top-banner-2

Thứ năm, 21/06/2018, 14:45 GMT+7

'Cha đẻ' hãng Disney 3 lần khởi nghiệp, bị vợ cũ chiếm bản quyền

Viết bởi Nam Anh   
Thứ năm, 21/06/2018, 14:45 GMT+7

Thất bại liên tiếp khiến Walt Disney quyết định không hợp tác cùng bất kỳ công ty nào, tự gây dựng hãng giải trí thành công nhất trong lịch sử.

Walt Disney sinh năm 1901 tại thành phố Chicago trong gia đình có 5 anh chị em. Thời thơ ấu của ông gắn liền với những trận đòn từ người cha và sự yếu đuối của người mẹ. Tuổi thơ đầy nước mắt khiến ông nuôi ước mơ tạo dựng một thế giới tràn ngập niềm vui trong phim.

Ngày nhỏ, Walt Disney có niềm đam mê hội họa nhưng gia cảnh thiếu thốn nên ông chỉ có thể phác thảo hình ảnh bằng cách dùng than vẽ lên giấy vệ sinh.

walt-disney-vhdn

Walt Disney là cha đẻ của nhiều nhân vật hoạt hình nổi tiếng như chuột Mickey, vịt Donald. Ảnh: Disney.

Khi Thế chiến thứ I nổ ra, Walt Disney bỏ học và xin gia nhập quân đội nhưng bị từ chối do không đủ tuổi. Ông xin làm thiết kế tại các nhà xuất bản nhưng liên tục bị từ chối với lý do các tác phẩm của ông không có sự sáng tạo. Cuối cùng, Walt Disney trải qua nhiều công việc để mưu sinh như công nhân đường sắt, bán thức ăn nhanh hay bán báo cho du khách.

Thất bại liên tiếp khi lập nghiệp

Năm 1920, Walt Disney cùng một đồng nghiệp là Ubbe Iwerks thành lập hãng sản xuất phim hoạt hình mang tên Iwerks-Disney Commercial Artists nhưng nhanh chóng thất bại và phải tuyên bố phá sản.

Walt Disney có tài năng thiên bẩm về hội họa và ngay từ nhỏ ông đã vẽ những nhân vật hoạt hình trên giấy vệ sinh. Ảnh: Disney.

Không bỏ cuộc, Walt Disney đầu quân cho Công ty Quảng cáo Kansas City Ad. Hết giờ làm, ông tranh thủ mượn máy quay về nhà tự nghiên cứu và làm ra loạt phim hoạt hình ngắn mang tên Laugh-O-Grams. Serie phim hoạt hình Laugh-O-Grams của ông sau đó được chiếu tại nhà hát Newman. Nó nhanh chóng phổ biến và được yêu thích tại thành phố Kansas, bang Missouri.

Thành công của bộ phim đầu tay giúp Walt Disney thành lập Công ty Laugh-O-Grams khi mới 20 tuổi. Công ty này chuyên sản xuất những phim hoạt hình ngắn dành cho thiếu nhi.

Danh tiếng Laugh-O-Grams nhanh chóng lan rộng và giúp Walt Disney ký được hợp đồng hợp tác với Công ty Pictorial Clubs. Họ cùng nhau thực hiện dự án phim hoạt hình Alice’s Wonderland nhưng không thành công. Công ty của Walt Disney phá sản và serie Laugh-O-Grams cũng bị Pictorial Clubs thâu tóm.

Không bỏ cuộc, năm 1923, Walt Disney quyết định đến Hollywood thử vận may. Với số tiền ít ỏi từ việc bán máy quay phim và vay mượn từ họ hàng, Walt Disney cùng anh trai Roy Disney thành lập hãng Disney Brothers Studios ngay tại gara mượn của người chú ở thành phố Los Angeles.

Studio của anh em nhà Disney nhanh chóng được biết đến nhờ thành công từ bộ phim hoạt hình Chú thỏ may mắn Oswald. Nhưng do Walt Disney thiếu kinh nghiệm và non nớt trong các vấn đề kinh doanh nên Chú thỏ Oswald và hầu hết các tác phẩm hoạt hình của ông bị Mintz, công ty của vợ cũ, đánh cắp quyền sở hữu.

Phiên bản đầu tiên của bộ phim Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn được sản xuất năm 1937. Ảnh: Disney.

Tức giận vì phạm sai lầm liên tiếp, Disney trở về bang California, quyết tâm lập nghiệp. Lần này ông không vội vàng ra mắt tác phẩm ngay mà tập trung sáng tạo nhân vật độc đáo và hấp dẫn. Đồng thời ông quyết định không để bất kỳ công ty nào phân phối hoặc hợp tác sản xuất.

Ngày 18/11/1928, nhân vật chuột Mickey xuất hiện trong tập phim Steamboat Willie ở New York mang đến thành công ngoài mong đợi cho Walt Disney. Ông là người đầu tiên sản xuất phim hoạt hình có âm thanh và chuột Mickey trở thành biểu tượng cho những ký ức tuổi thơ của bao thế hệ.

Ở tuổi 27, Walt Disney là một họa sĩ hoạt hình tài năng, đạo diễn và nhà sản xuất phim nổi tiếng. Ông tham gia vào tất cả các công đoạn sản xuất, kể cả việc lồng tiếng chuột Mickey từ năm 1928 đến năm 1947. Năm 1935, Hội Quốc liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc) trao tặng huy chương đặc biệt cho Walt Disney vì sáng tạo ra chuột Mickey và tôn vinh đây là "biểu tượng lòng thiện chí toàn cầu".

Walt Disney từng tâm sự: "Chúng tôi nhận thấy hầu hết khán giả, đặc biệt các em nhỏ thích những con vật nhỏ bé, lanh lợi. Tôi nghĩ đến chú chuột nhắt luôn ấp ủ khát khao như vua hề Chaplin, một người đàn ông tầm vóc bé nhỏ nhưng mang lại niềm vui cho mọi người".

Năm 1937, Walt Disney lập kỳ tích khi bộ phim hoạt hình dài tập Bạch tuyết và bảy chú lùn được công chiếu và gặt hái thành công ngoài sức tưởng tượng. Mặc chiến tranh và suy thoái kinh tế, Công ty Disney đạt doanh thu gần 1,5 triệu USD. Để có được thành công lớn như vậy, Walt Disney bỏ ra số tiền lớn và làm việc miệt mài trong ba năm.

Trong vòng 5 năm tiếp theo, Walt Disney cho ra đời hàng loạt phim hoạt hình dài tập như: Pinocchio (1940), Fantasia (194), Chú voi biết bay Dumbo (1941), Chú nai Bambi (1942) nhưng doanh thu không đạt kỳ vọng do ảnh hưởng từ Thế chiến II.

Các nhân vật hoạt hình thuộc bản quyền của Disney tại công viên giải trí Disneyland, bang California. Ảnh: Disney.

Đứng trước nguy cơ phá sản lần nữa, Walt Disney đã thuyết phục ngân hàng cho vay vốn để duy trì sản xuất loạt phim hoạt hình dài tập trên. Chiến tranh kết thúc, những phim này đều đem lại lợi nhuận khổng lồ và Disney trở thành hãng sản xuất phim hoạt hình đứng đầu thế giới.

Không dừng lại ở thành công của thể loại phim hoạt hình, những năm đầu thập niên 1950, Walt Disney mở rộng sản xuất các bộ phim hành động do người thật đóng như: Sáu vạn dặm dưới biển, The Parent Trap. Và bộ phim đầu tiên về thiên nhiên là Seal Island, mở đầu cho kỷ nguyên làm phim về đời sống tự nhiên.
Bên cạnh đó, Disney tập trung sản xuất các bộ phim ngắn như: Cinderella (1950), Cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên (1951), Peter Pan (1953), Người đẹp ngủ trong rừng (1959)…

Bước ngoặt trong kinh doanh

Là người bận rộn nhưng Walt Disney luôn dành thời gian cho hai con gái. Trong lần ngồi nhìn hai con vui đùa ở công viên, ông chợt nảy ra ý tưởng xây dựng công viên giải trí dành cho cả gia đình, nơi bố mẹ cùng tham gia các trò chơi với con cái.

Walt Disney tự tay vẽ bản thiết kế của công viên giải trí và xây dựng những mô hình trò chơi hấp dẫn, vui nhộn dành cho mọi lứa tuổi. Công viên Disneyland đầu tiên được xây dựng ở bang California và đi vào hoạt động từ năm 1955.

Vào thập niên 1960, Disney thực hiện dự án lớn hơn với tên gọi Disneyworld. Tham vọng của ông là tạo ra một công trình quy mô, có diện tích rộng gấp 15 lần Disneyland tại Florida. Tuy nhiên, Walt Disney đã không thể sống đến ngày công trình này hoàn thành. Ông mất năm 1966 vì căn bệnh ung thư phổi.

Bức tượng của Walt Disney tại công viên giải trí Disneyworld, bang Florida. Ảnh: Disney.

Đúng như kỳ vọng của Walt Disney, Disneyworld trở thành hiện tượng toàn cầu và mô hình công viên giải trí này xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới: Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… Công viên không chỉ là biểu tượng cho sự thịnh vượng của Disney mà còn đem đến nguồn thu lớn cho hãng.

Trong suốt sự nghiệp làm phim, Walt Disney đã giành được 23 tượng vàng Oscar. Các tác phẩm do ông làm ra được đón nhận ở mọi lứa tuổi, mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Walt Disney là người đặt nền móng và định hướng cho sự phát triển lâu dài của hãng Disney. Hiện Disney có giá trị khoảng 170 tỷ USD và được đánh giá là công ty giải trí thành công nhất trong lịch sử.

Theo Thảo Nguyên - ngoisao.net - 21/06/2018

Link nguồn: https://ngoisao.net/tin-tuc/thuong-truong/cha-de-hang-disney-3-lan-khoi-nghiep-bi-vo-cu-chiem-ban-quyen-3765290.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

'Cha đẻ' hãng Disney 3 lần khởi nghiệp, bị vợ cũ chiếm bản quyền

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc