tượng này nếu giờ cho vay thì thị trường vẫn đứng im. Chúng ta cần là tác động vào thị trường ở các phân khúc tiềm năng nhu cầu. Rõ ràng gói hỗ trợ tín dụng này là vừa nhằm vào giải quyết vấn đề nhà ở vừa kích thích thị trường BĐS”- ông Mạnh nhấn mạnh.

Trước thực trạng này, có nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp để tạo sự bình đẳng giữa các khách hàng trong cùng một dự án khi thụ hưởng ưu đãi của chính sách này. Về phía Ngân hàng, ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV cho rằng, để có thể điều chỉnh để cả đối tượng mua nhà trước 7/1/2013 cũng được vay thì phải phụ thuộc vào quy định về đối tượng được vay và cần có ý kiến của Bộ Xây dựng.

Cần giải pháp khác cho vấn đề nhà ở?

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT của BIDV nhấn mạnh: “Đừng bao giờ nghĩ Ngân hàng Nhà nước chỉ là một vòi duy nhất cung ứng nguồn vốn cho nhà ở xã hội. Bởi vì, trong 30.000 tỷ đồng, nếu tính 70% cho người vay cuối cùng thì là 21.000 tỷ đồng. Giả định giá nhà trung bình 13 triệu đồng/m2, với diện tích bình quân 50m2/căn hộ. Vậy sau 1 năm số vốn này giải quyết được 32.000 căn hộ. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nhu cầu cần 600.000 căn hộ, tức là số tiền hiện tại mới chỉ đáp ứng khoảng 5%. Do vậy, không phải NHNN có thể lo hết được, điều quan trọng là cần phải sớm thành lập cơ quan tái chế chấp nhà theo thông lệ các nước và Quỹ phát triển nhà ở phải có. Nhưng đến nay vẫn chưa có gì”.
Vì thế, ông Trần Bắc Hà đề nghị rằng, về nguồn vốn, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cần phải nghiên cứu thêm để giải bài toán nhà ở này. Vì “với cách làm hiện nay, không biết bao giờ mới giải quyết xong nhu cầu  600.000 căn hộ, chưa nói đến việc nhu cầu sẽ còn tăng lên”.

Theo VOV online

Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở: Chưa công bằng?

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở: Chưa công bằng?

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc