Mâu thuẫn nội tâm khốn khổ đeo bám cả cuộc đời người hướng nội! |
Viết bởi Mai Ngọc |
Thứ năm, 22/11/2018, 15:07 GMT+7 |
Có chuyện gì đang diễn ra trong đầu người hướng nội vậy? Người hướng nội rất ngại giao tiếp, hoặc là họ sẽ luôn phải chịu đựng nỗi lo lắng và bất an khi giao tiếp, nhưng họ vẫn khao khát được quảng giao với mọi người. "Ồ! Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra với họ vậy?" Đó là sự mâu thuẫn, là nghịch lý lớn nhất trong tâm trí của người hướng nội. Nhưng nghịch lý này sẽ không quá khó hiểu khi chúng ta lật ngược lại quan điểm chính của nó như thế này: Là một người hướng nội, bạn rất ngại giao tiếp, bạn không muốn trò chuyện cùng người khác nhưng bạn muốn người khác gặp gỡ và hỏi thăm tình trạng đang rất tồi tệ của bạn ở hiện tại có đang tiến triển tốt hơn không. Và sau đó không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra giữa hai người; là một buổi trò chuyện không có hồi kết, cả bạn cùng với người kia đều phải gọi đến ly cà phê thứ hai hay thứ ba gì đó, hoặc "Muộn mất rồi! Quán café chúng tôi thực lòng xin lỗi quý khách. Hẹn quý khách vào một hôm khác vậy." Mâu thuẫn này của người hướng nội thực chất rất dễ lý giải bởi suy cho cùng, thứ họ muốn là những buổi tâm sự ngọt ngào giữa hai người. Họ cần một người có thể hiểu được tâm trạng của họ tồi tệ đến mức nào và tiến lại gần hỏi thăm, an ủi họ một cách chân thành nhất. Họ khao khát được chia sẻ những chuyện buồn của mình nhưng điều đáng nói là họ rất ngại phải mở lời trước nên nếu một ai đó gặp gỡ và bắt chuyện cùng họ, họ thực sự rất cảm động. Họ như trở thành con người khác, nói nhiều hơn và cười cũng nhiều hơn. Người hướng nội cảm thấy rất sợ hãi khi bị trở thành tâm điểm của một buổi tiệc, một cuộc họp hay thậm chí sợ phải trở thành một người tài năng được xã hội ca ngợi. Đây cũng lại là một mâu thuẫn nữa trong nội tâm của họ. Họ muốn được là một người có những năng khiếu toàn diện, muốn được trở thành một cá thể độc lập và có tài cán trong một tập thể chật chội, phức tạp. Họ khao khát được "là ai đó" có tiếng nói hoặc bản thân được ghi nhận bởi nhiều người không phải "là ai đó" giống như họ. Họ muốn được mọi người ca tụng. Thật kỳ quặc nhưng lại một lần nữa, hãy nhìn quan điểm này với một tư duy ngược lại, nó sẽ không còn là một nghịch lý: Người hướng nội khao khát tài năng, họ mong được ghi nhận và họ chỉ muốn trở thành tâm điểm trong các buổi gặp gỡ của đám đông thích bàn tán ngoài kia với một điều kiện là đám người đó không có sự hiện diện của họ. Điều này cũng giải thích cho cả hai cá tính đặc biệt mà người hướng nội luôn mang trong mình, đó là thích ở một mình và thích được ca ngợi, thích được người khác bàn tán xôn xao về mình trong khi bản thân thì đang sống trong một nỗi cô độc không ai có thể đặt chân vào đó. Người hướng nội thích được ở một mình nhưng điều đó có thể khiến họ kiệt quệ nếu họ không thể cân bằng giữa năng lượng cũng như nguồn cảm hứng vô hạn được tạo ra từ sự cô độc và những ám ảnh sâu sắc của chủ nghĩa khắc kỳ. Bản chất của người hướng nội là sống khép kín, thu mình vào thế giới của suy nghĩ và quán chiếu nội tâm, hạn chế tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Đặc biệt là họ tự mâu thuẫn với chính tâm lý của mình nên một khi đã bế tắc vơi suy nghĩ "mình còn không hiểu nổi mình" thì việc đảm bảo cho bản thân một lối tư duy tích cực trong việc giải quyết xung đột cảm xúc là một nhiệm vụ bất khả thi. Chẳng hạn, họ lựa chọn và yêu cầu với người thân được ở một mình trong khoảng thời gian đang suy sụp hoặc bất ổn tâm lý. Nhưng vì một vài lý do khách quan, người thân lại làm phiền họ bằng những cử chỉ quan tâm thái quá, lo lắng vượt mức họ có thể chịu đựng dẫn đến cáu gắt và xung đột. Mặt khác, khi không nhận được sự vỗ về và yêu thương đến từ người thân hay không thể tự an ủi và chữa lành vết nhức nhối trong tâm hồn bằng chính nội tâm của mình họ lại dễ rơi vào trầm cảm nặng hơn. Những trường hợp tự tử đáng tiếc thường xuất phát từ việc họ bị trầm cảm không thể tự mình cứu chữa. Điều đặc biệt khó hiểu nhất của những cá thể mắc phải mâu thuẫn tâm lý khó chịu này là họ biết rằng họ đang bị giằng xé tâm lý gay gắt nhưng lại không có cách giải quyết triệt để hoặc cố tình phớt lờ nó vì nghĩ rằng cuối cùng nó sẽ tự nhiên biến mất, rồi kết cục là họ phải nhận lấy một căn bệnh trầm cảm ở mức độ nhẹ cho đến lúc nặng nề và thê thảm. Một cách giải quyết cực kỳ đơn giản cho vấn đề này: Hãy tập thở và tìm cho mình một người bạn. Chúng ta sinh ra không phải để chịu đựng một mình trong nỗi cô độc tột cùng mà đóng băng bản thân hay tự khép mình trong vỏ ốc của chủ nghĩa khắc kỷ. Đừng để cuộc sống của ta diễn ra theo cách khổ sở như vậy. Người hướng nội rất sợ bị kích động nhưng muốn được kích động theo dạng "truyền hứng" cho những người xung quanh. Họ sẽ muốn tìm một bãi biển, nằm trên đó để đọc hàng chục quyển sách, nghịch ngợm cùng cát và ngắm nhìn những đợt sóng xinh đẹp vô tận. Người hướng ngoại thì lại yêu thích một số hoạt động đặc trưng khác và thường coi các sở thích của người hướng nội là những việc làm nhảm nhí vô bổ. Họ khao khát được đứng trước hàng trăm người để diễn thuyết về một chủ đề mà họ quan tâm thay vì một mình đọc sách và nghịch cát. Đó là điều chúng ta thường hiểu lầm về người hướng nội. Tuy rằng họ sợ đứng trước đám đông, nhưng với hàng trăm người đang chăm chú lắng nghe phía dưới khán phòng trong một buổi hội thảo, nỗi sợ đến với họ trong chốc lát và sẽ biến thành một nguồn năng lượng cực kỳ mạnh mẽ để họ có thể "trình diễn" kỹ năng nắm bắt tâm lý và truyền tải thông điệp đến cộng đồng, họ sẽ nói về những điều mà người khác quan tâm chứ không phải các chủ đề chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của riêng họ. Đó chính là điểm mạnh của người hướng nội: Khả năng truyền cảm hứng tuyệt vời. Hãy kéo một người hướng nội lên trên bục thuyết giảng và đặt cho họ những câu hỏi quan trọng trong các lĩnh vực mà thế giới đang hướng vào thay vì trao cho họ quyền tự quyết nhất định về các vấn đề mà chỉ mình họ suy tư. Kết quả sẽ rất tốt đẹp. Người hướng nội có khả năng tập trung tuyệt vời nhưng quãng thời gian mà họ lơ là và không thể kiểm soát được tình hình cũng diễn ra thường xuyên. Giải thích một cách đơn giản là họ "bận" tập trung vào một ý tưởng khác, hấp dẫn và ý nghĩa hơn. Điều này cũng có thể lý giải cho câu hỏi tại sao người hướng nội phần lớn lại theo chủ nghĩa hoàn hảo. Họ mang trong đầu đầy rẫy những suy nghĩ và phương án này kia về các vấn đề trừu tượng phức tạp không thể lý giải nổi chỉ trong một số ít ngày. Đây không phải là lời bào chữa cho căn bệnh quá cầu toàn của họ mà chỉ là minh chứng để thấy rằng họ xem trọng tư duy trừu tượng hơn những việc họ cho là tầm thường mà ngày nào cũng phải lặp đi lặp lại. Cuối cùng thì người hướng nội, dù phải đối mặt với bất kỳ mâu thuẫn nội tâm nào, phần lớn đều là những con người cô độc luôn mong cầu và khao khát được đón nhận những suy nghĩ đặc biệt đang mang trong mình. Họ khao khát niềm vui và hạnh phúc mãnh liệt hơn bất kỳ ai khác vì họ biết rằng thật khó để người khác có thể thấu hiểu cho phần tính cách kỳ quặc của mình. Như đúng bản chất tên gọi dành cho họ - người hướng nội, họ là những con người ngày đêm đang vật lộn với nỗi cô độc tột cùng, đang dằn vặt với những trăn trở, suy tư không thể tự mình giải đáp. *Nội dung trích từ cuốn sách "Nâng lên được, đặt xuống được" của tác giả Trương Di. Theo Mộc Dương (Nhịp Sống Kinh Tế)/Cafebiz.vn - 22/11/2018 Link nguồn: http://cafebiz.vn/muon-tro-thanh-nguoi-tai-nang-duoc-ghi-nhan-nhung-lai-so-noi-len-la-tam-diem-cua-tap-the-mau-thuan-noi-tam-khon-kho-deo-bam-ca-cuoc-doi-nguoi-huong-noi-20181120015644019.chn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|