top-banner-2

Thứ bảy, 15/02/2014, 11:30 GMT+7

Hai nửa của DOM

Thứ bảy, 15/02/2014, 11:30 GMT+7

Dom là tên gọi thân mật của ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Dragon Capital, một trong những công ty quản lý quỹ đã hoạt động 20 năm tại Việt Nam. Nhà tài chính này cũng được xem là một người khá cởi mở với giới truyền thông.

Ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Dragon Capital

Ông Tây bảo tồnVăn phòng của Dragon Capital nằm trên lầu 19 một cao ốc ở trung tâm Q.1, mặt hướng ra sông Sài Gòn. Những bức tranh cổ động được treo rải rác từ sảnh lễ tân đến phòng họp.

Nguy cơ mất một thời kỳ của mỹ thuật Việt Nam là một trong những động cơ khiến nhà tài chính này bỏ công ra nghiên cứu loại tranh này trong nhiều năm. “Tranh cổ động trước đây ít được người Việt Nam quan tâm. Tôi thấy (mình) nên tập trung nghiên cứu một chút...”, Dom nói, sau khi thừa nhận nghiên cứu tranh cổ động là sở thích cá nhân.

Nghe đâu, cái một chút đó đã mang lại cho Dom một bộ sưu tập khá đồ sộ, lên đến cả ngàn bức. Và ông cũng đã tổ chức triển lãm tranh cổ động Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.

Đối với Dom, tranh cổ động là một loại hình nghệ thuật phổ biến của những nước đã và đang theo đuổi mô hình chủ nghĩa xã hội. Có sự khác nhau giữa tranh cổ động của những quốc gia cùng chung ý thức hệ.

“Khác với tranh Liên Xô thường được sản xuất hàng loạt, tranh cổ động Việt Nam là những sáng tạo độc bản. Tranh Việt cũng không giống tranh Trung Quốc”, Dom nhận xét. “Trong tranh cổ động của Trung Quốc không bao giờ thấy nỗi buồn. Việt Nam thì khác, hiếm khi thấy nụ cười. Người ta chiến đấu. Người ta đau khổ. Người ta một mình. Người ta phải tự cứu mình...”.

Đóng góp phần nào cho xã hội là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, phù hợp với đạo lý của người Việt, theo lời Dom. Ngoài tranh cổ động, Dom còn được biết đến với vai trò sáng lập tổ chức bảo vệ động vật hoang dã phi lợi nhuận Wildlife at Risk (WAR), vừa kỷ niệm tuổi lên 10.

Các tổ chức phi lợi nhuận ở Việt Nam lên đến con số 600, 700, nhưng chỉ có khoảng 20 đơn vị làm công tác bảo tồn, chủ yếu tập trung ở phía Bắc. “Nhu cầu lớn, lại ít người làm khiến WAR ra đời ở khu vực phía Nam”, Dom cho biết.

Với 2 trạm ở Kiên Giang và TP.HCM, WAR thực hiện chức năng cứu hộ những con thú bị buôn bán trái phép. Thế nhưng không phải tất cả đều có thể quay về với thế giới tự nhiên, chẳng hạn như gấu nuôi lấy mật.

Bị cầm tù quá lâu khiến chúng mất bản năng hoang dã, ngơ ngác trước thiên nhiên. Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy gấu trưởng thành cần khoảng 6 tháng để tự lấy trái cây làm thức ăn. Hiện WAR cưu mang khoảng 60 con gấu.

Thú càng lớn càng khó thay đổi. Người cũng vậy. Thế nên, WAR đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của trẻ em về bảo vệ môi trường. “Thiên nhiên bị hao mòn đáng kể trong hơn 2 thập niên qua”, Dom nhận xét.

Ngã rẽ

Cách nay hơn 2 thập niên, Dom đến Việt Nam cùng một người bạn. Đấy là năm 1991, thời điểm có nhiều biến động đáng chú ý. Liên bang Xô Viết, mắt xích lớn nhất trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, sụp đổ.

Cũng trong năm 1991, Việt Nam khẳng định mạnh mẽ đường lối đối ngoại rộng mở. Sự đổi thay về tư duy ngoại giao báo hiệu sự thay đổi về tư duy kinh tế; cơ hội kinh doanh mở rộng hơn đối với nhiều thành phần kinh tế.

Sau chuyến đi xuyên Việt 10 ngày, Dom từ bỏ công việc ở Hồng Kông, quay lại Việt Nam học tiếng Việt. Dường như những quốc gia đang bị cấm vận có một hấp lực khó lý giải đối với một số người phương Tây.

Ngoài Việt Nam, ông thừa nhận rằng mình còn muốn tìm hiểu về Myanmar. Nhưng việc hệ thống trường đại học bị chính quyền Rangoon đóng cửa khiến Dom chỉ còn lại một lựa chọn.

Kết thúc 2 năm học tiếng Việt cũng là lúc túi tiền của Dom sắp cạn. Không kiếm được việc làm ở Hà Nội, ông quyết định Nam tiến.

Một công ty mà Dom quen biết trong thời gian làm việc ở Hồng Kông đồng ý nhận ông vào văn phòng đại diện của họ tại TP.HCM. Làm việc chưa đầy một năm, Dom tách ra, cùng một số bạn bè thành lập Công ty Dragon Capital. Đó là năm 1994, cũng là thời điểm Việt Nam được Mỹ xóa cấm vận.

Dự án đầu tiên của Dom là hiệu đính bản tiếng Anh đề án thành lập thị trường chứng khoán do chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch soạn thảo. Có lẽ, Dom là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên có cơ hội tiếp cận toàn văn nội dung bản đề án này.

Qua năm 1995, Dragon Capital thành lập quỹ đầu tiên: VEIL, huy động được 16 triệu USD. Triết lý đầu tư của Dragon Capital là chấp nhận vai trò nhà đầu tư thiểu số.

Một trong những khoản đầu tư được xem là khá thành công của VEIL là rót 5 triệu USD vào Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) thông qua hình thức trái phiếu chuyển đổi. Đây là phương thức nhằm lách quy định không cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia công ty cổ phần.

“Tình hình Việt Nam lúc đó cũng giống như Myanmar bây giờ. Người ta đua nhau lập quỹ dù chưa có gì để đầu tư”, Dom nhớ lại. “Trong khoảng thời gian 4 năm đầu, chúng tôi mất khoảng 1/3 lượng vốn. Cũng may là chúng tôi vốn ít. Quỹ VEIL nhỏ nhất thị trường”.

Kém hiệu quả là tình trạng chung của các quỹ đầu tư. Một phần là vì họ không có người biết tiếng Việt, không am hiểu đối tác bản xứ. “Người Việt Nam rất lịch sự, không thích nói không. Hỏi cái này làm được không? Trả lời: Ừ, có thể. Cái có thể ấy nghĩa là không được đâu”, Dom nhận xét.

Phần khác, quan trọng hơn, là tiền đồng bị phá giá 2 lần trong giai đoạn 1995-1997. Nhiều quỹ đầu tư tháo chạy. “Tôi không bỏ được. Trong số những nhà đầu tư vào quỹ có cha tôi, mẹ tôi, em gái tôi”, Dom lý giải quyết định bám trụ thị trường.

Giọng nhấn nhá, Dom nói tiếp: “May mắn là đến năm 2000, thị trường chứng khoán mở cửa. Chỉ số VN-Index sau một năm tăng từ 100 lên 500. Sau một năm nữa thì rớt xuống 200”.

Nhà đầu tư lạc quan

Năm 2014, Dragon Capital tròn 20 tuổi. Đương nhiên, Sài Gòn cũng không còn lạ lẫm với ông Tây nói tiếng Việt giọng Bắc. Có người còn khẳng định từng thấy Dom ngồi sau xe ôm chạy vào đường ngược chiều.

Câu chuyện “ngược chiều” của Dom còn được thể hiện qua những phát ngôn trên mặt báo. Cuối tháng 3/2007, nhiều định chế tài chính nước ngoài tỏ ra hoài nghi về thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index rớt xuống dưới 900 điểm.

Nhưng Dom lại khá lạc quan khi dự báo giá trị vốn hóa thị trường sẽ đạt 100 tỉ USD, giá trị giao dịch hằng ngày sẽ đạt 500 triệu USD. Thực tế chưa diễn ra như kỳ vọng của Dom.

Tháng 6/2011, Dom khiến dư luận ít nhiều bất ngờ với nhận định trên trang điện tử NDHMoney.vn: “Người ta khó tin với điều này nhưng tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để đầu tư…”.

Đại diện một quỹ đầu tư (không muốn nêu tên) nói với người viết rằng “nhà tài chính phải tự thuyết phục mình trước khi thuyết phục người khác”.

Tuy nhiên, Dom không tán thành nhận định này: “Chắc không phải là nhà tài chính. Người nào muốn có khách hàng phải tự tin. Anh sản xuất cây viết, thì anh phải tự tin rằng cây viết đó bền. Nhà tài chính cũng vậy... Người trong cuộc lúc nào cũng phải lạc quan, đúng không? Nếu không lạc quan thì không sống được, vấn đề là lạc quan như thế nào và đúng mức hay không”.

Về vấn đề gọi vốn, Dom cho biết gặp khá nhiều khó khăn trong những năm gần đây, nhất là từ Mỹ. Dragon Capital được yêu cầu đăng tải trên website lời khuyến cáo công dân Mỹ không truy cập vào website của Công ty. Dragon Capital cũng không “chào mời” chứng khoán và dịch vụ trên lãnh thổ Mỹ hoặc công dân Mỹ thông qua website.

Nhìn lại thông điệp đầu năm của Thủ tướng, Dom cho rằng “có vẻ là sự nhấn mạnh hơi khác với trước đây”, chẳng hạn: “Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển”.

Dom nói: “... Trong làm ăn thì mình tập trung vào định hướng, nhưng phải bảo vệ các rủi ro về thời điểm. Xác định Việt Nam đi theo con đường thị trường hóa là không khó. Nhưng thị trường hóa ở góc độ nào, vào thời điểm nào mới khó”.

NCĐT


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hai nửa của DOM

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc