top-banner-2

Thứ hai, 18/06/2018, 08:57 GMT+7

Cô gái gốc Việt nổi tiếng toàn cầu nhờ thiết bị đọc được suy nghĩ

Viết bởi Nam Anh   
Thứ hai, 18/06/2018, 08:57 GMT+7

Tan Le, CEO Emotiv Inc, được Forbes đưa vào danh sách '50 người bạn cần biết' nhờ công nghệ EEG giúp điều khiển mọi vật bằng suy nghĩ.

Tan Le sinh năm 1977 tại miền Nam Việt Nam, sau đó cùng mẹ và bà ngoại chuyển đến Australia năm 4 tuổi. Tại Melbourne, mẹ cô làm việc vất vả ở nhà máy GM Holden để có tiền trang trải cho cả gia đình. Cuộc sống khó khăn nhưng bà luôn khuyến kích Tan Le theo đuổi học hành và tạo điều kiện để con gái tiếp cận công nghệ từ sớm.

tan-le-tri-tue-nhan-tao-vhdn

Tan Le (41 tuổi) là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Emotiv.

Là người nhập cư nhưng Tan Le hòa nhập nhanh chóng với cộng đồng bản địa. Tại trường học, cô là một trong những học sinh tiêu biểu với kết quả học tập xuất sắc và các hoạt động ngoại khóa sôi nổi.

16 tuổi, Tan Le hoàn thành chương trình trung học và đăng ký học luật tại Đại học Monash, thành phố Melbourne. Hai năm sau, Tan Le được bầu làm Chủ tịch Trung tâm Service Resource của người Australia gốc Việt. Năm 20 tuổi, Tan Le được chính phủ trao tặng giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu của năm.

Giải thưởng trên mở ra nhiều cơ hội cho Tan Le. Cô được gặp gỡ những nhân vật nổi tiếng như các cựu thủ tướng Gough Whitlam, Bob Hawke và John Howard của Australia. Tan Le còn được tặng một suất dự bị tham gia vào câu lạc bộ bóng đá Western Bulldogs. Tại đây, Tan Le gặp gỡ MC nổi tiếng Eddie McGuire, người đã giúp cô phát triển hoạt động truyền thông của công ty sau này.

Năm 2001, khi điện thoại thông minh chưa xuất hiện, Tan Le cùng một người bạn gốc Việt khởi nghiệp dự án đầu tiên với ứng dụng sao chụp và lưu trữ tin nhắn trên điện thoại di động SASME. Ứng dụng này giúp người dùng có thể lưu trữ những thông tin quan trọng mà không sợ bị đầy bộ nhớ. Nhờ MC Eddie McGuire, chỉ sau một ngày ra mắt, ứng dụng này đã có 30.000 người đăng ký sử dụng.

Năm 2003, một công ty viễn thông đã mua lại ứng dụng của Tan Le, giúp cô bỏ túi số tiền không nhỏ. Cùng năm, Tan Le và hai người bạn thành lập Công ty Emotiv System, chuyên nghiên cứu và sản xuất các thiết bị công nghệ cao.

Năm 2009, công ty Emotiv ra mắt công nghệ đo điện từ về cách thức hoạt động của não bộ với tên gọi EEG. Tuy nhiên thiết bị này không gây được sự chú ý tại Australia. Năm 2010, Tan Le quyết định đến Mỹ để tìm cơ hội phát triển công ty.

Đến xứ cờ hoa, Tan Le thành lập công ty Emotiv Lifesciences Inc tại thung lũng Silicon. Công ty này sử dụng công nghệ EEG để sản xuất phần mềm, dữ liệu, mobile app, thiết bị đọc suy nghĩ…

Công nghệ EEG của Emotiv chuyên khám phá các khả năng tiềm ẩn của não bộ với mục đích nâng cao khả năng tư duy, cải thiện cách suy nghĩ, giúp bộ não làm việc hiệu quả, tăng khả năng nhận thức của con người…

Thiết bị đeo đầu của Emotiv giúp phát huy khả năng tư duy của trẻ. Ảnh: Emotiv.  

Thiết bị đeo đầu của Emotiv giúp phát huy khả năng tư duy của trẻ. Ảnh: Emotiv.  

"Não bộ có hàng tỷ tế bào thần kinh, khi các tế bào này tương tác với nhau sẽ phát ra xung điện. Sau khi  thiết bị EEG của Emotiv được đeo lên đầu, nó sẽ đo các xung điện do não bộ phát ra, phân tích và chuyển dịch thành các lệnh hoặc ý nghĩa để điều khiển robot, bật đèn hoặc lái xe tự động", Tan Le giải thích.

Năm 2015 Emotiv ra mắt thiết bị đeo đầu Emotiv Insight, được thiết kế dành riêng cho khách hàng có nhu cầu tìm hiểu và cải thiện bộ não. Thiết bị giúp người dùng nhận diện các thói quen xấu, tốt trong cuộc sống hàng ngày và điều chỉnh nó.

Một trong những ứng dụng quan trọng nhất của công nghệ EEG là khả năng phiên dịch ý nghĩ và hành động ra bên ngoài. Việc này tạo điều kiện cho những người khuyết tật, người bị hạn chế khả năng di chuyển có thể dùng não bộ để điều khiển vật dụng xung quanh và thích ứng với môi trường xung quanh.

Năm 2017, Rodrigo Hubner Mendes, một người bị liệt hai chân, đã sử dụng thiết bị đeo đầu của Emotiv để lái xe trên đường đua Công thức 1. Một máy tính được kết nối với thiết bị để dịch chuyển suy nghĩ của anh thành lệnh điều khiển.

"Khi tôi ngồi trong xe và để tăng tốc, tôi nghĩ đến mục tiêu phía trước; để rẽ phải, trái, tôi nghĩ đến thanh điều khiển xe và dịch chuyển nó", Rodrigo Hubner Mendes phấn khích chia sẻ trải nghiệm đeo thiết bị thông minh của Emotiv.

Các thiết bị đeo đầu của Emotiv đều nhỏ gọn, dễ dàng sử dụng. Ảnh: Emotiv. 

Các thiết bị đeo đầu của Emotiv đều nhỏ gọn, dễ sử dụng. Ảnh: Emotiv.

Theo dự đoán của các chuyên gia, trong tương lai công nghệ của Emotiv hứa hẹn đem đến cho con người hệ thống tự động hóa, thế giới sẽ được kiểm soát chỉ bằng ý nghĩ. Trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế xử lý các data dữ liệu và các hoạt động của máy móc.

Ngoài trụ sở chính tại thung lũng Silicon, hiện nay Emotiv Inc mở 3 văn phòng đại diện tại thành phố Sydney (Australia), Hà Nội và TP HCM.

Tan Le là một trong những nữ lãnh đạo hiếm hoi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Những phát minh của cô được giới khoa học và công nghệ đánh giá cao. Năm 2009, Tan Le gia nhập hội những Nhà lãnh đạo trẻ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Năm 2011, cô được Forbes bình chọn vào danh sách 50 người mà bạn cần phải biết.

Theo Thảo Nguyên - ngoisao.net - 18/06/2018

Link nguồn: https://ngoisao.net/tin-tuc/thuong-truong/co-gai-goc-viet-noi-tieng-toan-cau-nho-thiet-bi-doc-duoc-suy-nghi-3763667.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cô gái gốc Việt nổi tiếng toàn cầu nhờ thiết bị đọc được suy nghĩ

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc