Tạm hoãn “đại phẫu” nợ xấu để cứu thêm doanh nghiệp? |
Thứ sáu, 10/05/2013, 11:34 GMT+7 |
Ngày 8/5, cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước tổ chức xin ý kiến các chuyên gia, đại diện ngân hàng thương mại về việc thực hiện Thông tư số 02 quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro từ ngày 1/6 tới. Ảnh minh họa Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 02 đã tiếp cận gần hơn các thông lệ quốc tế về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; việc thực hiện sẽ đưa ra bức tranh nợ xấu, về chất lượng tài sản có, phân loại mức độ rủi ro tương đối phù hợp trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. “Thông tư 02 được thực hiện trong bối cảnh tái cơ cấu hệ thống. Tái cơ cấu đi cùng với đổi mới, củng cố các chuẩn mực an toàn một cách chặt chẽ hơn, cao hơn. Đó là động lực để Ngân hàng Nhà nước đưa ra Thông tư 02. Thông qua Thông tư 02, sẽ lột tả đầy đủ hơn, chính xác hơn, hợp lý hơn chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng cũng như những rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống. Chừng nào chúng ta nắm bắt được thực trạng của nó thì mới có được những giải pháp để tái cơ cấu, để giúp xử lý hệ thống phát triển một cách an toàn, lành mạnh và bền vững trong tương lai”, ông Nghĩa nêu góc nhìn của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, vị lãnh đạo chuyên trách này cũng đặt vấn đề, vừa rồi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trực tiếp đi tiếp xúc với doanh nghiệp tại hầu hết các tỉnh thành, phản ánh chung là yêu cầu giãn Thông tư 02, tránh dồn thêm áp lực khi họ đang khó khăn, cũng như tránh hạn chế khả năng tiếp cận vốn của họ. Theo đó, việc giãn thời điểm áp dụng Thông tư 02 hay không đang được xem xét. Giấy chứng nhận sức khỏe để ngỏ? Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại phản ứng: “Không nên giãn Thông tư 02. Phải xem lại mục đích chung là gì, chứ không phải né tránh vì chính sách khiến người này hay người nọ phải hy sinh. Phải có sự trả giá, đào thải và tuân theo quy luật của thị trường”. Ông cho rằng, Thông tư 02 giống như một giấy chứng nhận sức khỏe cho ngân hàng và doanh nghiệp. Họ có bệnh hiểm nghèo thì cần xác định đúng, tiến hành đại phẫu. Cùng quan điểm trên, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: “Tôi cho rằng không nên hoãn lại với bất cứ lý do nào. Thông tư 02 là một cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng. Nếu hoãn, cứ cho rằng nợ xấu trong vòng kiểm soát, 6 tháng nữa, một năm nữa chúng ta sống trong ảo tưởng đang tốt. Cái giá phải trả khi áp dụng lớn, nhưng không thấm vào đâu nếu áp dụng sẽ giúp lành mạnh hóa hệ thống, hội nhập với thế giới”. “Nếu nói hoãn lại đi, chúng ta sẽ mất uy tín với quốc tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ mất uy tín trên thị trường quốc tế. Cứ có bên này bên kia kêu chúng ta lại hoãn, rồi người ta đặt ra vấn đề chính sách tương lai đưa ra có hoãn nữa không”, chuyên gia này nói thêm. Theo ông Hiếu, phải biết bệnh của doanh nghiệp, của ngân hàng để có phương án xử lý phù hợp, tránh việc đưa ra một giấy chứng nhận sức khỏe rồi không biết bệnh là gì mà cứ bơm tiền cho nó… “Việc lùi lại chỉ là hoãn binh thôi. Cái tôi muốn nói là trích lập dự phòng, phân loại nợ cho chính xác, từ đó Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cùng xây dựng phương án thực tế. Còn hơn chúng ta nhắm mắt đi trên một con đường mà không biết sắp rơi vào hố”. Trực tiếp hoạt động trong ngành, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự tính, tại một số ngân hàng thương mại nợ xấu hiện chỉ 3 - 4%, nhưng nếu áp dụng Thông tư 02, có thể lên 10%, 20%, thậm chí cao hơn nữa. Mà như vậy, nợ xấu sẽ ăn vào vốn chủ sở hữu, trong khi lợi nhuận đang rất khó khăn để có thể trám vào. “Nhưng, chúng ta cần xem đây là cuộc giải phẫu ghê gớm nhất, lớn nhất, từ đó sẽ xử lý bệnh tốt nhất!”, ông Hiếu kết luận. Chọn thời điểm “sạch sẽ”? Trước yêu cầu phải xử lý, những ý kiến khác lại trù tính một lộ trình dưỡng sức cần thiết, bởi lo nhiều bệnh nhân không đủ sức để vượt qua cuộc đại phẫu ngay lúc này. Cho rằng ý kiến trên của ông Hiếu là hoàn toàn đúng và mãi mãi đúng, song ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), lại nhìn nhận là chưa đúng thời điểm. Đồng ý Thông tư 02 là cần thiết và đúng mục tiêu, song ông Hưởng dự tính nhiều doanh nghiệp hiện đang ốm yếu, nay chính sách lại siết chặt hơn nữa thì họ sẽ “chết”. Ông Hưởng lập luận, cả hệ thống đang cố gắng hạ lãi suất, nếu thực hiện Thông tư 02 ngay, nợ xấu sẽ tăng rất cao, chi phí trích lập dự phòng rất lớn và sẽ khiến các ngân hàng trì hoãn việc giảm lãi suất cho vay, nếu không nói là có khả năng nâng lãi suất lên để bù đắp chi phí. Ngoài việc giãn, về phía doanh nghiệp, Phó chủ tịch LienVietPostBank đề nghị cần xem xét lại việc chuyển nhóm nợ ở nhóm 3 Thông tư 02. Ông nêu thực tế, việc doanh nghiệp chậm thanh toán là thường diễn ra, nên việc gia hạn là bình thường, nhưng khi mới gia hạn lần đầu đã bị chuyển ngay thành nợ xấu, doanh nghiệp bị “xấu” dù vẫn khỏe. Cũng từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, nói rằng ngân hàng này ủng hộ Thông tư 02 bởi thêm rõ ràng và minh bạch, nhưng tác động đến các doanh nghiệp là cần xem lại, có lẽ cần giãn một thời gian nhất định để hỗ trợ và củng cố sức khỏe của họ. “Các chương trình vừa rồi, như cho vay trữ gạo, hoạt động xuất khẩu bên ngoài biến động, nếu không gia hạn để các doanh nghiệp tiếp tục mua gạo của nông dân thì chính nông dân gặp khó trước, vì doanh nghiệp có thể dừng mua gạo cho nông dân. Có những doanh nghiệp gần như đang chết, nhưng họ chỉ cần một phương án kinh doanh thôi. Chúng tôi biết doanh nghiệp nào có thể cứu, doanh nghiệp nào không. Khi doanh nghiệp có nhiều phương án kinh doanh, nếu một phương án khó, nhưng với năng lực hiện có họ có thể khai thác phương án mới. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy một phương án khó mà chuyển họ thành nợ xấu thì họ làm sao vay nợ được nữa”, ông Thắng nói (liên quan đến một quy định nổi bật trong Thông tư 02 là nếu doanh nghiệp có nhiều khoản vay, một khoản bị phân loại ở nhóm rủi ro cao thì các nhóm khác cũng bị “liên lụi” theo). Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra góc nhìn: “Từ góc độ người làm ngân hàng lâu năm, tôi rất ủng hộ Thông tư 02. Chúng ta đang chuẩn bị cơ cấu lại ngân hàng, muốn cơ cấu phải đánh giá đúng thực trạng. Muốn không muốn các ngân hàng cũng phải phấn đấu theo hướng an toàn, bền vững, có chất lượng cao, rút ngắn khoảng cách với khu vực và thế giới”. Nhưng về triển khai Thông tư 02, nhìn từ phía doanh nghiệp, ông Kiêm “rất hoang mang và suy nghĩ khi Thông tư 02 ra đời và trong tình hình hiện nay triển khai thì rất khó khăn, các doanh nghiệp vốn đã khó tiếp cận ngân hàng rồi, mà càng khó vì không đủ tiêu chuẩn vay”. “Tôi đã nói với Ngân hàng Nhà nước là hãy từ từ áp dụng. Từ từ không phải là không làm, mà thông qua các dự báo, tiêu chí, để các ngân hàng tự chỉnh, tự sửa, vừa đáp ứng yêu cầu nới ra cho doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn, qua đó xử lý nợ xấu, bước sang thời điểm tương đối sạch sẽ hơn thì chúng ta áp dụng sẽ hợp lý. Nhưng tôi cho rằng cũng không nên kéo dài, bản thân ngân hàng và doanh nghiệp tự xử lý, chỉnh sửa. Thời gian giãn hoãn càng ngắn càng tốt. Chẳng hạn hết năm nay. Nguyện vọng của doanh nghiệp là kéo càng dài càng hay. Tôi vừa là người làm ngân hàng vừa từ doanh nghiệp, tôi nghĩ không nên kéo dài, đến cuối năm nay là tốt rồi”, ông Kiêm nêu quan điểm. Sau những ý kiến trên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng “xuôi” khi nói rằng: “Chúng ta hiểu khó khăn của doanh nghiệp và tìm cách tháo gỡ. Trong tình trạng thế này, về phía doanh nghiệp, nếu áp dụng Thông tư 02 sẽ bóp nghẽn các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có tiềm năng phục hồi và trở thành khách hàng tốt của ngân hàng… Trên quan điểm đó, tôi thấy việc hoãn Thông tư 02 cuối cùng để Ngân hàng Nhà nước tự định đoạt tùy theo nhu cầu của nền kinh tế, tùy theo khuynh hướng chính sách tiền tệ”. Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tính toán. Còn về thời gian, thời điểm Thông tư 02 có hiệu lực chỉ còn ba tuần nữa! Theo Vneconomy Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|