Nghị định 25/2013/NĐ-CP: Gỡ vướng về thu phí nước thải |
Chủ nhật, 12/05/2013, 08:49 GMT+7 |
Nghị định số 25/2013/NĐ-CP về phí BVMT đối với nước thải được Chính phủ ban hành mới đây là một công cụ kinh tế hữu hiệu trong BVMT, góp phần khuyến khích các DN, tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ xử lý chất lượng nước thải, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường. Nghị định mới khuyến khích các DN đầu tư công nghệ thân thiện môi trường Thực ra, đây không phải lần đầu tiên Chính phủ ban hành một nghị định về phí BVMT đối với nước thải. Trước đó đã có Nghị định 67/2003/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Tuy nhiên, sau gần 9 năm triển khai, còn một số vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện như công thức tính toán phức tạp, khó khăn, việc lấy mẫu xét nghiệm, quan trắc môi trường cũng như việc áp dụng rất khó khăn cho nên nhiều DN tìm cách đối phó với công tác bảo vệ môi trường. Nghị định 25 được ban hành sẽ cơ bản khắc phục một số vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện Nghị định 67/2003/NĐ-CP. Những điểm mới Nghị định 25 quy định khung mức thu phí cố định theo năm tối đa không quá 2,5 triệu đồng đối với tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến thuộc diện nộp phí BVMT đối với nước thải. Ngoài mức phí cố định nêu trên, các DN xả nước thải với khối lượng từ 30 m3/ngày đêm trở lên thì nộp phí biến đổi đối với 2 chất gây ô nhiễm là nhu cầu ôxy hoá học (COD) và chất rắn lơ lửng (TSS) theo khung mức đối với từng chất lần lượt từ 1.000 – 3.000 đồng/kg và 1.200 – 3.200 đồng/kg (thay vì mức khung từ 100 – 300 đồng/kg và từ 200 – 400 đồng/kg quy định tại Nghị định 67). Riêng các DN có nước thải chứa kim loại nặng thì mức phí cố định nêu trên được nhân thêm với hệ số K từ 2 – 21 tuỳ vào lượng nước xả thải của đơn vị tính theo m3/ngày đêm. Nghị định góp phần giảm tải khối lượng công việc cũng như chi phí của DN sản xuất và cơ quan thu phí trong việc kê phai, nộp phí đối với nhóm các cơ sở có khối lượng nước thải ít (dưới 30m3/ngày đêm), do chỉ phải nộp một khoản phí cố định cho cả năm sản xuất. Chặng đường chông gai Theo thống kê, tỷ lệ thu phí nước thải của VN còn rất thấp, như hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM chỉ thu được chừng 20 - 30% so với dự kiến. Nhiều nơi có hệ thống xử lý nước thải lại không được vận hành, vì vậy số lượng lớn nước thải chưa qua xử lý lại thải trực tiếp ra môi trường. Các làng nghề hầu như không có hệ thống xử lý nước thải, mà chúng xả trực tiếp ra môi trường. Trên địa bàn cả nước mới có 45/64 tỉnh, thành phố thực hiện việc thu phí, hiện vẫn còn 19 tỉnh, thành phố chưa thực hiện việc thu phí. Với gần 1/3 số địa phương trên cả nước chưa thực hiện việc thu phí, đây thực sự là một tồn tại lớn mà trong thời gian tới cần khắc phục. Việc thu phí nước thải công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn với số phí thu được còn thấp, chỉ đạt khoảng 10% tổng số phí. Có 22 tỉnh chưa triển khai thu phí nước thải công nghiệp. Một số thành phố lớn là trung tâm công nghiệp của cả nước nhưng chưa thực hiện, hoặc thực hiện chưa triệt để công tác thu phí thể hiện qua việc số phí thu được còn thấp so với quy mô phát triển công nghiệp tại địa phương. Ngoài ra, số cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về môi trường của nước ta chỉ là 13 cán bộ/một triệu dân, chưa nói đội ngũ quản lý môi trường chưa được đào tạo đầy đủ. Hiện chỉ có 25% số cán bộ được đào tạo đúng chuyên môn. So với các nước láng giềng, số cán bộ làm công tác quản lý môi trường của VN chỉ bằng một nửa đến một phần ba, như Thái Lan có 30 cán bộ /một triệu dân, Campuchia có 50 cán bộ/một triệu dân. Theo dddn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|