Những nhân vật tuổi Ngọ nổi tiếng thế giới |
Viết bởi Nhung |
Thứ ba, 04/02/2014, 10:37 GMT+7 |
Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Pháp Hollande, Thủ tướng Anh Cameron, Thủ tướng Nhật Abe... đều “cầm tinh” con ngựa và là những nhà điều hành kiệt xuất trong các lĩnh vực chính trị, tài chính, có tầm ảnh hưởng lớn với thế giới. Danh sách dưới đây được xếp theo thứ tự từ già đến trẻ. 1. Warren Edward Buffett, Chủ tịch Berkshire Hathaway Warren Edward Buffett sinh ngày 30/8/1930 tại Omaha, tiểu bang Nebraska, Mỹ. Ông là một nhà đầu tư, doanh nhân và nhà từ thiện nổi tiếng. Từ năm 1947 đến 1949, Warren Buffett học tại trường kinh doanh Wharton thuộc đại học Pennsylvania. Năm 1950, ông chuyển sang đại học Nebraska rồi tốt nghiệp bằng kinh tế tại trường này. Sau đó, ông đăng kí học trường kinh doanh Columbia thuộc đại học Columbia và tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ kinh tế năm 1951. Ông là nhà đầu tư thành công nhất thế giới, cổ đông lớn nhất kiêm chủ tịch Tập đoàn đầu tư tài chính Berkshire Hathaway, và là người giàu thứ 3 trên thế giới với tổng tài sản khoảng 57,5 tỷ USD theo tạp chí Forbes. Ông cũng được gọi là "Huyền thoại đến từ Omaha" hay "Hiền tài xứ Omaha". 2. Pál Schmitt, cựu Tổng thống Hungary Pál Schmitt sinh ngày 13/5/1942 tại Budapest, Hungary, ông là tổng thống của Hungary nhiệm kỳ 2010-2012. Ông Schmitt trước đây là Phó Chủ tịch Quốc hội Châu Âu và Chủ tịch Quốc hội Hungary. Ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 6/8/2010 sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử của Quốc hội vào năm 2010. Pál Schmitt cũng từng là Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Hungary và cựu quán quân Olympic môn đấu kiếm với 2 huy chương vàng tại Thế vận hội Olympic mùa hè năm 1968 và 1972. Ngày 2/4/2012, ông đã từ chức Tổng thống Hungary sau khi bị tước bỏ học vị tiến sĩ mà ông đạt được năm 1992. 3. Hồ Cẩm Đào, cựu Chủ tịch Trung Quốc Ông Hồ Cẩm Đào sinh ngày 21/12/1942 tại An Huy, Trung Quốc, là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ 2002-2012, và là Chủ tịch thứ 6 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhiệm kỳ 2003-2013. Trong quá trình học tập tại đại học Thanh Hoa, Hồ Cẩm Đào được đánh giá là sinh viên xuất sắc. Tháng 7/1965, ông tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu. Ông Hồ Cẩm Đào bắt đầu tham gia hoạt động chính trị từ năm 1980 với chức Phó chủ nhiệm Ủy ban xây dựng tỉnh Cam Túc. Từ thời gian đó đến khi chính thức trở thành Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2003, ông đã giữ rất nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị. 4. Angela Dorothea Merkel, Thủ tướng Đức Angela Dorothea Merkel sinh ngày 17/7/1954 tại Hamburg, Đức, là Thủ tướng Đức từ năm 2005 và là chủ tịch của Đảng Liên minh dân chủ Cơ Đốc (CDU) từ năm 2009. Angela Merkel là nữ chính khách lập được khá nhiều kỷ lục khi là nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Đức, là Thủ tướng Đức đầu tiên trưởng thành tại Đông Đức, là Thủ tướng Đức trẻ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II và là Thủ tướng Đức đầu tiên có bằng tiến sĩ về khoa học tự nhiên. Bà cũng là người 5 lần đứng đầu danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí uy tín Forbes bình chọn. “Bà đầm thép” Merkel đã nhận được chỉ số tín nhiệm cao nhất so với các đời Thủ tướng Đức kể từ sau Thế chiến II. Suốt một thời gian, bà Angela Merkel luôn được bình chọn là vị chính khách được người dân Đức yêu mến nhất. 5. François Hollande, Tổng thống Pháp François Gérard Georges Nicolas Hollande sinh ngày 12/8/1954 tại Rouen, Pháp, là chính trị gia thuộc Đảng Xã hội Pháp và là đương kim tổng thống Pháp. Khi còn là sinh viên, ông đã tham gia các hoạt động chính trị và gia nhập đảng Xã hội từ năm 1979. Ông Hollande từng làm cố vấn kinh tế dưới thời Tổng thống Mitterrand. Năm 1997, ông trở thành lãnh đạo đảng Xã hội thay thế ông Lionel Jospin và đảm nhiệm vị trí này trong hơn 1 thập kỷ. Hollande từng là Thị trưởng Tulle từ năm 2001 đến năm 2008, và Chủ tịch Hội đồng Corrèze từ năm 2008 tới năm 2012. Ông đã được bầu làm Tổng thống Pháp ngày 6/5/2012 và chính thức nhậm chức ngày 15/5/2012. 6. Lloyd Blankfein, Giám đốc điều hành Goldman Sachs Lloyd Craig Blankfein sinh ngày 20/9/1954 tại Bronx, New York và hiện là Giám đốc điều hành của Goldman Sachs, tập đoàn tài chính Mỹ thành công nhất Phố Wall. Blankfein theo học trường Đại học Luật Harvard. Sau một thời gian dài làm việc cho công ty luật Donovan với tư cách là một luật sư thuế, ông gia nhập J. Aron & Co., một chi nhánh của Goldman Sachs và từng bước tiến tới ngôi vị CEO của tập đoàn này. Ông Lloyd Blankfein được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 72 người quyền lực nhất thế giới. 7. Shinzō Abe, Thủ tướng Nhật Bản Shinzō Abe sinh ngày 21/9/1954 tại Nagato, Yamaguchi, Nhật Bản. Năm 1977, ông tốt nghiệp khoa luật tại trường ĐH Seikei ở Tokyo, Nhật Bản. Năm 1978, ông Abe hoàn thành chương trình học chuyên ngành chính trị tại Đại học Nam California, Mỹ. Sau một thời gian ngắn làm việc ở Công ty Thép Kobe, ông Abe trở thành trợ lý cho cha mình là Ngoại trưởng Nhật Bản Shintaro Abe vào năm 1982. Từ đó, ông chính thức tham gia vào chính trường. Shinzō Abe tranh cử và được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do lần hai vào ngày 26/9/2012. Trong cuộc tổng tuyển cử Nhật Bản năm 2012, ông Shinzō Abe tái đắc cử lần 2 và trở thành Thủ tướng Nhật Bản từ ngày 26/12/2012. 8. Enrique Peña Nieto, Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto sinh ngày 20/7/ 1966 tại Atlacomulco, Mexico, và là Tổng thống thứ 57 của Mexico. Peña Nieto tốt nghiệp Khoa Luật trường Đại học Panamericana và khóa Quản lý doanh nghiệp sau Đại học tại Viện Công nghệ Monterrey. Trong giai đoạn 1985-1986, Pena Nieto là luật sư tại văn phòng Laffan Muse và Kaye. Từ năm 1990, ông bắt đầu các chức vụ trong tổ chức chính quyền bang Mexico, mở ra con đường sự nghiệp chính trị thành công của ông. Ông là một đảng viên của Đảng Cách mạng Chế độ (PRI) và là cựu thống đốc bang Mexico nhiệm kỳ 2005-2011. Peña Nieto đắc cử Tổng thống sau cuộc tổng tuyển cử Mexico và nhậm chức Tổng thống vào ngày 1/12/2012, đánh dấu sự trở lại của chính đảng từng lãnh đạo nền chính trị Mexico trong 71 năm liên tiếp. 9. David William Donald Cameron, Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland David William Donald Cameron sinh ngày 9/10/1966 tại London, ông là nhà lãnh đạo Đảng Bảo thủ và Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. David Cameron học liên ngành triết học, chính trị học và kinh tế học ở đại học Oxford và được trao bằng sinh viên ưu tú hạng nhất. Sau đó, ông tham gia Cơ quan nghiên cứu của Đảng Bảo thủ và trở thành cố vấn đặc biệt cho các chính trị gia tên tuổi như Norman Lamont, Michael Howard. David Cameron nhanh chóng được thăng chức, trở thành người đứng đầu cục điều phối chính sách trong chiến dịch tổng tuyển cử năm 2005. Sau khi Gordon Brown từ chức, David Cameron được bổ nhiệm làm Thủ tướng với mục đích hình thành một liên minh với Đảng Dân chủ Tự do. 10. Helle Thorning Schmidt, Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning Schmidt sinh ngày 14/12/1966 tại Rødovre, Đan Mạch, là nữ chính trị gia Đan Mạch, và hiện là người lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội. Bà là nghị sĩ đại diện cho Đan Mạch ở Nghị viện châu Âu từ năm 1999 tới 2004, trước khi được bầu vào Quốc hội Đan Mạch năm 2005. Helle Thorning học đại học ở Đại học Copenhagen và nhận bằng "kandidat" (tương đương thạc sĩ) khoa học chính trị năm 1994. Sau đó, bà sang Bỉ học ngành châu Âu học ở College of Europe tại Bruges và tốt nghiệp với bằng thạc sĩ. Từ năm 1994 tới 1997, bà lãnh đạo ban thư ký của phái đoàn nghị sĩ Dân chủ Xã hội của Đan Mạch tại Nghị viện châu Âu và trúng cử nghị sĩ Nghị viện châu Âu năm 1999. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Đan Mạch ngày 15/9/2011, phe đối lập của bà đã thắng phe liên minh của thủ tướng đương nhiệm Lars Løkke Rasmussen và bà được bầu làm thủ tướng Đan Mạch. Bà Helle là nữ thủ tướng đầu tiên của quốc gia Bắc Âu này. Theo Dantri Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|