Tỷ phú giàu thứ 3 thế giới - Jeff Bezos và triết lý 'Chiếc ghế trống' |
Viết bởi An An |
Thứ ba, 02/08/2016, 14:00 GMT+7 |
Tỷ phú Jeff Bezos vừa vượt qua nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett để ghi tên mình vào Top 3 người giàu nhất hành tinh. Theo thống kê của Bloomberg, Bezos đang sở hữu khối tài sản trị giá 67 tỷ USD, chỉ đứng sau nhà đồng sáng lập Microsoft - Bill Gates và ông chủ đế chế thời trang Zara - Amancio Ortega. Từ một ý tưởng được nuôi dưỡng trong nhà để xe, Bezos đã xây dựng Amazon thành gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử. Và một trong những bí quyết giúp tỷ phú 52 tuổi thành công chính là triết lý "Chiếc ghế trống". Jeff Bezos, CEO Amazon Trong cuộc sống thường ngày, Bezos được đánh giá là một người vui tính và hay cười, thế nhưng trong công việc ông lại vô cùng nghiêm khắc và tỉ mỉ. Khi Amazon mới thành lập, Bezos luôn đặt một chiếc ghế trống trong mỗi cuộc họp. Ông nói với tất cả những người tham dự rằng chiếc ghế này luôn có người ngồi - người có vai trò quan trọng nhất với Amazon. Nhân vật được Bezos nhắc đến không ai khác chính là "khách hàng". Theo Bezos, khách hàng chính là ông chủ có quyền lực tối cao tại Amazon còn ông chỉ là người giám hộ mọi hoạt động có tác động tới nó. Vì thế, mọi quyết định mà công ty đưa ra trong các cuộc họp đều luôn phải lấy khách hàng làm trung tâm. Bezos cảm thấy khó chịu với những thứ làm khách hàng khó chịu như sự chậm trễ, sản phẩm gặp lỗi hay hết hàng... Tina Patterson, quản lý thương hiệu tại Amazon từ năm 2007 đến 2011 chia sẻ kỷ niệm khó quên khi duyệt các đoạn quảng cáo cho sách điện tử Kindle. Trong khi mọi người đều cười khúc khích khi nhìn thấy hình ảnh một người đọc Kindle biến thành dũng sĩ đấu bò và bị con bò tung lên không trung thì Bezos lại có phản ứng hoàn toàn trái ngược. Ông nói: "Tôi biết, quảng cáo rất thú vị và con bò thật ngộ nghĩnh. Nhưng khách hàng sẽ cảm thấy họ đang bị húc vào mông. Chúng ta không thể làm họ bị đau". Năm 2009, Amazon từng khiến khách hàng nổi giận khi xóa các bản sao hai cuốn sách gây tranh cãi là "Animal Farm" và "1984" của nhà văn George Orwell. Đối với Bezos, bất cứ điều gì làm tổn thương khách hàng thì cũng làm tổn thương chính mình. Chính vì vậy, sau sự cố này ông đích thân viết một bức thư xin lỗi gửi đến tất cả các khách hàng. Trong bức thư có đoạn: "Cách giải quyết của chúng tôi đối với vấn đề này thật ngu ngốc, thiển cận và đáng buồn là trái các nguyên tắc kinh doanh cơ bản của công ty... Chúng tôi cam kết từ nay về sau sẽ đưa ra những quyết định thấu đáo hơn". Doanh nhân sinh năm 1964 cũng luôn xác định rõ ràng, thay vì ngồi chờ đối thủ ra sản phẩm trước và học theo thì điều ông cần làm là lắng nghe xem khách hàng cần gì và muốn gì. Trong những năm qua, Amazon đã liên tục bổ sung thêm những tính năng mới cho sản phẩm của mình với mục đích duy nhất là khiến khách hàng hạnh phúc. Một trong những ví dụ về điều này là tính năng đánh giá sách của Amazon.com. Lúc đầu các nhà xuất bản không hài lòng với việc Amazon cho phép mọi người phê bình sách. Thế nhưng, công ty vẫn khuyến khích khách hàng đăng tải suy nghĩ của mình, cho dù suy nghĩ đó tích cực hay tiêu cực. Có thể nói, chính triết lý "Khách hàng là số 1" đã góp phần không nhỏ đưa Bezos và Amazon lên đỉnh vinh quang như hiện nay. Theo NDH Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|