Bí kíp để “sống tốt” khi làm việc ở công ty Nhật Bản |
Viết bởi Hà Phương |
Thứ tư, 01/06/2022, 08:00 GMT+7 |
“Nếu em đang mơ đến viễn cảnh vào công ty được thoải mái sáng tạo, được sếp khen ngợi động viên, thăng tiến ào ào… thì tốt nhất em đừng làm việc ở công ty Nhật Bản”. Đó là lời cảnh báo mà anh trai tôi đã nói với tôi cách đây 6 năm. Hồi đó tôi chưa hiểu lắm, bây giờ ngẫm lại thấy anh nói rất “chuẩn”.
Ngày đầu trúng tuyển vào một công ty thương mại điện tử của Nhật sau quá trình kiếm việc tiếng Nhật N4 khá vất vả, tôi vui sướng khoe ngay với anh trai mình. “Em phải thay đổi ngay cách làm việc hiện tại, nếu muốn sống sót ở công ty Nhật” – Sau câu chúc mừng ấm áp, anh dội cho tôi một gáo nước lạnh. 10 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, anh ấy đủ tư cách để đưa ra lời khuyên cho tôi – một đứa mà trong mắt anh là khá “trẻ trâu”, thích tự do và đầy mơ mộng. 6 năm làm việc tại công ty Nhật, tôi đã thực sự thấm những lời dặn dò của anh trai. Tôi cũng thu thập được kha khá kinh nghiệm, đồng thời tự đúc rút cho mình một số bí kíp hay ho để có thể “sống sót” và sống tốt ở các công ty Nhật. Điều đầu tiên, và rất quan trọng, đó là nhớ đi làm đúng giờ. Người Việt mình có thói quen dùng giờ “cao su”, nhân viên có đi làm muộn năm, ba phút sếp cũng không quá khó chịu. Ngược lại, Người Nhật nổi tiếng về việc tuân thủ giờ giấc. Đi làm đúng giờ ở công ty Nhật được hiểu là phải đến văn phòng trước giờ làm ít nhất 5 đến 10 phút. Vì người Nhật coi trọng chữ tín và tính kỷ luật, nên việc trễ giờ sẽ khiến bạn bị mất điểm trầm trọng. Tôi còn nhớ có lần mình đến công ty muộn đúng 5 phút mà bị sếp căn vặn mãi về lý do đi làm muộn. Sau lần dó, tôi tự nhắc bản thân mình tuyệt đối không nên để việc này tái phạm. Chú trọng làm việc nhóm là điều thứ hai bạn cần lưu ý khi làm việc tại công ty Nhật. Người Nhật quan niệm rằng thành công là kết quả sự nỗ lực của cả tập thể, chứ không của riêng một cá nhân nào. Các quyết định quan trọng thường được thảo luận trước và chỉ được đưa ra khi có sự nhất trí của đa số thành viên trong nhóm. Do vậy, hãy cẩn thận khi bạn muốn nêu ra các ý kiến cá nhân quá khác biệt và thẳng thắn, vì bạn có thể bị xem là người thiếu tinh thần hợp tác. Ngoài ra, cũng liên quan đến văn hóa làm việc nhóm, các công ty Nhật Bản rất coi trọng việc báo cáo. Bạn sẽ phải thường xuyên trao đổi về tình hình, tiến độ, các vấn đề trong công việc của bạn với cấp trên và các thành viên trong nhóm. Thông tin càng xấu thì càng cần báo cáo nhanh chóng để chung tay khắc phục kịp thời. Nhiều người Việt Nam mới làm việc ở công ty Nhật thường than thở: “Cái gì cũng báo cáo”, “dành cả thanh xuân để báo cáo”. Một điều tuy không quá quan trọng nhưng đừng bỏ qua, đó là trang phục khi đi làm. Người Nhật coi trọng ngoại hình, nhưng không phải là thời trang mà là sự gọn gàng, sạch sẽ, chuyên nghiệp. Hãy chọn những trang phục có màu sắc và kiểu dáng nhã nhặn, lịch sự; không nên chọn trang phục lòe loẹt hoặc quá nổi bật, khác người; và tránh để trang phục đi làm có nếp nhăn hoặc có vết bẩn bạn nhé. Các bạn nữ đừng nên trang điểm quá đậm, nhưng nếu không trang điểm cũng sẽ bị coi là thiếu tôn trọng những người bạn tiếp xúc. Một lưu ý khác đó là người Nhật đặc biệt coi trọng sự chăm chỉ, họ nhấn mạnh “làm hết việc chứ không phải hết giờ”. Do đó ở các công ty Nhật, việc nhân viên làm thêm giờ, đi sớm về muộn là “chuyện thường ngày ở huyện”. Mức lương ở các công ty Nhật được đánh giá là cao so với mặt bằng chung và thường có chế độ xét tăng lương định kì. Hãy tin rằng, mức lương bạn nhận được luôn tương xứng với năng lực, sự cố gắng và kết quả công việc của bạn. Các ông chủ Nhật quan sát nhân viên rất giỏi, nên họ sẽ luôn đánh giá đúng những đóng góp của bạn, dù rõ rệt hay âm thầm. Vì vậy, bạn không cần lên tiếng về chuyện lương bổng hay đòi hỏi sếp tăng lương, để tránh bị họ xem là thất lễ. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn bớt bỡ ngỡ, tự tin và vững vàng hơn khi bước chân vào một công ty Nhật Bản. Và hãy nhớ rằng, dù làm việc ở đâu, điều quan trọng cũng vẫn là sự nỗ lực, tận tâm với công việc và cố gắng thích nghi với môi trường xung quanh - khi đó bạn sẽ luôn luôn “sống tốt”. Kiều Giang * Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|