TP.HCM sẽ "thông minh" như thế nào? |
Thứ ba, 28/11/2017, 15:17 GMT+7 |
Chỉ một lần đăng nhập, người dân có thể thực hiện được toàn bộ các giao dịch với chính quyền. Đồng thời, thanh toán điện tử, chữ ký số, hồ sơ được điện tử hóa… hứa hẹn đem lại thuận tiện tối đa cho người dân. Nếu tìm kiếm từ khóa “Thành phố thông minh” trên Google, bạn sẽ nhận được 67 triệu kết quả với những định nghĩa khác nhau. Các chuyên gia hàng đầu về thành phố thông minh cũng không thể đưa ra hình mẫu chung về thành phố thông minh. Trong khi London phát triển hệ thống hạ tầng thông minh ứng dụng công nghệ cao làm nền tảng nâng cao chất lượng dịch vụ thì San Francisco nổi lên với những ứng dụng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Đại diện của châu Á, Seoul đã đi tiên phong trong công nghệ di động 5G cùng với chiến dịch “Seoul thông minh”. London phát triển hệ thống hạ tầng thông minh ứng dụng công nghệ cao Đối với TP.HCM, đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh vừa được công bố mới đây xác định: “Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị.” Chính quyền "dự báo" Đề án đặt ra mục tiêu quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo, chuyển việc quản trị đô thị sang trạng thái “chủ động”. Bên cạnh đó, khả năng dự báo chính xác hơn về dựa trên các số liệu từ nhiều nguồn cũng là ưu tiên hàng đầu trong xây dựng thành phố thông minh Hồ Chí Minh. Tại buổi công bố, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng đinh: Đối với chính quyền thành phố, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn, và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các lĩnh vực hoạt động. Chính quyền điện tử được coi như bộ não của thành phố thông minh Các dữ liệu thu thập từ các thiết bị IoT, nguồn xã hội… sẽ được xử lý, phân tích bởi các công cụ phân tích dữ liệu lớn để cho ra những thông tin hữu ích. Từ những thông tin đó, chính quyền có thể dự báo xu hướng, tiên lượng được các vấn đề làm cơ sở xây dựng chiến lược, kịch bản ứng phó phù hợp. Đó sẽ là nền tảng quan trọng trong chính quyền điện tử thông minh, bộ não của thành phố thông minh. Trong mô hình thành phố thông minh mà TP.HCM hướng tới, người dân cũng sẽ được hưởng những lợi ích trực tiếp từ chính quyền điện tử. Người dân có thể truy cập vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến tập trung bằng nhiều hình thức khác nhau như qua website, ứng dụng di động… Chỉ một lần đăng nhập, người dân có thể thực hiện được toàn bộ các giao dịch với chính quyền thay vì phải “gõ từng cửa” như trước. Đồng thời, thanh toán điện tử, chữ ký số, hồ sơ được điện tử hóa… hứa hẹn đem lại thuận tiện tối đa cho người dân TP.HCM. Chỉ một lần đăng nhập, người dân sẽ có thể thực hiện được toàn bộ các giao dịch với chính quyền. (Hình minh họa) “Đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách hiệu quả hơn, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia vào các quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố”, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh. Những nội dung trên được đề án xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020 cụ thể hóa thành 9 nhóm giải pháp thông minh chuyên ngành. Đó là: cải cách hành chính, giao thông thông minh, giải pháp về môi trường, giải pháp chống ngập, phát triển nguồn nhân lực, chỉnh trang đô thị, y tế thông minh, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự và an toàn. Những trụ cột của TP.HCM thông minh Để thực hiện những mục tiêu trên, đề án đề ra những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên xây dựng gồm: kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội; trung tâm điều hành đô thị thông minh và trung tâm an toàn thông tin thành phố. Kho dữ liệu dùng chung tích hợp các cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành và các quận huyện thành Kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Kho dữ liệu này sẽ làm cơ sở phục vụ cho công tác dự báo chiến lược phát triển của thành phố cũng như triển khai các ứng dụng tích hợp phục vụ công tác điều hành. Bên cạnh đó, hệ sinh thái dữ liệu mở tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu với người dân, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền, xã hội. Với Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho thành phố, nhà quản lý có thể được những kết quả dự báo dựa trên các dữ liệu đầu vào và tính toán, mô phỏng. Từ đó, chính quyền thành phố có thể dự đoán được các thông tin về tăng trưởng GDP và cơ cấu kinh tế, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực, tăng trưởng dân số, nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu giao thông… Vận hành một đô thị lớn như TP.HCM đòi hỏi phải có đầy đủ thông tin đa chiều để đưa ra các quyết định. Trung tâm điều hành thông minh sẽ tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu của thành phố, từ đó giúp chính quyền các cấp điều hành một cách tổng thể. Những báo động về tình hình an toàn thông tin Việt Nam đã được các chuyên gia công bố tại hội thảo An toàn thông tin Việt Nam 2017 vừa qua. Cùng sự phát triển của đô thị thông minh, các hệ thống CNTT, IoT… cũng tạo ra những rủi ro về an ninh thông tin. Bởi vậy, Trung tâm An toàn thông tin là yếu tố quyết định sự vận hành ổn định và an toàn của TP.HCM thông minh. Những nhiệm vụ trên cùng với một số giải pháp thông minh đáp ứng những nhu cầu cấp thiết hiện nay của thành phố sẽ được ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đầu của đề án từ 2017 - 2020. Giai đoạn 2 của đề án (2021 - 2025), TP.HCM sẽ tập trung triển khai các giải pháp thông minh trong các lĩnh vực chuyên ngành một các đồng bộ. Theo Phạm Sơn - khampha.vn - 28/11/2017 Link nguồn: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tphcm-se-thong-minh-nhu-the-nao-c7a593459.html
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|